(HNM) - Mấy chục năm trước, Lò Đúc còn là phố khá hẻo lánh của Hà Nội. Cuối phố có cửa ô Đống Mác nằm liền các làng cổ Thanh Nhàn, Hộ Quốc… Đứng bên tòa thành đất, nhìn ra xa là những cánh đồng rộng mênh mông của các làng Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi, Mai Động.
Lâu nay, phố Lò Đúc được nhiều người biết đến vì nơi phố nhỏ êm đềm có những hàng cây sao cao vút, tán lá giao nhau, là nơi trú ngụ lý tưởng của những đàn cò. Phố Lò Đúc có NXB Văn hóa - Thông tin, Viện Pasteur, cơ quan lâm nghiệp, nhà máy rượu... Ở cuối phố có cây đa cổ thụ, tán lá che phủ một vùng rộng. Nơi đây trước có trại nuôi bò của người Tây nên người ta gọi nôm na là Cây đa Nhà bò.
Hàng cây sao trên phố Lò Đúc. Ảnh: Phương Nguyên |
Năm 1983, đường mới Kim Ngưu được mở nối phố Lò Đúc với khu công nghiệp Minh Khai nên từ đó phố Lò Đúc trở nên sầm uất. Phố dài 1.160 mét đi từ cuối phố Phan Chu Trinh đến đường Trần Khát Chân, chạy qua nhiều thôn, xóm cũ: Hữu Vọng, Hương Thái, Đức Bác, Yên Hội và Thọ Lão thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, ba thôn Hữu Vọng, Hương Thái, Đức Bác hợp lại thành thôn Hương Viên; hai thôn Yên Hội, Thọ Lão hợp lại thành thôn Cảm Hội. Lúc này, tổng Hậu Nghiêm cũng đổi thành tổng Thanh Nhàn.
Ở cuối phố Lò Đúc chỗ gặp phố Lương Yên trước là một cửa ô. Năm 1831, cửa ô có tên gọi Thanh Lãng, năm 1866 đổi gọi Lãng Yên. Trước đó nữa, vào thời Lê Mạt (thế kỷ XVIII) cửa ô này có tên gọi ô Ông Mạc. Dọc phố Lò Đúc, ở số 55 phố Nguyễn Công Trứ, còn dấu tích đình làng Cảm Hội thờ Xà Ông, tương truyền là tướng của vua Hùng, có công dẹp giặc Ma Lôi, đánh tan giặc Mũi Đỏ ở phía Tây. Ở làng Hương Viên chỗ số nhà 1, 3 phố Trần Xuân Soạn, có đình thờ Chu Văn An. Nhưng trong cuộc binh lửa năm 1946, đình bị phá hủy một phần rồi bỏ hoang phế dần. Ngai, bài vị của Đức thánh Chu được chuyển sang thờ tạm ở chùa Đức Viên.
Ở phố Lò Đúc còn một di tích gắn liền với lịch sử phát triển của phố này, đó là chùa Tổ Ong.
Cuối thế kỷ XVIII, một số người làm nghề đúc đồng ở vùng Kinh Bắc tới lập nghiệp trên đất Thăng Long. Họ mở lò đúc đồng tại làng Đức Bác thuộc tổng Hậu Nghiêm. Sau này, phường đúc chuyển đi nơi khác. Để ghi nhớ sự tích làng nghề một thuở, con đường mới chạy qua năm làng cũ được đặt tên là Lò Đúc. Dấu tích của phường đúc này là chùa Tổ Ong tọa lạc ở ngõ 79. Chùa tên chữ Linh Ứng tự, do dân làng Đức Bác lập trên phố Lò Đúc để thờ Nguyễn Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng. Nhưng vì sao ngôi cổ tự lại có tên gọi là chùa Tổ Ong? Giải thích tên gọi này, vị sư trụ trì nói: Mới đầu gọi là chùa Tổ Ông, sau lại gọi chệch ra là chùa Tổ Ong vì kiêng húy. Vị sư tổ ở chùa có truyền lại rằng, khi đào móng xây chùa, thấy đất rỗ như tổ ong, do đó mà thành tên gọi.
