(HNM) -
Bìa sách chỉ nói mấy dòng ngắn gọn về tác giả thế này: "Nhà báo Nguyễn Triều sinh năm 1953 tại Nghệ An, là cây bút xuất sắc ở thể loại phóng sự điều tra, Báo Hànộimới, hiện đã nghỉ hưu và sống tại Hà Nội". Nhưng với nhiều thế hệ người làm báo của tờ báo mang tên Thủ đô thì Nguyễn Triều là một cái tên gắn với nhiều phẩm chất đáng quý về nghề, nhiều giai thoại sinh động về một người cầm bút tận hiến.
Sách chia làm hai phần, phần I "Bờm cười" với đa phần là chuyện lấy loài vật, sự vật làm nhân vật chính như "Con giun và con cá", "Cái bóng", "Mực và Đèn", "Cáo và Kiến", "Sáng kiến của bác Giun"… Phần II lại mang tên "Thị Mầu" cũng với loạt nhân vật, chủ đề phong phú nhưng lại là thơ, hai câu có mà vài chục câu cũng có.
Phải nói, dù kể chuyện như chơi, dù nói đến thói đời hay - dở, đến triết lý, nhân sinh quan thì vẫn không lẫn đi đâu phẩm cách "Mở miệng nói ra gàn bát sách", rặt đồ Nghệ. Nhưng ở đây là cái gàn của người buồn vui, lo lắng đến thế thái nhân tình. Bên cạnh đó, cũng phảng phất chất "phóng sự điều tra" - vốn là thế mạnh của tác giả trong những gói ghém sự đời. Và trang viết, dù là văn hay thơ cũng cốt để tải hết cái thông điệp muốn gửi gắm của người viết mà thôi. "Mực và Đèn" có lẽ là một nhắn gửi thú vị về cái gọi là tinh thần cộng hưởng vì lợi ích chung: Người bảo, "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", mực và đèn một đứa đen, một đứa rạng gần nhau thì ra cái gì? Mực và đèn bảo, chúng tao không biết gần nhau thì chúng tao ra cái gì nhưng nếu chúng tao không gần nhau thì sẽ không có ánh sáng, không có chữ viết và con người đến nay vẫn ăn lông, ở lỗ. Chuyện "Sáng kiến của bác Giun" về việc thoát nghèo bằng cách huy động cả gia đình trồng cây bồ hòn "đáp ứng nhu cầu lớn, trong khi hàng ngoại chưa có, lại có nhiều giống khác nhau, dùng cho nhiều đối tượng khác nhau", cho thấy một cái nhìn hài hước, trào lộng mà cũng rất "đanh đá" của Nguyễn Triều khi nói về một căn bệnh thế gian hôm nay. Trong bài "Chân dung", mượn hình ảnh "hoa", "con sóc", "cá đuối"…, ông cũng lại "chọc" vào những mâu thuẫn trong mỗi cá nhân, cũng là những mâu thuẫn căn cốt trong cách nghĩ, cách sống của con người đương đại. "Mày bảo tao tươi như hoa/Mày héo thử chút biết là tại sao" (Hoa), "Mày khen tao chạy thật nhanh/Mày thử chậm chút nó băm mày liền" (Con sóc)… Những câu thơ lại gợi nhắc đến tâm trạng nhiều băn khoăn, hoang mang ở bài "Tôi muốn sống" của nhà thơ L.Sêrali: "Lúc đi đường, tôi cao chân rảo bước/ Cuộc sống ngăn: "Chớ vội!Sẽ rất phiền!"/Tôi nghe thế bước chậm hơn thong thả/Cuộc sống liền nhíu mặt "Bước nhanh lên!"…
Bên cạnh âm hưởng hài hước, trào lộng là chủ đạo thì chất dân gian cũng được tác giả khai thác để mở đề cho tác phẩm của mình như trong các bài "Ôn cũ", "Cơi trầu", "Con cò mà đi ăn đêm"… Cùng với cảm giác vừa quen vừa lạ của ca dao, dân ca lại vẫn thấy phía sau những chuyện nhân gian ấy là biết bao nỗi niềm: "Đàn ông nông cạn giếng thơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu/Giếng thơi chết được ai đâu/Anh hùng, vua chúa cơi trầu khó qua" (Cơi trầu), "Gió đánh cành tre, gió đập cành tre/Chú cò ngất ngưởng karaoke đầu làng" (Ôn cũ); "Trăm hoa đua nở mùa xuân/Cớ sao hoa hậu quanh năm nở hoài?".
Thì rằng ngụ ngôn hay "không phải ngụ ngôn" cũng không quan trọng nữa, miễn rằng tác giả tìm thấy một hình thức thoải mái để chuyển tải những day dứt, buồn vui với đời với người của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.