(HNMO) - Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) hợp tác với Toyta phát triển mẫu xe khám phá bề mặt Mặt trăng, tham vọng tạo ra không gian sống cho con người vào năm 2040, trước khi tiến tới chinh phục sao Hỏa. Dự án Lunar Cruiser do JAXA và Toyota hợp tác phát triển đã có những bước tiến đáng kể trong năm 2021.
Theo cập nhật mới từ hãng ô tô Nhật Bản, chiếc xe thám hiểm mặt trăng sẽ mang tên gọi Lunar Cruiser - lấy cảm hứng từ tên gọi của chiếc SUV “huyền thoại” Toyota Land Cruiser, dự kiến sẽ được phóng ngay trong thập kỷ này. Sứ mệnh của Lunar Cruiser là tạo ra không gian sinh hoạt mang tính bền vững, giúp mở rộng phạm vi hoạt động của con người ngoài vũ trụ.
Dĩ nhiên, chiếc xe sẽ phải đối mặt nhiều thách thức lớn, như mặt trăng có trọng lực chỉ bằng một phần sáu trên Trái đất, địa hình phức tạp với vô vàn miệng núi lửa, vách đá và đồi núi. Hành tinh này cũng sở hữu điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt so với Trái đất, đặc biệt nguy hiểm là bức xạ và nhiệt độ.
Tuy nhiên, Giám đốc dự án Lunar Cruiser Takao Sato cho rằng, khi con người đã có thể ăn, ngủ, nghỉ và liên lạc một cách an toàn trong những chiếc ô tô, thì không có lý do gì không thể làm được điều đó trên môi trường vũ trụ.
Chuyên gia này cũng khẳng định, việc khám phá vũ trụ sẽ là tiền đề quan trọng để các nhà khoa học Nhật Bản tiến tới phát triển các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ viễn thông, nhằm phục vụ tốt hơn cuộc sống con người. Trong khi đó, kỹ sư cao cấp của Toyota, ông Shinichiro Noda, nhấn mạnh, Mặt trăng có thể cung cấp nhiều tài nguyên quan trọng cho sự sống trên Trái đất.
Hiện nay, nhiều thành phần của Lunar Cruiser đang được gấp rút hoàn thiện. Chiếc xe sẽ được trang bị hệ thống điện sử dụng nhiên liệu hydro, nhằm không gây ảnh hưởng tới môi trường nơi nó sẽ vận hành. Giới chuyên môn đánh giá, với mật độ tích trữ năng lượng lớn và chỉ thải nước khi vận hành, nhiên liệu hydro rất phù hợp cho các hành trình vào không gian.
Trong khi đó, một công ty khác là Gitai Japan đang phát triển cánh tay máy cho Lunar Cruiser với khả năng thực hiện nhiều tác vụ, bao gồm cả tự bảo dưỡng. Cơ chế lắp ghép đặc biệt cũng cho phép phần “bàn tay” thay thế linh hoạt sang các dụng cụ khác nhau, đáp ứng từng công việc cụ thể.
Theo Giám đốc điều hành Gitai Sho Nakanose, mọi nỗ lực chinh phục vũ trụ đều cần công nghệ robot, bởi môi trường không gian luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với các phi hành gia.
Cuộc đua vào không gian là chủ đề đang được giới doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đặc biệt. ispace - một quỹ đầu tư tư nhân tại đảo quốc mặt trời mọc - cũng ráo riết phát triển các phương tiện chinh phục không gian, với kỳ vọng có thể hạ cánh xuống mặt trăng ngay trong năm 2022.
Yusaku Maezawa - tỷ phú nổi tiếng của Nhật Bản - mới đây cũng chia sẻ nhiều đoạn video tự quay khi đang lơ lửng trên Trạm Vũ trụ quốc tế sau chuyến bay trên tàu vũ trụ Starship của CEO Tesla Elon Musk.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.