(HNM) - Trong "Đơn kiến nghị" gửi Báo Hànộimới, một số người dân ở ngõ 45 phố Võng Thị viết: Hiện nay, UBND quận Tây Hồ đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng ngõ 45, phố Võng Thị (phường Bưởi, quận Tây Hồ). Chúng tôi thấy dự án này có nhiều bất cập, gây lãng phí và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nơi đây…
Được biết, ngày 21-10-2008, UBND quận Tây Hồ có Công văn số 348/UBND-TCKH, giao cho Ban Quản lý dự án (BQLDA) quận lập dự án xây dựng các tuyến giao thông theo quy hoạch trên địa bàn quận, trong đó có ngõ 45, phố Võng Thị. Việc lập dự án được BQLDA triển khai theo bản đồ quy hoạch chi tiết trên địa bàn quận Tây Hồ, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29-6-2001. Dự án có điểm đầu giao cắt với phố Võng Thị - Cống Đõ, điểm cuối giao cắt với đường dạo xung quanh hồ Tây (dài 250m, mặt đường 7,5m và vỉa hè hai bên, mỗi bên 3m). Theo đó, chỉ giới đường đỏ của ngõ trùng với chỉ giới đường đỏ được xác định trong bản vẽ quy hoạch Làng kiến trúc phong cảnh tại phường Bưởi được Sở Xây dựng chấp thuận ngày 10-8-1992 và trùng với chỉ giới đường đỏ xác định trong bản vẽ quy hoạch mặt bằng do Viện Quy hoạch Hà Nội xác định cho Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (10-1993). Thế nhưng, khi tiến hành khảo sát và thống nhất thiết kế, DA trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân.
Trụ sở sinh hoạt của khu dân cư 9C mới xây dựng sẽ bị giải tỏa khi thực hiện dự án. |
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà ở số nhà 14, ngõ 45, phố Võng Thị nói: Hiện nay, ngõ 45 chỗ rộng nhất là 6m, chỗ hẹp nhất hơn 4m, được thảm bê tông, ô tô tải có thể vào được. Nếu mở rộng ngõ 13,5m theo DA, có thể rộng hơn cả đường dạo xung quanh hồ Tây và cắt xén phần đất của các hộ dân trong làng cổ Võng Thị. Trong khi đó, đối diện làng cổ là khu biệt thự của Làng kiến trúc phong cảnh và Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam mới được xây dựng từ năm 1992, trên khu vực ruộng, ao của người dân. Đặc biệt, Làng kiến trúc phong cảnh trước đây được lập ra là một DA vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Theo Bản án số 1396 ngày 20-9-1999, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên: Hủy Giấy phép sử dụng đất số 1671/UB ngày 20-8-1992 của UBND TP Hà Nội cấp cho Trung tâm Kiến trúc phong cảnh Việt Nam (nay là Làng kiến trúc phong cảnh) sử dụng tại phường Bưởi, quận Tây Hồ. Cho đến nay, việc giải quyết các vi phạm về đất đai ở Làng kiến trúc phong cảnh vẫn chưa dứt điểm. Như vậy, BQLDA quận căn cứ vào chỉ giới đường đỏ trong bản vẽ quy hoạch Làng kiến trúc phong cảnh tại phường Bưởi được Sở Xây dựng chấp thuận ngày 10-8-1992 và trùng với chỉ giới đường đỏ xác định trong bản vẽ quy hoạch mặt bằng do Viện quy hoạch Hà Nội xác định cho Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tháng 10-1993 là không có cơ sở, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân làng cổ Võng Thị. Còn bà Hạnh ở 24 ngõ 45 thắc mắc: Theo dự án, trụ sở sinh hoạt của khu dân cư số 9C mới được quận đầu tư xây dựng kiên cố từ cuối năm 2008, tiếp giáp với đường dạo xung quanh hồ Tây cũng trong diện giải tỏa. Nếu đã có quy hoạch rồi thì tại sao chính quyền địa phương vẫn cho xây dựng công trình nằm trong chỉ giới đường đỏ, gây lãng phí tiền của của Nhà nước?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Chiến, cán bộ BQLDA quận Tây Hồ khẳng định: Dự án đầu tư xây dựng ngõ 45, phố Võng Thị được thực hiện theo đúng quy hoạch xây dựng các tuyến giao thông trên địa bàn quận, được TP Hà Nội phê duyệt. Hiện nay, BQLDA đã trình và đang chờ UBND quận phê duyệt, đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Chúng tôi cho rằng, những ý kiến nêu trên của nguời dân ở ngõ 45, phố Võng Thị là có cơ sở. Đề nghị UBND quận Tây Hồ, các cơ quan hữu quan cần xem xét kỹ lưỡng có cần thiết mở rộng con ngõ trên như một đường lớn hay không, đồng thời cần bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân, tránh tình trạng "nhất bên trọng, nhất bên khinh" khi triển khai DA này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.