Bạn muốn ghi dấu tuổi trẻ của mình bắng một trải nghiệm điên rồ? Vậy thì tại sao bạn không thử tới Phuket để nhảy tự do?
Nhảy tự do là gì?
Theo một vài tài liệu, nhảy tự do hay tên chính thức của loại hình này là Bungy Jump lần đầu tiên được thực hiện bởi bốn sinh viên thuộc Câu Lạc Bộ Thể Thao Nguy Hiểm của trường Đại học Oxford vào năm 1979. Bốn chàng trai đã thực hiện cú nhảy bốn ngoạn mục từ độ cao 245 feet (khoảng 76m) từ cầu Clifton Suspension và bị bắt ngay sau đó.
Tuy nhiên, họ trở thành tâm đểm của báo chí thế giới lúc bấy giờ và tạo cảm hứng cho ra đời một trò chơi thú vị dành cho những ai ưa mạo hiểm. Bungy Jump quả thật là hoạt động không dành cho những người yếu tim. Một sợi dây đàn hồi sẽ được buộc vào chân bạn, và nối với bục nhảy. Bục nhảy có thể là từ cầu, cần trục, hoặc máy bay lên thẳng. Cảm giác đáng sợ nhưng thú vị nhất là rơi tự do và giật mạnh lại sau đó.
Vì sao lại phải tới Phuket?
Bungy Jump không phải là dịch vụ phổ biến ở Phuket. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết hiện tại chỉ có 2 nhà cung cấp dịch vụ này là Jungle Bungy Jump và World Bungy Patong với độ cao của bục nhảy lần lượt là 50m và 60m. Vì Jungle Bungy Jump dường như phổ biến hơn, chúng tôi quyệt định chọn nơi này. Tọa lạc tại quận Kathu, Jungle Bungy Jump khá xa Karon Beach- nơi chúng tôi ở. Mặc dù trời bắt đầu mưa lâm thâm, cả bọn vẫn quyết định thuê xe máy rong ruổi..tìm đường.
Cung đường từ Karon Beach đến Kathu uốn lượn quanh co, và nhiều đoạn có góc nhìn ra biển rất đẹp. Buổi trưa tháng chín trời mưa, gió bắt đầu thổi mạnh, trời bỗng sập tối. Cô bạn đi cùng chốc chốc lại quay sang bảo: “Chúng ta có điên quá không nhỉ?” Cả ba đứa còn lại cười nghiêng ngả: “Không đâu, đời mấy dịp thế này”…
Sau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ hỏi đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Nhìn cái cần trục nằm xa tít trên cao, anh bạn tôi bảo “Giờ quay về vẫn còn kịp”. Nhưng đứa nào cũng lắc đầu và xăm xăm vào khu bên trong. Ông chủ Jungle Bungy Jump là người New Zealand, cũng là một bậc thầy trong việc huấn luyện việc nhảy tự do này.
Ông nói sơ về giá cả và đưa chúng tôi một ít giấy tờ để ký. Yên tâm nhé, Bungy Jump đã được bảo hiểm! Ông chủ cũng không quên thông báo chưa bao giờ xảy ra tai nạn ở đây và tiền sẽ không được hoàn lại dù bạn không nhảy ở phút cuối cùng. Bạn có thể chọn nhảy single (nhảy đơn) hay tandem (nhảy đôi).
Giá một lần nhảy cùng với DVD hình, bằng khen cho sự “dũng cảm”, và áo thun quà tặng là 2500 Baht (tương đương khoảng 1,5 triệu VND). Ông hướng dẫn sơ qua cách nhảy: Đầu thẳng, hai tay dang ngang, không nhìn xuống, và quan trọng là khi rời bục nhảy phải để cơ thể “fall” (rơi tự do) chứ không phải “jump” ( nhảy để chân xuống). Cả bọn ậm ừ ra chiều hiểu thấu, chẳng biết những người bạn khác thế nào chứ tim tôi đang đập thình thịch vì hồi hộp.
Từ trên cao nhìn xuống
Nào nhảy tự do thôi...
Ngoài trời mưa mỗi lúc càng to. Gió bạt mạnh. Không khí lành lạnh cứ như trong một bộ phim xưa cũ nào đó. Cả bọn ngồi co ro nhìn trời, không biết thời tiết thế này thì có nhảy được không. Ông chủ vỗ vai trấn an bảo rằng chờ thêm một lát mưa sẽ tạnh. Quả đúng vậy, một lát sau mưa nhẹ hạt dần, trời quang đãng hẳn, chúng tôi lần lượt vào vị trí.
