Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lực cho ngành nông nghiệp: Vừa thiếu, vừa yếu

Chí Đạo| 20/04/2010 07:18

(HNM) - Nhân lực ngành nông, lâm, ngư nghiệp vừa thiếu, vừa yếu đang là rào cản khiến kinh tế nông nghiệp ở nhiều địa phương gặp khó khăn. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý lĩnh vực này đã bộc lộ nhiều yếu kém.

Khuyến nông viên hướng dẫn nông dân xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi Diễn. Ảnh: Hồng Hóa


Vì sao chưa thu hút được nhân tài?
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước mới có 13 trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề có dạy nghề nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hằng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh. Lý do là chúng ta chưa nắm được nhu cầu nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp về số lượng và cơ cấu ngành nghề; chưa dự báo được thị trường nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II, trong 21,264 triệu lao động nông nghiệp có đến 20,765 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn; người có bằng sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 1,26%; bằng trung cấp chiếm 0,87%; bằng cao đẳng, đại học chiếm 0,22%. Đáng nói là với số lượng 60,7 triệu nông dân, chỉ có 4.847 cán bộ khuyến nông chuyên trách hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 10.543 cán bộ khuyến nông không chuyên trách và 15.744 cộng tác viên thôn bản. Lực lượng lao động thuộc các đơn vị của Bộ NN&PTNT được phân theo ngành nghề, có 37 giáo sư, 98 phó giáo sư, 19 tiến sĩ khoa học, 652 tiến sĩ, 874 thạc sĩ, chiếm 8,54% số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên và chiếm 0,71% tổng số lao động trong ngành.

Hiện nay, việc thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thi vào các khối ngành nông, lâm nghiệp lại đang gặp không ít khó khăn: số lượng không bảo đảm, chất lượng đầu vào thấp… Thống kê tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (đơn vị đứng trong tốp đầu đào tạo về nông nghiệp, nông thôn) cho thấy, năm học 2009-2010 ngành khoa học đất chỉ thu hút được 10 thí sinh đăng ký; ngành sư phạm kỹ thuật tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ được 50; ngành cơ khí tuyển 3 lớp nhưng chỉ được 1 lớp; ngành công thôn đã phải "đóng cửa" sau 4 năm liền không mở được lớp do ít sinh viên theo học.

Tình trạng nêu trên vẫn tồn tại vì nhiều người cho rằng, ngành nông nghiệp không có nhiều công việc thú vị hoặc mức lương chưa cao; không cần những người được đào tạo chuyên sâu... Tuy nhiên, theo lý giải của nhiều chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do hệ thống các cơ sở đào tạo còn yếu; chương trình đào tạo, bồi dưỡng không cân đối giữa lý thuyết và thực hành; đánh giá nhu cầu đào tạo, kết quả sau đào tạo yếu; phương pháp giảng dạy, học tập chậm đổi mới... Công tác sử dụng cán bộ thiếu động lực cạnh tranh khiến hạn chế tính sáng tạo của cán bộ, không giữ chân được người giỏi.

Cơ hội mới cho lớp trẻ
PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam nhìn nhận, nguy cơ thiếu nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc lựa chọn ngành nghề và hướng nghiệp của thế hệ trẻ vào lĩnh vực này. Bộ NN&PTNT đã đặt ra yêu cầu mới đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thuộc những ngành trọng điểm như quản lý, phát triển, sử dụng và thương mại tài nguyên rừng; quản lý đất đai; xây dựng công trình và hiện đại hóa nông thôn; chế biến nông, lâm sản; quản lý tài nguyên nước và lưu vực...

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT cũng đang đề xuất với Chính phủ việc hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên khối ngành nông, lâm nghiệp giống như hỗ trợ đối với sinh viên ngành sư phạm. Ngoài ra, sẽ sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo; xây dựng cơ chế hỗ trợ kỹ sư đi đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước... Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, trên thực tế cần tiến hành điều tra, nghiên cứu toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, từ đó xác định chính xác nhu cầu, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng bằng những bước đi cụ thể, vững chắc. Mặt khác, ưu tiên lựa chọn cán bộ trẻ, tâm huyết cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường, trung tâm uy tín trong và ngoài nước, đồng thời đề ra chiến lược, kế hoạch sử dụng và đề bạt cán bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực cho ngành nông nghiệp: Vừa thiếu, vừa yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.