(HNMO) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 63/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp lần thứ 77 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Thông báo nêu rõ, các phong trào thi đua với nòng cốt là 4 phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao.
Công tác khen thưởng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, chủ động, kịp thời phát hiện và khen thưởng cho các cá nhân, tập thể tiêu biểu, có thành tích, có đóng góp cho xã hội, người lao động trực tiếp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng năm 2020 còn có những hạn chế. Nội dung các phong trào thi đua chưa phong phú, thiết thực. Công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, công tác phát hiện các điển hình là tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua để biểu dương, khen thưởng, nhân rộng có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp tuy đã có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2021, thực hiện chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2021 cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và 5 nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, hướng phong trào thi đua vào việc thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương. Tổng kết phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” để đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua mới trong giai đoạn tiếp theo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nhất là các điển hình phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống tham nhũng, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, học tập, các tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, nhằm nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tinh gọn, hiệu quả, theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị; xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm chất lượng, có phẩm chất chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có năng lực tham mưu, nghiên cứu, thực hiện tốt vai trò tham mưu công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bộ Nội vụ tập trung công tác xây dựng thể chế, khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.