(HNMO) - Ngày 31-8, Bệnh viện Thanh Nhàn đưa ra cảnh báo về tình trạng tự ý truyền dịch tại nhà. Cụ thể, bệnh viện này vừa cấp cứu cho một bệnh nhân 31 tuổi (ở Hà Nội) nguy kịch, phải lọc máu sau khi nhờ nhân viên y tế về nhà truyền dịch và tiêm vitamin tổng hợp điều trị sốt.
Theo người nhà kể lại, do bị sốt 2 ngày nay, bệnh nhân đã nhờ y tá về nhà truyền dịch và có tiêm thuốc vitamin tổng hợp. Ngay sau khi tiêm, sức khỏe của bệnh nhân đột ngột xấu đi rất nhanh.
Sau đó, bệnh nhân này được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng vật vã kích thích, huyết áp không đo được, mạch nhanh, SpO2 đo 85%, nhịp thở 30 ck/p, kèm theo sốt rất cao lên tới 40 độ.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ nặng với tiên lượng tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân đã được sử dụng đúng phác đồ của Bộ Y tế, gồm tiêm bắp 1/2 ống Adrenaline, các thuốc chống dị ứng, theo dõi liên tục với các trang thiết bị hiện đại…
Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục diễn biến nặng dẫn đến thở ô xy liều cao, lọc máu… May mắn, tới hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định, qua nguy hiểm.
Các bác sĩ lưu ý, dị ứng, phản ứng và sốc phản vệ có thể xảy ra không phải chỉ ở những tuyến cơ sở, xa xôi, hẻo lánh mà ngay cả ở những bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, tuyến trung ương. Không ít trường hợp người bệnh có diễn tiến nặng nề hoặc tử vong.
Do đó, các bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch và truyền thuốc tại nhà bởi sốc phản vệ có thể đến bất cứ lúc nào. Trong khi đó, chỉ có các cơ sở y tế mới đảm bảo việc luôn sẵn có các loại thuốc, trang thiết bị để điều trị bệnh nhân sốc phản vệ. Đơn cử như tại Bệnh viện Thanh Nhàn, tất cả các điều dưỡng của khoa cấp cứu đều đã được đào tạo chuyên sâu về cấp cứu sốc phản vệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.