(HNM) - Trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 trong nước lắng dịu, từ tháng 6 tới, Nhật Bản - thị trường du lịch lớn thứ ba thế giới - dự kiến sẽ lần đầu tiên sau hơn 2 năm mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Động thái này mở ra hy vọng khôi phục ngành Du lịch bản địa, góp phần đáng kể vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công bố trong cuộc họp báo tại London (Anh). Nhà lãnh đạo này khẳng định, bước đi mới sẽ giúp Nhật Bản trở nên “dễ dàng tiếp cận như các quốc gia G7”. Hiện nay, các thành viên thuộc nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới đều đã cho phép khách du lịch nước ngoài đến thăm.
Nối lại hoạt động du lịch quốc tế sẽ là bước tiến lớn trong tiến trình mở cửa hoàn toàn đất nước mà Nhật Bản đang theo đuổi. Cuối năm ngoái, Tokyo đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài không cư trú ở nước này. Sau đó, quy định này được nới lỏng, hiện cho phép tối đa 10.000 người nhập cảnh mỗi ngày. Tuy nhiên, đối tượng được cấp phép nhập cảnh chỉ giới hạn, trong đó không có khách du lịch.
Việc tiếp tục nới lỏng kiểm soát biên giới sẽ không diễn ra ồ ạt, mà triển khai theo từng giai đoạn. Theo truyền thông bản địa, Tokyo ban đầu có thể chỉ giới hạn một số lượng khách du lịch nhất định, sau đó tùy vào tình hình dịch bệnh có thể mở rộng quy mô. Trong trường hợp thuận lợi, xứ sở Hoa anh đào sẽ mở cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế kể từ cuối năm nay. Để bảo đảm an toàn, khách du lịch nước ngoài nhập cảnh phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Lộ trình cụ thể sẽ được Chính phủ Nhật Bản “chốt” trong những ngày tới, sau khi tham vấn ý kiến của Ủy ban Chuyên gia và Tổng hợp đánh giá về tình hình dịch Covid-19. Trong đó, một thang đánh giá quan trọng là mức độ lây nhiễm Covid-19 trong Tuần lễ Vàng (kéo dài từ ngày 29-4 đến 5-5 hằng năm) - vốn là dịp đi lại nội địa tăng đột biến.
Theo giới quan sát, việc Nhật Bản quyết định nới lỏng quy định nhập cảnh lúc này là hợp lý, nhất là khi dịch Covid-19 trong nước đã hạ nhiệt. Theo trang thống kê Worldometers, số ca nhiễm mới tại ở đảo quốc Mặt trời mọc hiện chỉ khoảng 23.000 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với ngưỡng hơn 100.000 ca/ngày hồi tháng 2. Trong khi đó, tình hình tiêm chủng rất khả quan, khi tính tới hết tháng 4, đã có gần 103,12 triệu người ở Nhật Bản được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, hơn 101,34 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, khoảng 50,8% dân số đã tiêm mũi tăng cường.
Quan trọng hơn, kế hoạch mở cửa sẽ mang tới hy vọng khôi phục ngành Du lịch. Nguồn lực tài chính từ du lịch quốc tế lúc này đóng vai trò quan trong vào phục hồi kinh tế Nhật Bản. Bởi lẽ, mọi nỗ lực phục hồi dựa vào tiêu dùng của nước này hầu như đã bị dập tắt, khi người dân Nhật Bản đang tiết kiệm hết mức có thể vì phải đối mặt với viễn cảnh giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát trầm trọng… do đồng yên giảm mạnh và xung đột tại Ukraine.
Thực tế, ngành “công nghiệp không khói” Nhật Bản gần đây cũng liên tục thúc giục chính phủ đón khách du lịch nước ngoài để thoát khỏi cảnh ảm đạm. Năm 2019 - thời điểm trước dịch, du lịch đóng góp 359 tỷ USD vào Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nhật Bản, đưa nước này trở thành thị trường du lịch lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế đi lại để phòng, chống dịch đã khiến số lượng du khách nước ngoài giảm mạnh.
Với nhiều cơ sở thuận lợi, mong muốn đón khách du lịch quốc tế của Nhật Bản có khả năng cao để được hiện thực hóa, qua đó giúp kinh tế “hồi sinh”, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của châu Á và toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.