Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhất trí Thủ đô phải có các cơ chế, chính sách đặc thù

H.V| 16/11/2010 16:56

(HNMO) – Ngày 16/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật thủ đô,  đa số các đại biểu nhất trí việc phải ban hành một bộ luật riêng dành cho Thủ đô với những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm có cơ sở cho việc xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội ngang tầm trong khu vực và quốc tế.


Đại biểu Nguyễn Thị Khá - Trà Vinh đồng tình Hà Nội cần có một đạo luật với những cơ chế chính sách đặc thù theo hướng mở hơn các địa phương khác. Tuy nhiên, trong dự thảo luật cũng cần có qui định mang tính ràng buộc kiểm soát chặt chẽ và cụ thể hơn.

“Dự thảo luật nên cân nhắc cơ chế nào mang tính lâu dài thì nên đưa thẳng vào dự án luật, cơ chế nào mang tính áp dụng tạm thời thì không nên đưa vào dự án luật mà nên quy định cho một văn bản dưới luật hoặc văn bản thường niên của Quốc hội”, đại biểu Khá đề nghị.

Đại biểu Chu Sơn Hà - Hà Nội nhất trí, việc ban hành Luật thủ đô là cần thiết. Để xây dựng một thủ đô khang trang trước con mắt bạn bè quốc tế thì cần phải có cơ chế chính sách riêng cho thủ đô, ngoài những chính sách chung được áp dụng.

Theo đại biểu Hà, Ban soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành để xác định những vấn đề mà thủ đô đang vướng, từ đó có giải pháp tháo gỡ.

“Nếu chỉ quy định trong Chương II của dự thảo luật tôi nghĩ rằng chưa đủ”, ông nói.

Về cơ chế quản lý dân cư, đại biểu Hà nhất trí với dự thảo luật và cho rằng, chế độ về quản lý dân cư trong dự thảo luật vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu Hà đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ căn cứ yêu cầu của quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư nội thành của Thủ đô Hà Nội để ban hành quy định điều kiện cư trú ở nội thành như trong dự thảo đã đề cập.

Đồng tình với chủ trương ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện xây dựng phát triển Thủ đô nhanh hơn nữa, đại biểu Y Ngọc - Kon Tum băn khoăn bởi các nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô chưa giải đáp được vấn đề then chốt, đó là tìm ra được tính đặc thù của thủ đô.

“Các điều khoản trong dự thảo luật quy định rất chung chung, nặng về khẩu hiệu, hình thức”, đại biểu Y Ngọc nói.

Theo đại biểu Y Ngọc, để xây dựng một đạo luật sát với thực tiễn, Ban soạn thảo cần nghiên cứu khảo sát cụ thể để xây dựng Luật thủ đô. Cần công bố quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội, qua đó, hình dung Thủ đô Hà Nội tương lai sẽ như thế nào và cần những gì để phát triển. Trên cơ sở đó mới xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò của mình.


Cùng chung quan điểm, đại biểu Đào Trọng Thi - Hà Nội cũng cho rằng, cần phải xác định những vấn đề nào thực sự cần thiết, cần phải ban hành cơ chế đặc thù của Thủ đô.

“Tôi cho rằng đó là những vấn đề liên quan đến vị thế đặc biệt của thủ đô là đầu não, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, nhưng cũng còn bao gồm cả những vấn đề liên quan đến sứ mệnh, vai trò đặc biệt của thủ đô là trái tim, là bộ mặt của cả nước. Bởi vậy bên cạnh những vấn đề gắn với vị thế đặc biệt của thủ đô là trung tâm chính trị quốc gia thì tôi cho rằng cũng cần phải áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù trong một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và vấn đề quản lý đô thị”, đại biểu Thi nói.

Trên quan điểm đó, đại biểu Thi tán thành quy định về thu phí môi trường cũng như mức xử phạt hành chính ở thủ đô cao hơn các khu vực khác.

“Tôi thấy chúng ta cần bám sát hơn với bản chất của việc thu phí và việc xử phạt. Thứ nhất, thu phí môi trường nhằm bù đắp lại chi phí để chúng ta khắc phục hậu quả do hành vi gây ra. Vì vậy, việc gây ô nhiễm môi trường trong thủ đô hậu quả nặng nề hơn rất nhiều, sự khắc phục yêu cầu chi phí cao hơn nhiều vì thủ đô với tư cách là bộ mặt của cả nước, cần có chuẩn mực, cần có yêu cầu cao hơn về môi trường. Thứ hai, mức xử phạt hành chính chúng ta phải xác định mức đó làm sao để có sức răn đe, đồng thời tương xứng với hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Một hành vi vi phạm giao thông trong nội thành thủ đô gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, gây ách tắc giao thông, tai nạn giao thông. Nếu chúng ta đặt mức thu phí cao thì tương xứng với hậu quả của nó gây ra”, đại biểu Thi phân tích.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc - Bình Thuận, nhiệm vụ của luật này không chỉ là ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, mà còn quy định những cơ chế, chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển thủ đô.

