(HNM) - Xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh có mẹ Nguyễn Thị Lớn. Thời đánh Pháp, gia đình mẹ là cơ sở cách mạng, năm 1952 chồng mẹ đã qua đời khi mẹ còn rất trẻ. Mẹ ở vậy thờ chồng, nuôi con thơ, hăng hái việc làng, việc hội...
Là một đảng viên gương mẫu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tận tâm, mẹ đã cùng các hội viên thi đua thực hiện phong trào "Phụ nữ 3 đảm đang", "Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Đội sản xuất của mẹ luôn là lá cờ đầu của huyện và thành phố. Năm 1965, mẹ đi dự Hội nghị Phụ nữ ba đảm đang chống Mỹ cứu nước toàn quốc lần thứ nhất, được gặp Bác Hồ và nhận Huy hiệu của Người. Năm 1970, con trai duy nhất của mẹ, anh Lê Đình Quế sinh viên Trường Đại học Thủy sản, đã viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Năm 1972, được tin đứa con duy nhất đã anh dũng hy sinh; đau đớn xót xa, nhưng mẹ gắng gượng lao vào việc làng, việc hội, tay cày, tay súng. Năm 1972, mẹ lại dự Đại hội Phụ nữ ba đảm đang chống Mỹ cứu nước, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công hạng Ba. Để bớt nỗi cô đơn, mẹ đã nhận một người con nuôi, đến nay con cháu đã trưởng thành, gia đình đầm ấm.
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bốn người ruột thịt của mẹ Thái Thị Thịnh (ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai) lần lượt hy sinh. Chồng mẹ, ông Chu Hữu Tính vốn là thầy giáo Trường Y đã chiến đấu anh dũng và hy sinh ngay trong đêm đầu nổ súng, quyết tử bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946. Các con của mẹ cứ đủ tuổi là lên đường ra trận. Năm 1954, cả Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thì mẹ đau đớn xót xa khi liên tiếp hai lần nhận giấy báo tang: Con cả Chu Hữu Lâm, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308) đã gửi thân ở lại đất Điện Biên. Con thứ hai, anh Chu Hữu Khang cũng là lính Đại đoàn Quân tiên phong, đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ở Lục Ngạn để mở đường giải phóng Thủ đô. Năm 1975, lần thứ ba mẹ nhận giấy báo tử. Con thứ ba của mẹ, anh Chu Hữu Lương đã hy sinh trên chiến trường đánh Mỹ, vĩnh viễn nằm lại bên bờ sông Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Giữa phố cổ Thủ đô, tại ngôi nhà 27 Hàng Đường có mẹ Nguyễn Thị Hợi, mẹ của liệt sĩ Dương Trung Hậu. Mùa đông năm 1946, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội. Cả Hà Nội bừng lên ngọn lửa "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Ông Dương Trung Hậu con trai duy nhất của mẹ đã tình nguyện vào đội quân cảm tử bên cầu Long Biên. Với vũ khí tự mua, ông cùng đồng đội kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ngày 31-12-1946, máu của ông và đồng đội đã nhuộm đỏ chiến hào. Đồng bào đã phủ lên thi hài ông lá cờ Tổ quốc, tổ chức truy điệu và an táng ngay tại phố Thanh Hà.
Mẹ Vũ Thị Duyệt ở thôn Xuân Tảo, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn có ba con là liệt sĩ. Năm 1957 anh Đỗ Bá Chủ con cả của mẹ lên đường nhập ngũ. Năm 1966, khi máy bay Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội, anh tái ngũ vào chiến trường. Anh là người con duy nhất trở về với mẹ. Người con thứ hai là anh Đỗ Bá Chú nhập ngũ năm 1960, con thứ ba anh Đỗ Bá Tý nhập ngũ năm 1967 và con út Đỗ Bá Tư lên đường chiến đấu đúng dịp Tết Mậu Thân 1968. Rồi ba người con thứ lần lượt ngã xuống tại các chiến trường ác liệt. Mất đi ba đứa con yêu dấu, lòng mẹ đau đớn khôn cùng. Mấy chục năm trời mẹ vẫn trông ngóng lên con đê đầu làng, hy vọng trông thấy bóng hình những đứa con thân yêu...