Cần trục đưa tôi từ từ lên cao. Lòng rất hồi hộp, nhưng dường như sự háo hức thực hiện một trong những việc tôi vẫn muốn làm để đánh dấu tuổi trẻ của mình có phần lấn lướt. Gió lại lên. Những người dưới đất chỉ còn là những chấm nhỏ. Khu vực nhảy nằm ngay trên một cái hồ nên cảm giác thoáng đãng, không đáng sợ như trong tưởng tượng.
Nào nhảy thôi...
Anh nhân viên nhắc tôi một lần nữa quy tắc nhảy và dặn khi nào nghe đến 3 hãy thả người xuống. Gió rít lên từng hồi. Tôi đứng khá lâu tại mép nhảy chờ gió lặng. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác choáng ngợp và pha chút sợ hãi khi đó. Nhưng thầm nghĩ, đất trời của tôi là đây, tôi không nhìn xuống dưới nữa mà phóng tấm mắt ra xa. Nghe đếm đến ba, tôi buông mình xuống hồ.
Có lẽ câu chữ thật khó diễn tả được cảm giác của tôi khi ấy. Bạn tưởng tượng nhé, cả một không gian như ôm chầm lấy bạn, tai bạn như ù đi. Rồi trong tích tắc, bạn bị hất tung lên, hạ xuống và lượn vài vòng. Cảm giác thú vị nhất là thả người vào khoảng không bao la ấy, không vướn bận, đầy nguy hiểm nhưng cuốn hút đặc biệt. Đáp xuống mặt đất, cả bọn bạn tôi chạy ra chúc mừng, vì lúc nãy tôi đứng ở mép nhảy hơi lâu vì gió to làm ai cũng sợ.
Ba người bạn còn lại trong đoàn cũng nhảy trót lọt. Cô bạn tôi nhảy bỏ chân xuống trước nên không trải nghiệm được cảm giác “falling”, cứ chặc lưỡi tiếc rẻ. Còn anh bạn nhảy cuối cùng thì đã có một cú nhảy rất đẹp. Anh chàng thường ngày nổi tiếng gan lì đáp xuống im lặng một hồi làm cả bọn không hiểu chuyện gì xảy ra, rồi đột nhiên buông một câu “Ghê quá! Nhưng..sướng thật!!! ” làm cả đám cười nắc nẻ và hùa vào trêu.
Nhận "bằng khen dũng cảm".
Sau khi nhận “bằng khen dũng cảm” và chụp hình kỉ niệm cùng ông chủ, chúng tôi tạm biệt Jungle Bungy Jump. Khoác áo mưa vào, leo lên xe máy, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá của mình. Phuket có thể là điểm đến quen thuộc với khách du lịch nhưng với chúng tôi thì trải nghiệm Bungy Jump này vô cùng đặc biệt. Anh bạn kề tai tôi khẽ bảo “Newzealand Bungy Jump – 134m đang chờ tụi mình đấy em ơi!”.
Tips: Nếu bạn có bệnh về tim, sợ độ cao hoặc những bệnh liên quan khác thì chắc chắn bạn không nên chơi Bungy Jump. Địa chỉ của Jungle Bungy Jump: 61/3 Moo 6, Kathu District, Phuket 83120 Thailand, Tel: (+66) 076 321351. Jungle Bungy Jump khá khó tìm, bạn có thể hỏi người đi đường Kathu Police Station (Trạm cảnh sát Kathu) vì Jungle Bungy Jump nằm gần đó. Ban đầu chúng tôi loay hoay mãi vì tưởng ai cũng hướng dẫn mình đến trạm cảnh sát để hỏi. Giờ mở cửa của Jungle Bungy Jump là 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, thế nên bạn nên lên lịch hành trình kĩ để đền nơi không quá trễ. Hãy nhớ lời người hướng dẫn, chỉ “fall” chứ không “jump”. Nếu không bạn sẽ không được trải nghiệm cảm giác thú vị Bungy Jump mang lại. Đừng ăn quá no trước khi nhảy bạn nhé, cái bụng đầy đồ ăn không tốt cho một cú nhảy chút nào. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.