Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần

Thu Trang| 25/09/2017 07:03

(HNM) - Xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%.

Thực trạng đáng lo ngại

Là một trong những cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần của ngành Y tế Thủ đô, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương tiếp nhận và điều trị khoảng 1.100 bệnh nhân. Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Nhiều người vẫn quan niệm sai lầm khi cho rằng, chỉ những người có những hành động kỳ quặc, hay la hét nhảy múa, đi lang thang ngoài đường, đầu tóc bù xù… mới là bệnh nhân tâm thần.

Trên thực tế, những bất thường về tâm lý như: Ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ, buồn chán, hay cáu gắt, mệt mỏi kéo dài không rõ lý do, tăng nhạy cảm với các âm thanh, kém tập trung, phóng đại về năng lực cá nhân... đều được coi có vấn đề về tâm thần. Và đây thực sự là điều đáng báo động.

Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do áp lực học hành.


Ngay trong cuộc sống có nhiều hành vi bị liệt vào chứng tâm thần nhưng ít người để ý. Đơn cử, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ có tên M.H. (30 tuổi, làm nghề hướng dẫn viên du lịch). Để giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, suốt một thời gian dài, chị H. rơi vào trạng thái “cuồng” mua sắm. Ngày nào chị H. cũng đi mua sắm, tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng. Chị mua nhiều đến mức phải thuê ô tô tải chở đồ về nhà. Nếu không được đi mua sắm chỉ một ngày, chị H. cảm thấy trong người bứt rứt, khó chịu, bất an...

Tương tự, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thời gian gần đây tiếp nhận khá nhiều bạn trẻ mắc hội chứng “tự hủy hoại bản thân” vì cảm thấy ức chế hay bế tắc trong cuộc sống. Đó là trường hợp một bé gái (9 tuổi ở Hà Nội) có hành động tự nhổ tóc đến lộ cả da đầu. Theo lời kể của gia đình, cách đây một năm, khi bị bố mẹ không cho dùng điện thoại vì nghiện chơi game, bé gái bắt đầu có biểu hiện nhổ tóc hoặc cào cấu xước da mình. Điều đáng nói, cháu không cảm thấy đau đớn mà thấy thỏa mãn…

Theo Tiến sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, trong các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng gia tăng, rất đáng lo ngại. Nếu trước đây, phần lớn bệnh trầm cảm bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm lại có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội. Chẳng hạn, áp lực học hành, áp lực trong công việc và cuộc sống, thậm chí nhiều người nghiện Facebook (mạng xã hội) cũng là đối tượng mắc trầm cảm.

“Trong suốt những năm làm bác sĩ chữa trầm cảm tại viện, tôi đã từng gặp nhiều trường hợp bị nặng, có biểu hiện loạn thần. Có trường hợp, bệnh nhân định dùng thìa móc mắt bệnh nhân khác hay định dùng thanh sắt đánh chết con…”, Tiến sĩ Tô Thanh Phương chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, nước ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.

Không để stress kéo dài

Tiến sĩ Tô Thanh Phương cho rằng, mỗi con người khi gặp một sang chấn nào đó, ranh giới giữa trạng thái tâm lý bình thường với trạng thái tâm thần nhiều khi rất mong manh. Đặc biệt, với những trí thức làm việc căng thẳng, thường “nhạy cảm” hơn, ít có khả năng “đề kháng” với các sang chấn tâm lý. Nếu không gặp được những liệu pháp tâm lý kịp thời, người thân thờ ơ thì có thể dẫn đến bệnh tâm thần, thậm chí là hành vi tự tử.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, với những lo toan trong cuộc sống, nhiều người đã bị hiện tượng stress (còn gọi là căng thẳng) gây nên những rối loạn về thể chất và tinh thần. Stress ảnh hưởng tới sức khỏe của toàn cơ thể, mặt khác gây chứng mất ngủ, giảm trí nhớ, cao huyết áp, béo phì... Quan trọng hơn cả, stress từng bước làm thui chột khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán, đồng thời dễ làm người bệnh mất niềm tin vào cuộc sống. Thế nhưng, rất nhiều người đã chủ quan khi bị stress “tấn công”.

Nếu những bệnh khác, khi xuất hiện triệu chứng, gia đình thường nhanh chóng đưa người bệnh vào viện, nhưng với bệnh tâm thần thì ngược lại. Nhiều gia đình không muốn công khai việc đó và bản thân người bệnh cũng không chịu thừa nhận. Chính vì vậy, không ít trường hợp đến viện khi bệnh đã bước vào giai đoạn nặng.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Hồng Thu khuyến cáo, hiện nay với sự tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, người bệnh cần được phát hiện sớm, đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.