Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lực ngành y tế: Nghịch lý thiếu và thừa

Quỳnh Phạm| 22/05/2012 06:54

(HNM) - Từ thực tế khảo sát tại các bệnh viện cho thấy nguồn nhân lực y tế hiện nay vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt, bên cạnh đó, nguồn cung ở từng trình độ khác nhau cũng đang có sự chênh lệch đáng kể. Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực ngành y, dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ về chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trong toàn quốc.


Khó đáp ứng nhu cầu

Theo Bộ Y tế, đội ngũ bác sĩ trong những năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ 7 bác sĩ, 1 dược sĩ/1 vạn dân đã vượt chỉ tiêu trong Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế: Tốc độ phát triển nói trên dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu mong muốn, song đã là bước nhảy vọt về nhân lực y tế. Tuy nhiên, hạn chế chính là sự phân bổ nguồn nhân lực với tình trạng mất cân đối giữa các chuyên ngành. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập thời gian qua cũng thu hút cán bộ y tế từ các đơn vị công lập. Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh ngành y trong những năm gần đây tăng đáng kể, song thời gian đào tạo khá dài nên phải sau 5-6 năm mới có nguồn nhân lực bổ sung cho sự thiếu hụt.

Hướng dẫn sinh viên thực hành chăm sóc trẻ sơ sinh.


Tuy được đào tạo với thời gian dài như vậy, nhưng theo các lãnh đạo của ngành, nhiều sinh viên tốt nghiệp khi ra trường khó có thể đáp ứng ngay được yêu cầu về chuyên môn. Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2011 quy định rõ bác sĩ sau khi tốt nghiệp tối thiểu 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian này, bác sĩ mới tốt nghiệp phải được đào tạo một số nội dung cần thiết về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tổ chức quản lý y tế. Song đối với một ngành nghề đặc biệt, liên quan tới tính mạng và sức khỏe con người như ngành y, việc học tập, đào tạo phải được tiến hành thường xuyên, suốt đời chứ không chỉ riêng thời gian mới ra trường.

Nghịch lý thiếu, thừa

Về phía các cơ sở đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, ông Lưu Đức Hoạt cũng cho biết, ở các nước tiên tiến, sinh viên được đào tạo chính quy trong thời gian dài hơn ở Việt Nam, thường phải từ 9 đến 12 năm mới được hành nghề. Việc nâng cao chất lượng còn gặp khó khăn bởi thiếu một chuẩn đầu ra thống nhất cho các trường đào tạo ngành y. Điều này dẫn tới chất lượng bác sĩ hiện nay còn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của từng trường, không đồng đều, tạo gánh nặng cho xã hội.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội, để bảo đảm chất lượng đầu ra, nhiều năm qua nhà trường chủ trương không đào tạo ĐH hình thức chuyên tu, tại chức và đã từ chối lời đề nghị đào tạo loại hình này của nhiều địa phương. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu Trường ĐH Y Hà Nội không chấp nhận thì các địa phương vẫn gửi sinh viên về các trường khác để đào tạo. Như vậy, sự từ chối của ĐH Y Hà Nội không những chẳng giúp tăng chất lượng mà vô hình trung có tác động ngược lại.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết: Trên thực tế, một vấn đề lớn trong đào tạo là sự chênh lệch về số lượng giữa nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau. Hiện nay chỉ có khoảng 25% số nhân lực có trình độ ĐH, trong khi nguồn cán bộ y tế từ trình độ CĐ trở xuống không thiếu so với nhu cầu. Thậm chí, Bộ Y tế cũng đã có ý kiến với Bộ GD-ĐT về tình trạng đào tạo trung cấp (TC) dược, điều dưỡng tràn lan, khiến cung vượt quá xa nhu cầu. Năm 2011, các trường TC điều dưỡng và dược có tới 85.000 chỉ tiêu. Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã từ chối 5 trường có ý định mở ngành TC điều dưỡng, dược. Vừa qua, sau cuộc thanh tra công tác liên kết đào tạo trình độ TCCN ở một số trường y, Thanh tra của Bộ GD-ĐT đã phải kiến nghị các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm khi xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh TCCN năm 2012 vì cho rằng chỉ tiêu trình độ này quá nhiều dẫn đến một số trường tổ chức liên kết đào tạo tràn lan, trái phép.

Hiện trạng nói trên đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của hai ngành y tế và giáo dục, cùng với chủ trương mới đây của Bộ GD-ĐT cho phép các trường, trong đó có trường y, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực và nhu cầu xã hội, được trông đợi sẽ giúp giảm thiểu những bất hợp lý trong cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực y tế hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực ngành y tế: Nghịch lý thiếu và thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.