(HNM) - Cách đây 3 ngày, tòa nhà chung cư 17T4 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính lại xảy ra cháy. Đây là vụ cháy thứ 2 trong vòng một tháng tại khu đô thị này và là vụ cháy thứ 13 tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội kể từ đầu năm đến nay.
Đô thị phát triển ngày càng hiện đại, văn minh, lẽ ra con người càng phải có ý thức hơn trong việc đề phòng các hiểm họa. Nhưng thực tế tại Hà Nội lại không như vậy. "Giặc phá không bằng nhà cháy", đã đến lúc phải tập trung thay đổi ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho tương xứng với tốc độ phát triển đô thị.
Một buổi diễn tập PCCC tại Dự án Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Lưu Việt |
Những cảnh báo từ thực tế
Trong số các vụ cháy nhà cao tầng, phải kể đến vụ cháy tại chung cư M3-M4 (ngõ 91 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) đầu tháng 2 năm nay, gây hoảng sợ cho hơn 280 hộ dân sinh sống tại đây. Có thể thấy ở đây nhiều dẫn chứng cho thấy không chỉ ý thức phòng hỏa của người dân còn hạn chế mà ngay cả đơn vị quản lý tòa nhà cũng chưa làm tốt trách nhiệm của mình.
Vụ cháy đầu năm xảy ra vào rạng sáng tại khu B tòa nhà chung cư 21 tầng M3-M4. Lửa bốc lên từ sự cố tại phòng kỹ thuật điện thuộc tầng xép. Điều đáng nói là nhiều người dân chỉ tỉnh giấc vì khó thở do khói đã xộc vào trong nhà chứ không phải được báo động bằng loa hay hệ thống báo cháy tự động. Chung cư M3-M4 chưa được trang bị các phương tiện kỹ thuật cơ bản này. Kết thúc điều tra vụ cháy, cảnh sát chỉ ra 4 nhóm vấn đề còn tồn tại về công tác PCCC tại chung cư M3-M4, trong đó có những vấn đề trên.
Thế nhưng, trong đợt kiểm tra cuối tháng 9-2012 của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, hầu hết những "lỗ hổng" trong PCCC của nhà chung cư M3-M4 vẫn chưa được khắc phục. Đáng lo nhất là chưa có hệ thống báo cháy tự động, chưa thi công quạt tăng áp buồng thang, chưa lắp đặt loa thông tin tòa nhà, tầng trệt và tầng xép chưa có giải pháp ngăn cháy và chống cháy lan. Một số nội dung đã được khắc phục một phần, nhưng lại không đúng quy định PCCC như đã lắp đặt đường điện riêng cho hệ thống báo cháy, nhưng không sử dụng cáp chống cháy. Đối với hầm gas, dù đã giảm số bình gas theo yêu cầu, nhưng chưa lắp đặt biển cấm lửa, bình chữa cháy lại để trong hầm gas (khi xảy ra cháy không thể lấy được để chữa cháy).
Dù đã trải qua hỏa hoạn đe dọa cả tính mạng, nhưng ý thức phòng hỏa của cư dân chung cư M3-M4 vẫn có những biểu hiện ít chuyển biến. Mặc dù đã có quy định nơi đốt vàng mã cho các hộ dân, nhưng nhiều gia đình vẫn tùy tiện đốt vàng mã ngay tại khu vực "chiếu nghỉ" cầu thang thoát hiểm. Nhưng nguy hiểm hơn, để tiện sinh hoạt, nhiều người dân tự ý mở cửa ngăn khói của cầu thang thoát hiểm trong khi theo quy định PCCC, cửa cầu thang này phải luôn luôn đóng…
Không riêng tòa nhà M3-M4 có vấn đề, Sở Cảnh sát PCCC khẳng định, xu hướng xảy ra cháy tại các tòa nhà và công trình cao tầng đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp do không tuân thủ các quy định PCCC.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Hà Nội có 727 nhà và công trình cao tầng, trong đó có 116 công trình đang xây dựng. Nguy cơ thì đã rõ, nhưng tình hình PCCC của các cơ quan quản lý các công trình cao tầng và bản thân người dân sống trong các chung cư cao tầng rất đáng báo động. Ngoài chung cư M3-M4, trong hai tháng qua, Sở Cảnh sát PCCC đã kiểm tra 116 nhà và công trình cao tầng. Lực lượng đã phát hiện nhiều lỗi tương tự trường hợp nhà M3-M4 trong PCCC, đã xử phạt hành chính 15 trường hợp với tổng số tiền trên 36 triệu đồng. Chế tài yếu cùng với mức phạt thấp cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng coi thường việc thực hiện các quy định PCCC.
Ngoài ý thức người dân được xây dựng trên cơ sở giáo dục, tuyên truyền và sự tự nhận thức, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan nhà nước phải xây dựng chế tài mạnh để ràng buộc trách nhiệm ngay từ khi chủ đầu tư bắt đầu xây dựng các công trình cao tầng. Thường sau khi xây dựng, chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản lý là… hết trách nhiệm. Các đơn vị quản lý tòa nhà chung cư cao tầng không có đủ kinh phí để khắc phục những lỗi kỹ thuật PCCC theo quy định do chủ đầu tư để lại. Ông Đinh Lăng Việt, quyền Trưởng ban quản lý tòa nhà M3-M4 Nguyễn Chí Thanh cho biết, để khắc phục tất cả các lỗi kỹ thuật theo yêu cầu, chi phí có thể lên tới trên 5 tỷ đồng. Trong khi đó, Ban quản lý không có kinh phí, đề nghị người dân đóng góp lại càng khó khả thi.
Theo Thiếu tá Nguyễn Quang An, Đội trưởng Đội Tuyên truyền PCCC (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội), hệ thống tiêu chuẩn PCCC nhà cao tầng hiện nay đặt ra quá cao, nên chỉ có các chung cư cao cấp hay các tòa nhà do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mới đáp ứng được, còn lại hầu hết các chung cư bình dân hay nhà tái định cư đều không đáp ứng được. Đây là vấn đề cần có giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ từ các bộ, ngành TƯ mới có thể khắc phục được.
Thực tế nói trên cho thấy, xét từ nhiều ngành, nhiều cấp, ở nhiều góc cạnh khác nhau, công tác PCCC cho các tòa nhà, công trình cao tầng đang rất đáng lo ngại. Đây cũng là lời cảnh tỉnh chung về ý thức cũng như trách nhiệm trong công tác PCCC đối với tập thể, cá nhân có liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.