Sách

“Hà Nội những mùa cổ điển”

Đan Ngọc 18/01/2025 - 10:11

Mới đây, “Hà Nội những mùa cổ điển" của nhà văn Uông Triều đã lọt vào top 10 tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt năm 2024 do Báo Văn nghệ chọn. Cả cuốn sách là không gian hư hư thực thực bao quanh nhân vật Uông và cuộc đối đầu hoành tráng giữa hai vị vua nổi tiếng bậc nhất lịch sử nước Việt đồng thời cũng là hai kẻ thù không đội trời chung, Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ.

sach-1.jpg

Từ đầu đến cuối, nhà văn Uông Triều đã kéo độc giả chạy theo từng dòng chữ với mạch truyện căng nẩy, chắc nịch. Có thể ví “Hà Nội những mùa cổ điển" như một bộ phim điện ảnh được dựng lên bằng ngôn từ không cầu kỳ, hoa mỹ. Những con chữ thẳng và thật, đơn giản đến mức khiến người ta tưởng tác giả chẳng cần tốn chút công sức nào để nghĩ. Uông Triều không đặt ra cho mình bất cứ một giới hạn nào về thể loại mà để trí tưởng tượng dẫn dắt và cuối cùng cho ra đời một "bộ phim" đa sắc với đủ các yếu tố trinh thám, hành động, giả tưởng, lịch sử, tình cảm, hài hước.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh là Hà Nội năm 2022, sau đại dịch viêm phổi cấp. Trong đó, nhân vật chính là Uông, một nhà văn, một biên tập viên của tờ tạp chí “Văn hóa quân sự" và những mối quan hệ xung quanh anh đều bị kéo vào cuộc đấu của những người trở về từ quá khứ đầy quyền năng. Giả tưởng mà có khi không phải giả tưởng, lịch sử mà không hẳn lịch sử, hư cấu mà không phải hư cấu. Nhà văn đã gây nhiễu lý trí độc giả bằng chính việc chọn bối cảnh ở Hà Nội - mảnh đất hơn một nghìn tuổi thì “chuyện kỳ lạ gì cũng có thể xảy ra", bằng những hiện tượng có thật từng xuất hiện chưa ai lý giải được, bằng những câu chuyện tâm linh chỉ những người trong cuộc mới biết. Và đó cũng chính là lằn ranh hư thực mà Uông Triều đã lợi dụng để thỏa sức viết theo trí tưởng tượng vô biên của mình.

Ngoài ra, nhà văn Uông Triều cũng không ngại bóc trần những mảng tối trong nghề viết, nghề báo, đồng thời lồng vào những bài giảng, kinh nghiệm viết lách được chính tác giả đúc rút sau nhiều năm làm nghề. Do đó, “Hà Nội những mùa cổ điển" còn là một “kim chỉ nam” cho những người trẻ có đam mê viết lách muốn dấn thân vào con đường sáng tác văn chương.

Cuối cùng, tôi cho rằng thông điệp cốt lõi của “Hà Nội những mùa cổ điển” có liên quan tới câu hỏi “Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh - hai vị vua đầy quyền năng trở về từ quá khứ đại diện cho ai, cho điều gì?”. Phải chăng hai kẻ thù không đội trời chung này chính là ẩn dụ cho những phản ứng trái chiều của dư luận đối với một tác phẩm, một bài viết. Tiếng nói của dư luận có quyền năng lớn tới mức có thể khiến cuộc đời một nhà văn nổi tiếng trở nên khốn đốn hay vùi dập sự nghiệp đang phát triển của một người viết thậm chí có thể khiến tác giả phải mất mạng… Sự đan xen giữa hư và ảo, hiện thực và tưởng tượng, quá khứ và hiện tại khiến người đọc nếu không tỉnh táo sẽ bị cuốn trôi theo cuộc chiến của vua Gia Long và Quang Trung mà thực chất đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

“Hà Nội những mùa cổ điển" do Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hà Nội những mùa cổ điển”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.