Chiều 5-6, UBND quận Hà Đông phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ quận tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Trần Thị Lương An cho biết, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được quận xác định là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, duy trì vệ sinh môi trường..., qua đó đạt được nhiều kết quả. Nổi bật đã thành công trong công tác tuyên truyền để người dân thay đổi, từ bỏ thói quen sử dụng bếp than tổ ong bằng các loại bếp, nhiên liệu thân thiện môi trường; cơ bản bảo đảm việc thu gom vận chuyển rác thải, duy trì vệ sinh môi trường, không xảy ra tình trạng ùn ứ, tồn đọng rác. Năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, quận đã kiểm tra thường xuyên và đột xuất hơn 20 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận còn nhiều khó khăn. Hiện, vẫn còn tình trạng đổ rác không đúng thời gian, địa điểm quy định; công tác thu gom vận chuyển có lúc có nơi còn để người dân ý kiến phàn nàn; một số điểm chân rác được làm sạch trồng cây xanh nhưng không duy trì thường xuyên; tình trạng đốt rác, đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng ven các trục đường, tại các khu đất công, đất nông nghiệp làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra tại một số phường.
Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2024 và đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận, đồng chí Trần Thị Lương An yêu cầu, các phòng, ban, đơn vị của quận, UBND các phường thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Luật Bảo vệ môi trường, trong đó tăng về thời lượng, tần suất tuyên truyền để làm sao thay đổi rõ nét về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên và toàn thể các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường. Lưu ý thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất như giữ gìn vệ sinh chung, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác thải, không đốt rác, không sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế sử dụng túi nilon, dùng các vật liệu có độ bền cao, tiết kiệm điện, nước, trồng cây xanh, không để đất hoang hóa lãng phí,…
Các đơn vị liên quan cần tăng cường quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải, bảo đảm 100% rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trong ngày; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại đất; định hướng, khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng công nghiệp sạch, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo vệ môi trường.
Đối với UBND 17 phường trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông yêu cầu sớm rà soát quỹ đất nông nghiệp hoang hóa, đất chưa sử dụng để nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường, phục hồi đất, chống hạn hán. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và lập hồ sơ xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp hủy hoại đất, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Nhân dịp này, UBND quận Hà Đông đã tặng 200 làn nhựa đi chợ cho các hộ dân ở 17 phường, nhằm khuyến khích loại bỏ túi nilon, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; Hội Liên hiệp phụ nữ các phường trong quận đã biểu diễn thời trang từ những nguyên liệu tái chế, nhằm tuyên truyền trực quan về bảo vệ môi trường xung quanh; ra quân đoàn xe tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các trục đường chính của quận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.