(HNM) - Rác thải, vật dụng cồng kềnh, bao tải, ni lông... tập kết dưới chân đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa) khiến các con phố ở khu vực này trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường. Vậy, tình trạng này đến bao giờ mới chấm dứt?
Rác, phế thải chất thành đống tại phố Hoàng Cầu. |
Dạo qua phố Yên Lãng, điều dễ nhận thấy là những đống rác, phế thải chất đống, chạy dọc dưới chân đường sắt. Tương tự, tại phố Hoàng Cầu, cách không xa ngã ba phố Thái Hà - Yên Lãng - Hoàng Cầu là những chiếc bàn ghế cũ xếp chồng lên đống vật liệu xây dựng. Chưa kể, dưới chân trụ cầu AR3 và BR24, người dân tập kết và đốt rác tại đây, gây ô nhiễm môi trường. Bà Nguyễn Thu Hà, ở phố Yên Lãng cho hay: "Người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng khi rác thải được dọn dẹp sạch sẽ, chỉ sau một thời gian ngắn đâu lại hoàn đó".
Lý giải về việc này, bà Hoàng Hoài Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt cho biết, UBND phường thường xuyên phối hợp với công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Đống Đa dọn dẹp rác, phế thải. Tuy nhiên, các đối tượng đổ trộm rác vào ban đêm, rồi nhanh chóng di chuyển nên gây khó cho lực lượng chức năng. Một khó khăn khác nữa là do Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa hoàn thiện nên tạo ra những khoảng trống khiến người dân tiện đâu vứt rác đấy. UBND phường đã nhiều lần gửi công văn báo cáo UBND quận Đống Đa và UBND quận cũng yêu cầu phường tuần tra, kiểm soát nhưng sự việc chỉ có thể giải quyết khi các hạng mục của dự án hoàn thành.
Theo ông Đinh Mạnh Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, năm 2016, Ban Quản lý đã bàn giao các hạng mục dưới chân cầu cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội trồng cây, tạo cảnh quan. Tuy nhiên, năm 2017 đơn vị này đã xin bàn giao lại để thi công hệ thống đường điện, thoát nước tại dải phân cách dưới tuyến đường sắt, đoạn Hào Nam - Hoàng Cầu - Yên Lãng. Trong thời gian này, phát sinh tình trạng người dân đổ và đốt rác dưới chân trụ cầu AR3 và BR24, ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Về tiến độ, dự án cơ bản đã hoàn thành công tác xây lắp và nhà thầu đang tiến hành chạy thử, dự kiến đầu năm 2019 thực hiện bàn giao dự án cho UBND thành phố vận hành, khai thác. Lúc đó sẽ bàn giao lại dải phân cách cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội để chỉnh trang cây xanh, tạo cảnh quan cho khu vực...
Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, quận đã nhiều lần đề nghị nhà thầu không đổ, xả phế thải xây dựng bừa bãi; chịu trách nhiệm dọn dẹp phế thải liên quan đến công trình. UBND quận cũng kiến nghị Sở Xây dựng sớm trồng cây xanh, thảm cỏ theo thiết kế sau khi đã hoàn thành xây dựng hệ thống thoát nước; nghiên cứu phương án căng dây, rào chắn bảo vệ mặt bằng để ngăn ngừa tình trạng đổ trộm rác, phế thải. Đặc biệt, cuối tháng 12-2018, UBND quận chỉ đạo các lực lượng liên tục thu dọn rác, phế thải, vật dụng cồng kềnh; ra quân mật phục, xử lý các trường hợp đổ trộm đất, phế thải xây dựng; điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp phá hoại, xâm hại đến tài sản công trình.
Tuy nhiên, theo UBND quận Đống Đa, chỉ khi Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoàn thành thì mới chấm dứt được sự nhếch nhác đang diễn ra nơi đây do hành vi đổ trộm phế thải diễn ra rất nhanh, khó bắt quả tang. Trong thời gian dự án đưa vào sử dụng, trước mắt, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp bảo đảm mỹ quan ở khu vực này cùng như tăng cường tuyên truyền để người dân cần nâng cao ý thức, bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.