Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhập nhèm trong tiêu thụ rau an toàn: Có sự tiếp tay của siêu thị?

Bạch Thanh| 29/01/2015 06:09

(HNM) - Thời gian gần đây, thông tin Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ thu mua rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho nhiều siêu thị lớn trên địa bàn Thủ đô khiến người tiêu dùng hoang mang.

Phạt không đủ sức răn đe

Chủ nhiệm HTX RAT Tiền Lệ - xã Tiền Yên (Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho rằng: Chúng tôi không lạ gì với kiểu làm ăn "treo đầu dê bán thịt chó" như vừa qua của các siêu thị. Lúc đầu họ lấy RAT đạt chuẩn của HTX với số lượng vài tạ/ngày, rồi giảm dần, có khi chỉ còn vài chục kilôgam khiến việc cung ứng của HTX rất khó khăn. Tương tự, Chủ nhiệm HTX RAT Hòa Bình (Yên Nghĩa - Hà Đông) cũng "tố": Các siêu thị nhập cốt chỉ lấy tên tuổi, địa chỉ để hợp thức hóa giấy tờ, còn lại mua rau trôi nổi trên thị trường để kiếm chênh lệch cao bởi rau thường ở các chợ giá rẻ hơn so với RAT.

Ảnh minh họa


Thực tế, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã không cấp tem nhận diện RAT cho Công ty TNHH Sản xuất và chế biến RAT Ba Chữ vì đơn vị này đã nhiều lần vi phạm về tiêu thụ RAT nhưng các siêu thị vẫn mua hàng của công ty này. Rõ ràng, ở đây có sự tiếp tay của các siêu thị và có sự nhập nhèm giữa rau có và không có giấy chứng nhận, nguồn gốc, tem nhãn trong siêu thị.

Trong khi đó, việc quản lý rau không rõ nguồn gốc tại chợ và cả các siêu thị đều khó vì chưa có các chế tài đủ mạnh xử phạt vấn nạn này. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Qua nhiều lần kiểm tra các siêu thị trên địa bàn thành phố có kinh doanh RAT nhưng vấn đề tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ đều chưa minh bạch. Hình thức xử phạt về vi phạm nhãn mác bằng với giá trị của sản phẩm, như mớ rau giá 3.000 đồng, tem nhãn không đủ, đúng quy cách thì phạt đúng bằng giá trị 3.000 đồng nên không đủ sức răn đe.

Cách nào "cứu" RAT?

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng thẳng thắn chỉ ra những kẽ hở trong việc quản lý RAT tại các siêu thị thời gian qua. Đó là hiện chưa có chế tài bắt buộc các siêu thị phải bán RAT hợp chuẩn. Họ có thể bán rau thường, gắn nhãn mác của đơn vị mình và tự chịu trách nhiệm về bao bì, nhãn mác, chất lượng. Những loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất cũng như sơ chế chỉ có ý nghĩa chứng minh là đối tác này trồng rau trên vùng đã được cơ quan chức năng phân tích mẫu đất, nước, không khí đủ điều kiện để sản xuất RAT chứ chưa minh chứng cụ thể từng loại rau, lô rau có sản xuất theo quy trình an toàn hay không. Nếu đoàn kiểm tra phát hiện ra các sai phạm như: Lấy mẫu không đạt chất lượng, đóng gói sai quy cách… thì mới có thể phạt được chủ siêu thị. Để xử phạt được các siêu thị cũng phải đủ các cơ quan chức năng trong khi rau xanh là sản phẩm tiêu thụ trong ngày nên khó quản lý. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp, HTX làm ăn không nghiêm túc có thể lấy rau không rõ nguồn gốc hoặc không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tuồn vào siêu thị.

Thực tế, TP Hà Nội có nhiều mô hình RAT sản xuất tốt nhưng cung - cầu chưa thực sự gặp nhau. Việc các siêu thị lớn vi phạm, trà trộn rau không rõ nguồn gốc dưới hình thức RAT khiến cho việc tiêu thụ RAT của Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh, thành cả nước trở nên khó khăn. Cuối cùng, người sản xuất RAT thực sự là người lãnh đủ trước các kiểu thông tin này.

Cùng với sự lập lờ của không ít siêu thị, một trong những nguyên nhân khiến cho RAT chưa có chỗ đứng bền vững trên thị trường là niềm tin của người tiêu dùng giảm sút. Hiện nay, TP Hà Nội đã có 5.000ha rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT nhưng lượng tiêu thụ qua kênh chính thống mới chỉ chiếm 20-30%, còn lại nông hộ vẫn phải bán buôn tại các chợ đầu mối. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, muốn đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ RAT thời gian tới cần quy định bắt buộc các cơ sở được cấp giấy chứng nhận kinh doanh RAT phải bán 100% rau, củ an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Năm 2015, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát tiêu thụ RAT từ nơi sản xuất đến cửa hàng, công bố rộng rãi, công khai các đơn vị làm ăn chân chính và cả các đơn vị làm ăn không tốt để minh bạch chuỗi cung ứng RAT.

Sáng 28-1, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã kiểm tra đột xuất Tổ hợp kinh doanh hàng nông sản Thực Chung đóng trên địa bàn xã Đại Thịnh - huyện Mê Linh. Đây là cơ sở đầu mối chuyên kinh doanh hàng nông sản, rau, củ quả nội, ngoại nhập chuyên cung ứng cho các tỉnh, thành trong cả nước và các siêu thị lớn. Tại buổi kiểm tra, cơ sở đã thực hiện được một số quy định về an toàn thực phẩm trong sơ chế và bảo quản rau, củ, quả. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và sổ nhập rau, củ, quả hằng ngày. Vì vậy, đoàn kiểm tra đã giao Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Mê Linh tiếp tục giám sát nguồn gốc, xuất xứ của rau, củ, quả; yêu cầu cơ sở cần ghi rõ địa chỉ, xuất xứ hàng hóa vào nhãn sản phẩm khi đóng gói. Đoàn cũng đã lấy mẫu rau quả để kiểm nghiệm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập nhèm trong tiêu thụ rau an toàn: Có sự tiếp tay của siêu thị?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.