“Nếu chúng ta chỉ tập trung vào cơ chế, chính sách đặc thù thì chúng ta thấy các quy định của các luật hiện hành cũng đang thiếu những nội dung để làm cơ sở cho việc phát triển thủ đô của chúng ta. Vì vậy, tôi đề nghị cơ cấu lại dự án luật này theo hướng quy định các chương theo các chức năng của thủ đô thay vì Chương II là một số cơ chế, chính sách đặc thù”, đại biểu Phúc đề xuất.

Theo đại biểu Phúc, Thủ đô là của cả nước không phải chỉ của riêng Hà Nội, cho nên, việc nghĩ đến những chính sách của cả nước để phát triển Thủ đô Hà Nội là rất đúng đắn và hợp lý.

“Chúng ta không nên so sánh là đầu tư cho Hà Nội là đầu tư riêng cho một địa phương mà đầu tư cho Hà Nội đấy là đầu tư cho cả nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như Chính phủ nghiên cứu để hoàn thiện dự án luật này để có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới”, đại biểu Phúc nói.


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội:
Về 18 điều qui định chính sách đặc thù trong xây dựng phát triển và quản lý thủ đô, tôi tán thành với nhiều ý kiến qui định như thế này còn dàn trải, chưa chú trọng vào những chính sách phục vụ vị thế đặc thù của thủ đô. Nếu Quốc hội dễ tính thông qua thì những qui định này cũng sẽ không đi vào cuộc sống, vì thực hiện cũng được, không thực hiện cũng không sao, không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về cho phép Hà Nội ban hành văn bản qui phạm pháp luật và xử lý hành chính cao hơn với những các địa phương khác. Thực tế hiện nay dư luận cử tri cho rằng mức phạt hành chính trong nhiều lĩnh vực không đủ sức răn đe nên nhiều tổ chức, cá nhân coi thường pháp luật. Một thực tế nữa là việc tổ chức thực hiện pháp luật, trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành còn chưa nghiêm. Tôi cũng không đồng ý quan điểm cho rằng nâng mức xử phạt hành chính để tăng nguồn thu cho ngân sách rồi để đầu tư lại cho Hà Nội. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn không phù hợp với một nguyên tắc quản lý nhà nước pháp quyền của chúng ta. Chính phủ vừa qua cho thí điểm xử lý nâng mức phạt cao hơn, tôi đề nghị Chính phủ nên rà soát lại, nếu những quy định nào chưa đảm bảo sức răn đe thì đề nghị tăng cao lên và những người bị xử phạt là những người cố tình không chấp hành pháp luật, nên tạo cho tất cả người dân có điều kiện thi hành pháp luật chứ không phải tăng điều kiện xử lý để thu.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh - Bình Phước cũng ủng hộ việc ban hành dự án luật này với những biện pháp đặc thù để giúp Thủ đô Hà Nội phát triển. Vấn đề đặt ra là những chính sách ấy phải phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề rất chung, rất cơ bản, còn những vấn đề cụ thể khác thì lại phải do luật của Quốc hội quy định.

“Nếu chúng ta dành cho Hà Nội những cơ chế đặc thù, ví dụ như có thể thu phí môi trường, có thể hạn chế điều kiện nhập cư, thì rõ ràng đấy là sự đồng thuận của Quốc hội chúng ta”, đại biểu Mạnh nói.

Đại biểu Mạnh phân tích, với một địa bàn đặc thù như Hà Nội, có những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, ví dụ không chỉ thu phí về môi trường cao hơn mà còn có những quy định có thể chỉ cho phép lưu hành những loại xe bảo vệ môi trường tốt hơn hoặc tại địa bàn nội đô không cho phép xe lưu hành vào những giờ cụ thể… thì đó là những điều kiện để làm cho môi trường nội đô và Thủ đô tốt hơn, không thể trái với Hiến pháp.

Đại biểu Mạnh ủng hộ dự án luật này cần được xây dựng và thiết kế lại theo hướng không nên ôm đồm và quy định tất cả những vấn đề về văn hóa, y tế, giáo dục..., mà chỉ nên rà soát lại những vấn đề gì cần cho Hà Nội phát triển.

