Giới trẻ hiện có xu hướng thay đổi công việc để tìm môi trường mới phù hợp với năng lực, sở trường và niềm yêu thích của bản thân. Thế nhưng, thực tế này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng nhất định.
Xa rồi quan niệm “an phận thủ thường”
Khảo sát của Anphabe (một công ty tư vấn về các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc tại Việt Nam) cho thấy, 62% các bạn trẻ ở Việt Nam “nhảy việc” ngay trong năm làm việc đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn “nhảy việc” vài lần trong một năm ngay khi ra trường.
Tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Diệu Ly (sinh năm 1998) từng mơ ước làm việc tại một viện nghiên cứu về ngôn ngữ. Song, đây là ngành khá khó xin việc nên Ly đã phải chật vật tìm cách tồn tại ở Thủ đô bằng nhiều nghề khác nhau. Công ty Ly làm sau khi tốt nghiệp là về lĩnh vực kinh doanh, nhưng chỉ làm được 3 tháng Ly đã phải bỏ việc vì công ty áp định mức quá cao. Cứ thế, Ly đã thay đổi chỗ làm đến 6 lần, dù mới tốt nghiệp được 4 năm nay. Hiện tại, Ly đang làm công việc mà bạn khá yêu thích, đó là vị trí truyền thông cho một tập đoàn lớn với mức thu nhập tốt. Tuy nhiên, Ly không chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài với công ty.
“Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao tôi “nhảy việc” liên tục như vậy, nhất là mẹ tôi rất lo lắng khi cho rằng công việc của con gái “bấp bênh”. Tôi thì không nghĩ như vậy. Là người trẻ, tôi mong muốn ngoài việc kiếm tiền là được trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm qua nhiều ngành nghề, nhiều công ty. Đã xa rồi quan niệm “an phận thủ thường”, tôi muốn khẳng định mình có thể làm được nhiều việc, miễn là công việc mang lại thu nhập tốt, mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân” - Ly chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình viên chức nhưng Phạm Thị Thanh Mai (tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Kinh tế quốc dân vào tháng 6 vừa qua) không muốn làm việc tại một cơ quan nhà nước theo ý nguyện của bố mẹ. Mai hiện có công việc với mức lương 1.000 USD/ tháng tại một công ty nước ngoài trong lĩnh vực logistics tại Khu Công nghiệp Cẩm Giàng (Hải Dương). Mai cho biết: “Môi trường nhà nước không phù hợp với tính cách của tôi. Tôi muốn làm việc trong môi trường tư nhân, nhất là doanh nghiệp liên doanh để học hỏi thêm từ môi trường làm việc quốc tế. Hơn nữa, môi trường nhà nước thì rất khó “nhảy việc”, còn làm tư nhân thì có thể dễ dàng “đi theo tiếng gọi của niềm đam mê”.
Tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Kinh tế quốc dân từ năm 2018, Phạm Minh Hưng có một công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước nhờ chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017). Song, làm việc được chưa đầy 1 năm, Hưng đã xin ra ngoài làm việc cho một công ty tư nhân. Hưng cho biết: “Tôi cảm thấy công việc nhà nước không còn mang lại cơ hội học hỏi mới. Công việc nhà nước khiến tôi không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống, tôi phải dành quá nhiều thời gian ở công sở, trong khi ngoài kia có rất nhiều thứ thú vị cần học hỏi và khám phá. Hơn nữa, mặc dù có chế độ cao hơn công chức khác, song về mặt tài chính và phúc lợi thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của tôi. Bạn bè cùng lứa với tôi có thu nhập vài ngàn đô, đi nước ngoài thường xuyên, không bị bó buộc bởi bất cứ điều gì”.
Cẩn trọng khi “nhảy việc”
Thực tế không phải ai cũng may mắn như Nguyễn Diệu Ly, Phạm Thị Thanh Mai hay Phạm Minh Hưng khi kiếm được công việc ưng ý sau khi nghỉ việc. Có nhiều bạn trẻ đưa ra quyết định nghỉ việc một cách đường đột trong khi chưa tìm được công việc mới. Chính khoảng thời gian đi tìm việc khiến người trẻ bị khủng hoảng về tinh thần, thậm chí mất niềm tin vào cuộc sống.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 948 nghìn, tăng 15 nghìn người so với quý trước và tăng 7,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II năm 2024 là 2,06%, tăng 0,03 phần trăm so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) 6 tháng đầu năm 2024 là 8%, tăng 0,49 phần trăm so với cùng kỳ năm trước. So với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao và gấp hơn 3 lần.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội), có nhiều rào cản nếu các bạn trẻ “nhảy việc” nhiều lần, như việc một CV (phiếu thông tin và quá trình làm việc của bản thân) liệt kê quá nhiều nơi làm việc, thời gian gắn bó không dài sẽ khiến nhà tuyển dụng e ngại về mức độ gắn bó của nhân sự với công ty. Bên cạnh đó, đa phần doanh nghiệp mong muốn các nhân sự có kinh nghiệm lâu năm tại một lĩnh vực - đó chính là niềm tin để họ trao gửi cho nhân sự ấy công việc.
Để “nhảy việc” không gặp rủi ro, ông Vũ Quang Thành cho rằng, người trẻ phải xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, nghiêm túc. Tuyệt đối không để cảm xúc chi phối, nghỉ việc một cách bốc đồng khi không hài lòng với một vài hành động của cấp trên và đồng nghiệp. Ngay cả khi chuyển việc, người trẻ hãy đảm bảo sẽ không ngừng học hỏi và phát triển bản thân bằng việc thường xuyên tham gia các khóa học, tham gia hội thảo, đọc sách để cập nhật kiến thức, kỹ năng của mình hợp với xu thế và sự phát triển không ngừng của xã hội.
“Trước khi chuyển sang công việc mới, lao động trẻ nên xem xét không chỉ ở mức lương mà còn cả môi trường làm việc, văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến và sự ổn định. Các bạn trẻ nên nhớ rằng, một công việc tốt không chỉ là mức lương cao mà còn là sự hài lòng lâu dài. Điều quan trọng khi chuyển việc nhiều, người trẻ hãy duy trì nền tảng tài chính vững chắc. Lao động trẻ nên có kế hoạch tiết kiệm và đầu tư thông minh, kiếm tiền để không bị rơi vào tình huống khó khăn tài chính khi mất việc mà chưa tìm được công việc mới” - ông Thành chia sẻ.
TS Nguyễn Đình Tiến, khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, xã hội số, kinh tế số mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho lao động trẻ, nhất là người trẻ có năng lực, trình độ cao, được trang bị ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm. Các bậc phụ huynh cũng không cần quá lo lắng khi con cái “nhảy việc” thường xuyên. “Xã hội hiện nay khác với thời xưa, “nhảy việc” đứng ở một góc độ nào đó sẽ giúp người trẻ có thêm môi trường để rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nghỉ việc, tránh việc bị kích động, suy nghĩ không chín chắn mà đưa ra quyết định một cách bộc phát”.
“Chuyển nhiều việc, nhiều công ty đòi hỏi người trẻ phải tích lũy nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Nhu cầu “nhảy việc” của những người trẻ phải nên xuất phát từ sự ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mong muốn được thay đổi môi trường của người lao động, đừng để bản thân bị rơi vào tình trạng “cả thèm chóng chán”, “đứng núi này trông núi nọ”. Bởi thế, “nhảy việc” có thể coi là bước tiến với người này nhưng cũng có thể là bước thụt lùi với người khác. “Nhảy việc” - cơ hội hay thách thức, đó còn phụ thuộc vào mỗi người” - ông Tiến phân tích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.