Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ 21-2: Ðộc đáo tiếng Việt

PGS.TS Phạm Văn Tình| 21/02/2023 06:22

(HNNN) - Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu được hình thành trong lịch sử qua quá trình giao tiếp của một cộng đồng. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng với bản sắc riêng. Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm (mỗi âm tiết là một hình vị, một từ), vì vậy, tiếng Việt có những biểu hiện đặc thù. Nhân Ngày quốc tế Tiếng mẹ đẻ (21-2), trong bài này, tôi chỉ xin lấy ví dụ hai từ tiêu biểu (chạy và chơi) để chúng ta cùng thấy cái khác lạ, cái độc đáo của tiếng Việt.

Một giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1. Ảnh: Dương Tâm

Chạy “đi” và chạy “đến”

Nói đến chạy, có lẽ ai cũng hình dung ra một động tác rất thông thường. Đó là sự di chuyển thân thể (thường là bằng đôi chân) với những sải bước nhanh: Chạy như bay, chạy ra ngoài đường, chạy việt dã (chạy trong địa hình tự nhiên), thỏ chạy nhanh hơn rùa... So sánh, nếu chuyển dịch tương đương, ta thấy các từ, như run (tiếng Anh), courir, filer (tiếng Pháp)..., về cơ bản cũng mang nghĩa chuyển động (có hướng hoặc không có hướng). Tuy nhiên, trong giao tiếp tiếng Việt, từ chạy đã chuyển nghĩa khá đa dạng với các hướng ngữ nghĩa khác chiều nhau. Ta thử quan sát hai nhóm chạy sau:

Nhóm 1: “Chạy giặc”, “chạy lụt”, “chạy bão”, “chạy mưa”, “chạy án”...

Nhóm 2: “Chạy gạo”, “chạy tiền”, “chạy việc”, “chạy điểm”, “chạy thầy chạy thuốc”...

Điều giống nhau dễ nhận ra ở cấu trúc hai nhóm trên là, “chạy” được kết hợp với một từ (thường là từ đơn) khác để tạo ra một từ ghép mang nghĩa khái quát (về một tình huống nào đó). Nhưng, ta cũng dễ dàng nhận ra cái khác biệt về mặt ngữ nghĩa là ở nhóm 1, người ta “chạy” để tránh xa sự thể được nói tới. “Chạy giặc” là thoát ra vùng giặc giã, nguy hiểm, “chạy mưa” là tạm tìm chỗ (nào đó) để trú khỏi bị mưa, “chạy tội” là tìm cách sao cho thoát tội (lẽ ra mình phải nhận)... Còn ở nhóm 2 thì ngược lại, người ta chạy là để mong có được cái đang nói tới. “Chạy gạo” là tìm cách để có gạo ăn, “chạy việc” là lo liệu tìm được việc làm như mong muốn, “chạy thầy chạy thuốc” là đi nhiều nơi để tìm được thuốc hay thầy giỏi với hy vọng chữa được bệnh tình (của ai đó)...

Chao ôi, chỉ mỗi việc chạy thế thôi mà sao bao điều rắc rối quá! Mà bây giờ, có nhiều trường hợp người ta đâu cần chạy bằng đôi chân. Người ta chạy bằng tài ăn nói, bằng quan hệ thân quen, bằng quyền thế, bằng tiền bạc... Nhiều cách lắm. Người ta cũng chẳng cần phải đi đâu cho mệt. Một văn bản hợp lệ, một lá thư tay, thậm chí một cú “phôn” nhẹ nhàng là xong việc. Có nhiều người, khi có khuyết điểm hay tội lỗi, họ không lo tu thân hay tỏ thái độ sửa sai, cầu thị mà nghĩ ngay đến chuyện “chạy” cho thoát hiểm. Chạy cho xa, càng xa càng tốt. Mà muốn chạy xa, ta không thể dùng đôi chân “điền kinh” kia được. Ta phải chạy bằng thế lực hay sức mạnh của đồng tiền... Ngữ nghĩa của tổ hợp “chạy” quả là đã “chạy” rất xa so với nghĩa gốc.

Gần đây, trên một tờ báo có đăng bài “Chạy chức, chạy dự án, chạy tội”. Trong bài này, tác giả dẫn lời một vị quan chức, nói “điều ông bức xúc nhất là tình trạng cán bộ, công chức chạy chức, chạy dự án, chạy tội” và “điều băn khoăn của ông là ở chỗ ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rằng các hiện tượng “chạy” nói trên “được nhiều nơi nói tới nhưng chưa bị phát hiện”. Người ta “chạy” đủ thứ: Chạy lên lương, chạy lên chức, chạy nhà chạy đất, chạy việc (cho con cháu), chạy trường chuyên lớp chọn, thậm chí chạy... cả khen thưởng (!). Xét cho cùng, đó là những hiện tượng chạy chọt, làm băng hoại và phá vỡ các giá trị chuẩn mực xã hội chứ đâu phải là các hành vi chạy có lợi, đáng khuyến khích (như cả nước chúng ta đang gấp rút chạy từng ngày từng giờ để thực hiện đúng kế hoạch hằng năm). Chính nét nghĩa tích cực hay tiêu cực làm cho từ “chạy” phân hóa thành hai chiều ngược nhau về giá trị và khác nhau về hướng mục tiêu mong muốn của mỗi người.