“Mong đợi của chúng tôi xin được bày tỏ chúng ta khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh dự án luật này để có thể sớm được thông qua”, đại biểu Mạnh nói.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo - Kiên Giang tán thành với chủ trương cần xây dựng Luật thủ đô. Theo ông, các quy định trong dự luật đều vận dụng Hiến pháp, không trái Hiến pháp. Còn việc các quy định trong dự luật đụng chạm đến các luật khác, đại biểu Thảo cho rằng, đối với luật thì không thể nói là luật này không được trái luật kia. Tất nhiên, nguyên tắc là những luật ban hành sau thì có thể sửa để các luật trước phù hợp hơn, nếu xử lý theo tinh thần như vậy thì skhông có gì là trái luật.

“Vấn đề căn bản ở đây tôi cho vấn đề chính mà nhiều đại biểu phát biểu là do cách xây dựng, cách thiết kế, cách thể hiện ở trong này làm cho người ta có một cảm giác như tạo ra cho Hà Nội có nhiều ưu đãi, nhiều đặc quyền quá so với các tỉnh khác. Theo tôi, thống nhất trước hết về nhận thức chung thì chúng ta phải coi đây là một luật của Thủ đô, mỗi một nước chỉ có duy nhất một Thủ đô thì những cơ chế, những đặc thù gì để gắn với Thủ đô thì ta nên tạo điều kiện”, đại biểu Thảo nói.

Đại biểu Thảo ủng hộ việc tổng kết 2 Nghị quyết 15, đó là Nghị quyết 15 của Trung ương và Nghị quyết 15 của Quốc hội Khóa XII, trên cơ sở đó có thể kiến nghị, kể cả việc sửa Hiến pháp trong thời gian tới, để có một luật hết sức đặc thù cho Thủ đô.

“Thủ đô Hà Nội về diện tích cũng chiếm 1/10 cả nước, về dân số cũng chiếm 1/10 cả nước và đây là bộ mặt của đất nước, nếu đẩy lên được mạnh thì nó sẽ có tác dụng lan tỏa quay trở lại đối với các tỉnh khác trong cả nước thì rất tốt. Cho nên, chúng ta phải đầu tư, tập trung và quan tâm đến Hà Nội và không sợ người ta sẽ ganh tỵ là sẽ có luật khác”, đại biểu Thảo nói.

Theo đại biểu Thảo, nếu trước mắt chưa làm được việc sửa Hiến pháp thì trong khuôn khổ Hiến pháp cho phép, để dự luật này vẫn có thể thông qua được thì Ban soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra nên gom lại các cụm vấn đề theo từng lĩnh vực.


Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi bàn đến dự luật này, cần phân biệt, làm rõ vấn đề đặc thù không phải là đặc quyền. Đặc thù có nghĩa là nơi nào có những đặc điểm mà nơi khác không có, mà hiện nay pháp luật chưa cho phép, thì được khai thác cái đó. Còn đặc quyền có nghĩa là nơi khác cũng có những đặc điểm như vậy nhưng không được làm.

“Ở đây chúng ta nhầm lẫn giữa đặc thù và đặc quyền, tạo nên sự thiếu đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội”, đại biểu Lịch nói.

Theo đại biểu Lịch, vấn đề lớn nhất, đặc quyền duy nhất của thủ đô mà nơi khác không nêu được đó là đặc quyền về địa vị chính trị, địa vị pháp lý. Để có một thủ đô tương xứng, chắc chắn phải sửa các quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, để giải quyết tình thế trước mắt, theo đại biểu Lịch có hai cách. Thứ nhất, trên nền tảng luật này, rút lại, chỉ quy định một số các quy định mang tính giải quyết cơ chế đặc thù cho đô thị lớn trong đó có Hà Nội. Ví dụ như vấn đề ngân sách, vấn đề xử lý hành chính, vấn đề liên quan đến các loại phí, một số thẩm quyền mà chính quyền địa phương được làm… Thứ hai, Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có giá trị như luật, trong đó quy định một số chính sách đặc thù để xử lý, giải quyết cho Hà Nội phát triển và chuẩn bị một cách bài bản hơn cho vấn đề xây dựng một thủ đô trên nền tảng phải sửa Hiến pháp.


