(HNM) - Chính phủ Nhật Bản đang xem xét nới lỏng điều kiện cấp thị thực lao động dài hạn cho người nước ngoài có tay nghề cao. Cụ thể là mở rộng cấp thị thực cho người lao động thuộc 12 lĩnh vực, thay vì 3 lĩnh vực như hiện nay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực giải "bài toán" dân số già và tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng trong nhiều lĩnh vực.
Đất nước Mặt trời mọc đang trải qua giai đoạn thay đổi nhân khẩu học đáng báo động, với số lượng người cao tuổi tăng, trong khi dân số ở độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, đánh bắt cá, sản xuất thực phẩm, dịch vụ ăn uống, chăm sóc điều dưỡng và vệ sinh.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu độc lập Recruit Works Institute, Nhật Bản có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hơn 11 triệu lao động vào năm 2040 bởi tình trạng già hóa dân số. Báo cáo nêu rõ dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm từ năm 2027 và đến năm 2040 là khoảng 12% so với năm 2022.
Dân số giảm đồng nghĩa với việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản có thể sẽ “dậm chân tại chỗ. Do đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida coi việc đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, đồng thời cảnh báo về sự sụp đổ của xã hội khi số trẻ sinh ra đạt mức thấp mới. Thủ tướng Fumio Kishida cam kết đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ yên (khoảng 7,6 tỷ USD) để đào tạo công nhân cho nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn trong 5 năm tới.
Một nghiên cứu trước đó của Viện Quản lý giá trị cho biết, Nhật Bản cần 6,74 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040, tức là gần gấp 4 lần so với năm 2020, để đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 1,24%. Trên thực tế, Nhật Bản có truyền thống thận trọng đối với lao động nước ngoài dẫn đến các chính sách nhập cư nghiêm ngặt. Hầu hết lao động nhập cư hiện nay đến từ Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Tháng 4-2019, Nhật Bản ban hành luật nhập cảnh mới, trong đó đề ra một loại thị thực (visa) cho người lao động nước ngoài. Loại thị thực này cho phép người lao động nước ngoài có kỹ năng nhất định làm việc ở các lĩnh vực đơn giản gồm 14 ngành, trong đó có chăm sóc người già, gia công vật liệu, sản xuất máy móc và nông nghiệp. Theo đó, thị thực mới được cấp theo hai loại. Visa làm việc 5 năm không kèm thành viên gia đình sẽ được cấp cho lao động nước ngoài làm việc ở các lĩnh vực được chỉ định. Diện thứ hai là nhóm lao động trình độ cao, có kỹ năng, có bằng cấp và có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xây dựng và đóng tàu, sẽ được cấp visa lưu trú không thời hạn và có thể đem gia đình theo.
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, Nhật Bản tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng ở một số lĩnh vực. Trước tình hình này, Chính phủ đã quyết định giảm bớt các điều kiện đối với việc cấp thị thực lao động cho người nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh thu hút lao động có tay nghề cao đang hết sức khốc liệt trên phạm vi toàn cầu. Theo một quan chức Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, Tokyo đang cân nhắc mở rộng cấp thị thực lao động dài hạn trong những lĩnh vực như nông nghiệp, đánh bắt thủy, hải sản, sản xuất thực phẩm và cung ứng thực phẩm. Việc sửa đổi thị thực lao động dài hạn sẽ cho phép người lao động nước ngoài có tay nghề cao ở lại Nhật Bản thời gian dài và mang theo gia đình của họ.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nhật Bản đang mềm hóa chính sách để thu hút nguồn lao động nước ngoài, bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công trong nước. Hiện tại các cuộc thảo luận đang được tiến hành để đưa ra một văn bản sửa đổi có thể được nội các phê duyệt vào đầu tháng 6 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.