Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ

Anh Minh| 04/04/2014 06:29

(HNM) - Theo nhận định của Chính phủ, kết quả giải ngân vốn ODA vẫn hạn chế, cần sớm khắc phục, bởi đến nay còn hơn 20 tỷ USD chưa giải ngân.



Là vốn vay nên nếu chậm giải ngân sẽ phát sinh rủi ro, tăng chi phí quản lý. Các chuyên gia thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng chỉ ra rằng, nếu tình hình giải ngân không được cải thiện thì Việt Nam có thể thiệt hại đến 100 triệu USD về chi phí cơ hội.

Mức giải ngân vốn ODA trong quý I-2014 đạt 364 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và các đơn vị trực tiếp tiếp nhận dự án đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, năm 2014, số vốn ODA trong diện cần giải ngân là 8 tỷ USD và đây là thách thức không nhỏ đối với các đơn vị hữu quan, đồng thời đặt ra yêu cầu làm rõ một số nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân.

Việc kịp thời giải ngân nguồn vốn ODA sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Ảnh: Huy Hùng


Trước hết, có thể thấy việc thu hồi đất và tái định cư trong phần lớn dự án vẫn diễn ra chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến quyền lợi của người dân trong diện thu hồi đất nên dễ nảy sinh những yêu cầu… theo cảm tính của bên bị thu hồi đất. Thực tế cho thấy, hầu hết trường hợp bị thu hồi đất đều không đồng thuận với mức đền bù ban đầu do ngành chức năng đưa ra. Từ đó, gây ra tình trạng phải kéo dài thời gian tuyên truyền, trao đổi, giải thích để tìm tiếng nói chung. Nhiều con đường sắp xong nhưng không thể hoàn thành là minh chứng cho tình trạng này. Việc áp dụng hình thức cưỡng chế chỉ là bất đắc dĩ.

Tại hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA do Ban chỉ đạo quốc gia tổ chức mới đây, đại diện nhà tài trợ đã nhận xét rằng, trong một số trường hợp thì vốn đối ứng từ phía Việt Nam chưa được thu xếp đầy đủ, thiếu kịp thời nên còn có sự vênh nhau về tiến độ giải ngân của nhà tài trợ và chủ dự án Việt Nam. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác, như năng lực tư vấn kém, phải làm lại hoặc bổ sung nội dung trong nghiên cứu khả thi; nhà thầu chậm tiến độ thi công, khó khăn phát sinh đột xuất, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế và bám sát yêu cầu đơn giản hóa quy trình, thủ tục; tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư có nguồn vốn ODA. Cơ quan chức năng cần rà soát, so sánh để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ hoặc "vênh" giữa các luật hoặc hướng dẫn thực hiện có liên quan về Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… Bên cạnh đó, tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán...

Theo chỉ đạo chung, Chính phủ sẽ tăng cường vai trò điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia về ODA trong quá trình chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án; đồng thời, bảo đảm các điều kiện liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ dự án và ban quản lý dự án; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng; thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Theo chỉ đạo của Chính phủ: Hằng tháng chủ đầu tư dự án ODA phải báo cáo tiến độ triển khai và các vướng mắc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ban chỉ đạo quốc gia về ODA cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động làm việc với nhóm các nhà tài trợ định kỳ 3 tháng/lần để tham vấn, đánh giá các vấn đề cũng như tiếp thu ý kiến để tháo gỡ khó khăn nhằm giải ngân nguồn vốn này đạt hiệu quả.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.