Đại biểu Ngô Minh Hồng - TP Hồ Chí Minh:
Khi chúng ta xây dựng chúng ta xác định Thủ đô Hà Nội khác với các đô thị lớn khác ở đất nước chúng ta như thế nào. Chúng tôi nghĩ khác biệt lớn nhất đó là thủ đô là trái tim của cả nước, là đầu não chính trị, còn những vấn đề khác trong điều hành hàng ngày thì những vấn đề bất cập của thủ đô, khó khăn của thủ đô cũng là khó khăn của các thành phố lớn…

Chúng tôi cũng nhất trí về việc ban hành Luật thủ đô, trong tư tưởng có chút cục bộ tôi nghĩ nếu Luật thủ đô được ban hành và trong quá trình thực hiện thì đó cũng là những tấm gương, những bài học tốt để thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác có thể được áp dụng và sau này chúng ta có thể phát triển chung thành một luật về các đô thị.

Tôi thấy luật pháp là do chúng ta đặt ra, khi không phù hợp với yêu cầu và cản trở sự phát triển thì chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung và làm mới. Chính vì vậy cho nên Luật thủ đô được đặt ra để giải quyết những vấn đề ngang tầm với các luật khác và rõ ràng sẽ có những điều không đúng với luật pháp, trái với luật pháp. Vấn đề ở đây là chúng ta lấy căn cứ chỉ trong khung đảm bảo đúng với Hiến pháp mà thôi. Hiến pháp đã có những sự cần thiết để xem xét, sửa đổi vì vậy chúng ta đừng câu nệ là khi làm Luật thủ đô thì phải phù hợp với các luật khác. Tôi nghĩ cách đặt vấn đề đó không đúng.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phúc - Bình Thuận cho rằng, khi bàn về cơ chế chính sách đặc thù của Thủ đô, chúng ta không nên chỉ nhấn mạnh rằng những cơ chế chính sách đặc thù tạo quyền tự chủ hơn hoặc đặc quyền hơn cho Thủ đô Hà Nội để phát triển mà phải thấy rằng những đặc biệt của Hà Nội là phải chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ hơn từ phía Trung ương so với các địa phương khác.

“Tôi cho rằng đó cũng là một đặc thù mà trong luật này phải quy định, rất nhiều vấn đề của Hà Nội phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, rất nhiều sự kiện xảy ra không thể một mình Thủ đô Hà Nội làm được mà có rất nhiều vấn đề nhất là trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đối ngoại, những vấn đề về quy hoạch…’, đại biểu Phúc nói.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - TP Hà Nội, chữ "thủ đô" đã là biểu hiện của sự khác biệt. Do vậy, muốn đi tìm cái khác biệt cho thủ đô thì phải thừa nhận thủ đô có vị trí, chức năng như thế nào.

“Chúng ta nói thủ đô là bộ mặt của cả nước, đã là bộ mặt thì nó phải đẹp chứ. Chúng ta làm luật ở đây là cả nước vì Hà Nội. Tôi cho rằng luật này không phải Hà Nội yêu cầu, mà là nhu cầu của cả nước chúng ta… Tôi nghĩ rằng, đại biểu cả nước sẽ phải quan tâm đến luật này, đừng nghĩ luật này Hà Nội đề xuất mà trách nhiệm chung của cả nước”, đại biểu Đào nói.

Với quan điểm đó, đại biểu Đào đặt vấn đề: Tại sao chúng ta không cho chính quyền Hà Nội cấm việc buôn bán hàng rong; Tại sao chúng ta không cho chính quyền Hà Nội được ban hành các chính sách cấm buôn bán trên vỉa hè; Tại sao chúng ta không cho chính quyền Hà Nội được phép cấm cửa hàng không đủ mỹ quan buôn bán. Khi ấy chúng ta quy định về Hà Nội mới thấy Hà Nội đẹp, mới thấy Hà Nội đúng là bộ mặt của cả nước thật.

“Hãy cho Hà Nội một quyền năng với tư cách thay mặt cho cả nước xây dựng cho Hà Nội đẹp, cho thủ đô của mọi công dân chứ đừng nghĩ đây là đặc quyền riêng của Hà Nội”, đại biểu Đào nhấn mạnh.

Các quy định trong dự thảo luật không trái Hiến pháp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Ban Soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Về đắn đo của một số đại biểu là việc ban hành Luật này có gì vướng với Hiến pháp không hoặc ban hành rồi tạo ra cơ chế gì đặc thù, thiết kế gì đặc biệt hay tự trị gì cho Thủ đô không, Bộ trưởng khẳng định, việc xây dựng Luật Thủ đô phù hợp với Hiến pháp, không tạo ra thiết kế độc lập trên lãnh thổ đất nước.

