Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên cách làm hay từ một hội thi

Nguyễn Thanh| 07/11/2020 07:27

(HNM) - Lần đầu tiên được tổ chức, hội thi “Cán bộ phong trào giỏi” thành phố Hà Nội - năm 2020 đã tạo “sân chơi” cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, nơi giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nhân lên cách làm hay, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phần thi tài năng của đội thi quận Bắc Từ Liêm tại hội thi “Cán bộ phong trào giỏi” thành phố Hà Nội - năm 2020.

“Sân chơi” cho cán bộ văn hóa cơ sở

Hội trường Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm như vỡ òa trong tiếng vỗ tay sau mỗi phần thi tài năng của các thí sinh tham dự vòng chung khảo hội thi “Cán bộ phong trào giỏi” thành phố Hà Nội - năm 2020, diễn ra ngày 3-11 vừa qua. Ở đó, mỗi người tùy theo năng khiếu của mình, thể hiện các phần trình diễn được chuẩn bị công phu, lồng ghép thông điệp phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương, những cách làm hay, sáng tạo trong quá trình công tác tại cơ sở.

Đại diện cho thị xã Sơn Tây, thí sinh Nguyễn Thị Phương Anh mang đến niềm tự hào về chiều sâu văn hóa của vùng đất “hai vua”, những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ làm văn hóa cơ sở nhằm lan tỏa nét đẹp truyền thống trong đời sống hiện tại. Trong khi đó, thí sinh Đặng Thị Huyền (quận Bắc Từ Liêm) giới thiệu những thành tựu quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở vùng hoa nổi tiếng, nhờ luôn tích cực đổi mới nội dung, hình thức lan tỏa phong trào.

Là thí sinh nam duy nhất của hội thi, thí sinh Lê Minh Đức (quận Hoàn Kiếm) cho thấy khả năng hùng biện ấn tượng và thuyết phục thông qua bài giới thiệu nét văn hóa ứng xử của người dân phố cổ, giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy. Anh Lê Minh Đức cho hay: Phố cổ với đặc trưng dân cư đông đúc, hoạt động buôn bán sầm uất, nên để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cho phong trào, cán bộ văn hóa cơ sở luôn sáng tạo cách thức tuyên truyền, vận động gần gũi, hấp dẫn; phát huy vai trò của các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi cũng như xây dựng các mô hình câu lạc bộ đa dạng, phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi...

Còn theo thí sinh Đinh Thị Lan Hương đến từ đội thi của huyện Mỹ Đức, muốn phong trào văn hóa đạt hiệu quả, người cán bộ văn hóa không được ngại khó, ngại khổ, thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, từ đó có cách tuyên truyền, vận động phù hợp, từng bước khơi dậy ý thức, hành động lan tỏa lối ứng xử thanh lịch, văn minh trong mỗi người.

Đến cổ vũ hội thi từ rất sớm, ông Đinh Công Dũng, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Hội thi hấp dẫn qua từng nội dung, không chỉ cho thấy tài năng, mà cả tâm huyết của người làm văn hóa ở cơ sở. Nhờ đó, người dân càng hiểu và chia sẻ với sự vất vả của những người làm văn hóa ở cơ sở.

Cổ vũ, khích lệ phong trào

Với mục tiêu tạo sân chơi giao lưu, học hỏi, đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hội thi “Cán bộ phong trào giỏi” thành phố Hà Nội - năm 2020, do Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội tổ chức, hướng tới đội ngũ cán bộ phong trào các cấp. Hội thi gồm 3 phần nội dung: Chào hỏi, tài năng và kiến thức, xoay quanh việc thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm triển khai phong trào; khả năng tuyên truyền, vận động, cũng như cách làm sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hoàng Quốc Việt (thành viên Ban Giám khảo hội thi) cho biết: Hội thi đã trở thành “sân chơi” bổ ích cho những người làm văn hóa thể hiện tài năng, kinh nghiệm, lan tỏa những điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong khi đó, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động như hội thi “Cán bộ phong trào giỏi”, để kịp thời cổ vũ, khích lệ phong trào; lắng nghe tiếng nói, nắm bắt chuyển động ở cơ sở, từ đó có những vận dụng, điều chỉnh phù hợp, tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa cho phong trào.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những nội dung quan trọng, nhằm huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân đối với mục tiêu phát triển văn hóa, con người của đất nước.

“Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều hội thi, chương trình giao lưu phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, như: “Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố thân thiện”, “Giao lưu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu”, “Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu”… huy động được đông đảo lực lượng tham gia, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Cùng với các hoạt động này, hội thi “Cán bộ phong trào giỏi” sẽ được tổ chức hằng năm, nhằm động viên cán bộ gắn bó mật thiết với phong trào, phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, những điển hình mới giúp cộng đồng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện”, bà Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên cách làm hay từ một hội thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.