(HNMO) - Đây là giải pháp được kiến nghị tại hội thảo trực tuyến "Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh".
Hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với diễn đàn đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam tổ chức sáng 8-11, với sự tham gia của Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành trung ương, các địa phương chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu...
Đại diện thành phố Hà Nội dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, ngày 8-11 hằng năm là "Ngày đô thị thế giới". Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 8-11 hằng năm là "Ngày đô thị Việt Nam" nhằm tôn vinh các đô thị và nhấn mạnh vai trò trung tâm tạo động lực tăng trưởng kinh tế của các đô thị. Hội thảo là cơ hội để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Trong 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố tương đối đều trên cả nước. Khu vực đô thị không chỉ tạo ra tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn; đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế...
Tuy nhiên, số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng hệ thống đô thị Việt Nam đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Do vậy, các đô thị cần giải bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai. Đây là điều các nhà quy hoạch cần quan tâm trong quá trình lập quy hoạch và phát triển đô thị bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh, hướng tới phát triển bền vững.
"Để tăng sức đề kháng cho hệ thống đô thị, các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp, cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại... Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cần nhanh chóng thúc đẩy các khu đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, mang lại nhiều giá trị sống tốt hơn cho con người và tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô", KTS Trần Ngọc Chính nói.
Đại diện các tổ chức quốc tế, Tiến sĩ Tim McGrath (đến từ Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long) cũng đề cập những thách thức trong phát triển đô thị của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Tim McGrath cho biết, để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đô thị Đồng bằng sông Cửu Long, dự án đang hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, đại biểu của các địa phương, các chuyên gia phát triển đô thị trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, các bài học thực tiễn, nhận diện một cách toàn diện hơn về các thách thức mới đối với đô thị từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và đóng góp ý kiến nhằm xây dựng, cải tạo, tái thiết đô thị Việt Nam với giải pháp đủ mạnh để chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.