Thứ nhất, Hà Nội với tư cách là đơn vị hành chính cấp tỉnh của Nhà nước, trước hết và chủ yếu chịu sự điều chỉnh chung của hệ thống pháp luật của đất nước. Yêu cầu đó được thể hiện ngay trong mục tiêu của dự án luật, đó là người dân thủ đô phải gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật chung của đất nước. Tuy nhiên, với trách nhiệm là thủ đô, cần phải có những quy định riêng. Theo Bộ trưởng, những quy định riêng mà Quốc hội sẽ quyết định ở trong dự án luật này chính là những quy định bổ sung cho hệ thống pháp luật hiện hành, đương nhiên không trái với Hiến pháp.

Thứ hai, trong dự án luật xuyên suốt một ý tưởng là bảo đảm sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương với yêu cầu là những cơ chế chính sách đặc thù cho thủ đô thì cơ bản là do các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành, chứ không phải giao những cơ chế chính sách đặc thù này cho Hà Nội.

“Chúng tôi rất đồng tình cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc ban hành ngay cả của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phải được kiểm soát như các đại biểu đã nêu, phải được giám sát chặt chẽ. Chính vì vậy cho nên Chính phủ cũng mạnh dạn đề nghị có một cơ chế giám sát riêng trong luật này”, Bộ trưởng nói.

Về băn khoăn với quy định danh hiệu công dân danh dự thủ đô và việc trao cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng khẳng định, việc này cũng không trái Hiến pháp, không vì thế làm cho Thủ đô trở thành thiết kế độc lập.

“Phạm vi điều chỉnh của văn bản qui phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân ban hành chỉ hạn chế ở những biện pháp thi hành một số qui định trong Luật thủ đô, xét về bản chất đây chính là biện pháp thi hành luật của Quốc hội và đây là những quy định bổ sung cho Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát nó đã được dự kiến, tuy có thể chưa được thấu đáo trong dự án luật này”, Bộ trưởng nói.

Về phạm vi các cơ chế, chính sách đặc thù như thế nào, đến đâu là vừa, theo Bộ trưởng, Ban soạn thảo cũng như Chính phủ được Quốc hội giao soạn thảo dự án luật này trên cơ sở quy định hiện hành của Hiến pháp mà đề xuất với Quốc hội.

“Mười tám cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật về cơ bản ứng với số lượng, về cơ bản kế thừa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được quy định trong Pháp lệnh thủ đô Hà Nội. Pháp lệnh thủ đô Hà Nội quy định 20 cơ chế đặc thù, trong đó 17 cơ chế chính sách đã được vận dụng nâng lên thành luật lần này, quy định tại các điều từ Điều 7 đến Điều 17 và Điều 20. Nhưng ngược lại cũng có 3 cơ chế chính sách trong pháp lệnh cũ không được kế thừa trong dự án luật này”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, những cơ chế, chính sách đặc thù quy định trong dự thảo luật được cân nhắc, lựa chọn trên cơ sở tổng kết 9 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô, bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra với thủ đô, chỉ có 5 điều, mới hoặc cơ bản mới so với pháp lệnh. Cụ thể là quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng thủ đô; phát triển kinh tế ngoại thành; phát triển y tế; quản lý giao thông vận tải; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Về quy định mức phạt tiền cao hơn và vấn đề quy định về kiểm soát chặt hơn nhập khẩu vào nội thành, Bộ trưởng cho biết, thực tiễn điều hành của Chính phủ, vừa qua Chính phủ phải ban hành Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là cơ sở pháp lý để áp dụng cao hơn đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, không có bức xúc của thực tiễn yêu cầu Chính phủ phải có quy định mức phạt cao hơn. Do đó, Nghị định 34 của Chính phủ quy định áp dụng thí điểm chỉ 3 năm, sau 3 năm sẽ tổng kết đánh giá.

“Tôi chắc rằng đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với răn đe, xử phạt cao hơn ở nội thành vừa qua cũng đã bớt đi một phần nào đó, nhất là trong việc đội mũ bảo hiểm”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề nhập cư, theo Bộ trưởng, sau vài năm thi hành Luật Cư trú, một năm có 176.000 người nhập cư vào nội thành, vào các quận cũ, huyện cũ của Hà Nội. Vì vậy, trong dự luật quy định vấn đề hạn chế và kiểm soát chặt hơn việc nhập cư vào nội thành, ngoại thành chứ không phải tất cả các huyện của Hà Nội.

“Tôi rất đồng tình với đại biểu là phải có biện pháp xã hội, biện pháp kinh tế v.v... trong dự án luật này đã có quy định như vậy. Nhưng biện pháp trước mắt vẫn phải có hành chính”, Bộ trưởng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhất trí Thủ đô phải có các cơ chế, chính sách đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.