Hơn 50 năm trước, vườn chùa khá rộng. Trước chùa có hồ nước và vườn cây bốn mùa xanh tươi. Nay sau bao biến đổi thật khó nhận ra được dáng vẻ của cảnh chùa ngày xưa.
Khác với vẻ bề ngoài khiêm nhường, tại phật điện chùa Linh Ứng còn giữ được nhiều di vật quý. Hệ thống tượng Phật có kích thước nhỏ nhưng được các nghệ nhân xưa tạo tác rất đẹp. Từ vẻ mặt, ánh mắt đến màu sơn, mỗi pho như có hồn riêng, đượm vẻ ưu tư. Quả chuông Linh Ứng tự chung là kỷ vật vô giá của người làng nghề đúc từ hai thế kỷ trước. Trước phật điện, dưới cửa võng là bức hoành có ba chữ khảm trai Nhi thần hóa (biến hóa như thần) gắn với sự tích Tổ nghề Nguyễn Minh Không; một bức khác có bốn chữ Ứng thanh đĩnh tú, nói về mảnh đất từ xưa vẫn nổi tiếng là linh thiêng. Ở chùa còn đôi câu đối khảm trai các chữ Hán viết theo lối thảo, mỗi nét được cách điệu trúc hóa long và thông, mai, cúc, trúc.
Trong nhiều năm qua, 40 hộ dân đã tới đất chùa làm nhà ở. Có người làm nhà cả ở trước ngôi tam bảo. Năm 1996, trước cảnh trớ trêu, báo chí đã lên tiếng và người này đã phải chuyển đi nơi khác. Nhưng tại nhà Tổ, từ lâu đã bị một gia đình chiếm dụng làm nơi chứa hàng. Tấm bia thời Tự Đức (1857), mặt bia bị quét vôi che kín chữ. Ai có lòng ngưỡng mộ tài nghệ của người xưa muốn vào xem, đọc bia nếu chủ nhà không mở cửa cũng đành chịu. May sao, vào năm 2009, bằng sự quyết tâm và bền bỉ trong nhiều năm, bà Trần Thị Phong, một người về hưu tình nguyện đứng ra trông nom chùa đã cùng các Phật tử chuyển được tấm bia này lên chùa chính. Bia cỡ 1x1,7m, diềm bia trang trí hoa cúc, dây leo. Bia có tên Ký sám hối gia tiên bi ký (bia ghi việc gửi giỗ cho gia tiên) có 1.300 chữ Hán, khắc theo thể chữ chân, sắc nét và còn nguyên vẹn. Mở đầu, bài văn viết: “Thường nghe, sự linh thông là con thuyền phổ độ rộng khắp cho mọi sinh linh trở về với thế giới cực lạc. Để rồi những hồn phách ấy mãi mãi quy y về phúc đức dài lâu muôn thuở. Đó cũng chính là cái lẽ cương thường hưởng tự trong sâu thẳm đáy lòng người. Từ xưa đến nay, có tu phúc thì tai mới nghe, mà tai có nghe thì tâm mới giác ngộ vậy. Nay ở Hà Nội, tăng sư chùa Linh Ứng lập bia sám hối ghi họ tên các vong linh của gia tiên mọi nhà xin được ngàn năm hưởng tự sau hậu Phật. Cứ vào hằng năm nhà chùa có buổi tụng kinh làm lễ cầu siêu cho các vong hồn sớm được siêu sinh, hễ người nào, vị nào muốn gửi tiên linh vào chùa thì mỗi vị phải đóng 10 đồng để lấy đó làm đèn hương. Còn họ tên của các chư linh xin ghi rõ ràng vào bia này để mãi mãi nghìn vạn năm sau không bao giờ thay đổi”.
Văn bia giúp chúng ta hiểu tập tục của người dân thành phố hơn 100 năm trước và cung cấp một số địa danh như phố Tràng An, phố Phương Viên (gọi theo tên làng cổ) mà nay không còn hoặc đã bị đổi tên. Ngoài ra, bia còn ghi danh một số người quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương công đức tiền của cho chùa.
Lịch sử phố Lò Đúc, chùa Tổ Ong và một tấm bia quý mới phát hiện tại chùa đã góp phần tô thêm vẻ đẹp nghìn năm của đất Thăng Long - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.