Ở quận Hai Bà Trưng có một câu chuyện cảm động về mẹ Trần Thị Kim, mẹ của liệt sĩ Phạm Bá Vinh. Thời con gái là hoa khôi của làng, mẹ lập gia đình với ông Phạm Bá Thể. Khi đứa con trai mới chào đời, cùng lúc mẹ nhận tin chồng bị ốm chết trên đường kiếm sống. Mẹ ôm đứa con thơ phiêu bạt lên Hòa Bình kiếm kế sinh nhai. Năm 1966, vừa tròn 18 tuổi, anh Vinh làm đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Từ đó anh đi biền biệt. Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ đau đớn nhận giấy báo tử con mình. Cuộc sống ngày càng khó khăn, đơn côi nơi núi rừng heo hút. Cho đến ngày anh Nguyễn Bá Ngọc, một chiến sĩ công an, thương binh hạng 1/4, đón mẹ về Hà Nội phụng dưỡng. Vợ chồng anh đã hết lòng chăm sóc mẹ như mẹ đẻ của mình. Hạnh phúc chẳng được bao lâu thì tai họa lại giáng xuống khi anh Ngọc hy sinh trong trận phá án đêm giao thừa năm 1983. Mẹ lần thứ hai lâm cảnh mất con. Ngôi nhà chỉ còn lại hai người phụ nữ cô đơn. Vợ anh Ngọc - một phụ nữ thảo hiền, tần tảo làm đủ mọi việc để mưu sinh nhưng vẫn hết lòng phụng dưỡng mẹ.
Xã Mễ Trì huyện Từ Liêm có mẹ Đinh Thị Mơ - mẹ của liệt sĩ Vũ Hồng Sơn. Bố mẹ và chồng của mẹ đều chết trong nạn đói năm 1945. Anh Sơn lớn lên trong muôn vàn tình yêu thương của mẹ. Năm 1967, vừa lập gia đình được 3 tháng thì anh xung phong vào quân ngũ. Tháng 2-1968, anh hy sinh ở mặt trận phía Nam, để lại mẹ già và người vợ trẻ. Ngôi nhà đơn sơ in bóng hai phụ nữ, hai nhân cách lớn về lòng trung hậu, đảm đang.
"Tôi nguyện là lá xanh trong rừng xanh của Đảng/Là chiến binh gang thép của nhân dân" - Đó là lời thề son sắt với Tổ quốc của chàng trai xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Truyền, người con trai duy nhất của mẹ Nguyễn Thị Trực. Những lá thư, những dòng nhật ký cháy bỏng tình yêu quê hương đất nước, da diết thương nhớ cha mẹ của con trai gửi từ chiến trường được mẹ giữ gìn cẩn thận. Mẹ bảo đó là của gia bảo để con cháu sau này noi theo. Thời còn trẻ mẹ Trực đã có tiếng là người phụ nữ hiền thục, nết na, chịu thương chịu khó. Gia đình mẹ là một trong những cơ sở bí mật thời tiền khởi nghĩa. Tháng 9-1945, vợ chồng mẹ đã đứng hàng đầu trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 10-1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, gia đình mẹ được vinh danh là "Gia đình có công với cách mạng". Ít lâu sau chồng mẹ đã qua đời. Năm 1967, máy bay Mỹ bắn phá quê hương. Con trai mẹ một mực xung phong lên đường ra trận. Trước lúc anh nhập ngũ, mẹ chỉ dặn: "Sao cho xứng là trai làng Gióng". Trong "12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, máu anh đã đổ xuống để bảo vệ đất Thăng Long - Hà Nội. Nhìn bóng mẹ thẫn thờ trong chiều hôm, thương nhớ con trong kí ức, chúng tôi không sao cầm nổi nước mắt.
Chúng tôi muốn đi nữa, muốn gặp và viết nhiều hơn nữa về các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bởi như câu hát "mẹ già như chuối chín cây", lễ kỷ niệm năm nay còn có mẹ, nhưng đến năm sau thì sẽ ra sao? Những tưởng cuộc đời chẳng có gì bất biến, nhưng giờ đây, chúng tôi tin chắc chắn rằng tấm gương của các Mẹ Việt Nam Anh hùng của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước sẽ mãi mãi tỏa sáng cùng sự trường tồn của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.