(HNMO) – Các nhà khoa học Nhật Bản đã lai tạo thành công giống gà có khả năng đẻ trứng chứa thuốc dùng để chữa những căn bệnh nan y với chi phí điều trị giảm đáng kể so với hiện nay.
Công nghệ đột phát sản xuất trứng gà chứa chất điều trị các căn bệnh nan y trong đó có ung thư. |
Theo Channel News Asia, “interferon beta” là nhóm các protein tự nhiên được dùng để điều trị các căn bệnh như đa xơ cứng hay viêm gan. Tuy nhiên, việc điều chế loại protein này khá đắt đỏ, khoảng 888 USD cho vài microgram, khiến chi phí chữa bệnh bị đội lên rất nhiều.
Tuy nhiên, bằng phương pháp tái tổ hợp DNA của gà, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Kansai ở Osaka, Nhật Bản đã lai tạo thành công giống gà có khả năng đẻ trứng chứa protein interferon beta.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu bắt đầu quá trình lai tạo bằng cách đưa gen sản xuất protein interferon beta vào quá trình thụ tinh của gà và tạo ra gà mái thừa hưởng các gen này. Cuối cùng, trứng của những con gà mái này đẻ ra cũng sẽ chứa các chất chống bệnh.
Hiện nay, các nhà khoa học đang có 3 con gà mái có khả năng đẻ ra trứng chứa interferon beta, trong đó có 1 con có thể đẻ hàng ngày. Họ đang lên kế hoạch bán thuốc được sản xuất từ trứng gà cho các công ty dược với giá thành giảm một nửa để các hãng này có thể mở rộng nghiên cứu.
Người bệnh có thể phải chờ một thời gian nữa mới có thể trải nghiệm loại thuốc đột phá từ trứng gà bởi Nhật Bản có những luật lệ rất nghiêm ngặt trong việc giới thiệu dược phẩm mới hoặc các loại dược phẩm từ nước ngoài. Quy trình kiểm định các loại thuốc này phải mất vài năm để hoàn thành.
Các nhà nghiên cứu hy vọng công nghệ đột phá này có thể giúp giảm giá thuốc chữa bệnh còn khoảng 10% so với giá thành hiện tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.