Đánh, đá là... chơi

“Con đi mẫu giáo nhớ ngoan ngoãn, nghe lời cô giáo, đến 1-6 này mẹ sẽ dẫn con đến cơ quan mẹ liên hoan và xem các cô chú đánh bóng bàn...”. Bà mẹ trẻ nhẹ nhàng dỗ con như vậy. Nhưng bé gái bỗng níu tay mẹ hỏi với vẻ ngạc nhiên: “Mẹ ơi! Có phải bóng bàn không ngoan nên mới bị các cô các chú ấy đánh hả mẹ? Nếu vậy thì con chẳng xem đâu...”. Bà mẹ bật cười bởi câu hỏi hồn nhiên mà theo bà là “suy nghĩ kiểu trẻ con”. Nhưng, xin chớ “kết tội” bé một cách chủ quan như vậy. Bởi khi hỏi câu này, bé đã có suy luận đậm tính logic ngôn ngữ học.

Bởi trong đầu óc non nớt của cô bé, từ “đánh” vốn được hiểu là “bị làm cho đau bằng roi hay bằng một lực tác động nào đó (tay, chân...)”. Khi trẻ mắc lỗi hư hay khó bảo, người lớn sẽ “răn đe” bằng một biện pháp hoàn toàn “cơ bắp” như thế. Chắc bé (và các bạn cùng lứa) có ít nhất vài lần bị người lớn cho “ăn” bạt tai hay vài “con lươn” vào mông. “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, “Giơ cao đánh khẽ”, “Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ”... chính là những thành ngữ, tục ngữ liên quan tới “đánh” này đấy. Có lẽ từ nghĩa cơ bản này, cô bé nghĩ rằng, chắc là quả bóng bàn hư lắm nên mới bị lôi ra đánh cho chừa!

“Đánh” là một động từ nhiều nghĩa trong tiếng Việt (“Từ điển tiếng Việt”, Hoàng Phê chủ biên - 2020, thống kê tới 24 nghĩa cả thảy). Trong các nghĩa đó, có các kết hợp liên quan tới thể thao, giải trí với cấu trúc “đánh” kết hợp với từ (cụm từ) khác: “đánh bài” (tam cúc, tú lơ khơ, tổ tôm...), “đánh bóng bàn”, “đánh bóng chuyền”, “đánh cờ”, “đánh đàn”, “đánh võ”... Ta dễ dàng nhận ra, với các môn thể thao này, khi thi đấu các vận động viên sử dụng tay là chủ yếu. Mà thể thao không chỉ dùng tay mà còn dùng đến hai chi khác là chân. Đến đây, ta sẽ có tổ hợp từ “đá” kết hợp với danh từ: “Đá bóng”, “đá cầu” (cầu chinh, cầu mây...).

Như vậy, trong tiếng Việt, tất cả các môn thể thao dùng đến tay đều có thể dùng từ “đánh” và các môn dùng chân sẽ dùng từ “đá” (trong kết hợp). “Đánh” và “đá” ở đây không còn là một hành động mang tính “bạo lực” (cần phải lên án) mà là một cách diễn tả các môn thể thao thông dụng. Khi đưa vào cấu trúc, nghĩa của “đánh” và “đá” thuần túy là “dùng tay hoặc chân tác động vào dụng cụ thể thao theo luật chơi”. Lúc đó, nghĩa “chơi” trở thành nghĩa chính, nghĩa trội. Vì vậy, ta có thể thay thế “đánh” và “đá” bằng từ “chơi” cho tất cả các cấu trúc trên: “Chơi bài”, “chơi bóng bàn”, “chơi bóng chuyền”, “chơi cờ”, “chơi bóng đá”, “chơi cầu mây”...

Điều thú vị là chỉ có tiếng Việt ta mở rộng tới ba cấu trúc để diễn tả các trò chơi. Trong tiếng Anh, chỉ dùng từ play (chơi) cho tất cả các cấu trúc: play to at cards (chơi bài), play on the piano (chơi piano), play to football (chơi bóng đá), play to tennis (chơi tennis)... Như thế, sự ngạc nhiên của cô bé (ở câu chuyện trên) không phải là sự thắc mắc vớ vẩn mà hoàn toàn có lý. Dĩ nhiên, rồi bé cũng như tất cả những đứa trẻ khác khi lớn lên sẽ dần nhập tâm với một tri thức tiếng mẹ đẻ cần có. Song, trực giác ngôn ngữ của một người đang trong quá trình thụ đắc tiếng mẹ đẻ (hoặc người học ngoại ngữ) cho ta nhìn ra cái “bất bình thường” trong giao tiếp bình thường. Và rõ ràng, ta thấy con đường dẫn tới cách thức biểu hiện của mỗi ngôn ngữ là khác nhau (mặc dù tư duy nói chung là giống nhau). Nhiều khi, chính phát hiện bất thường của con trẻ lại giúp cho các nhà ngôn ngữ tìm ra quy luật hình thành các cấu trúc ngôn ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ 21-2: Ðộc đáo tiếng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.