Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện rào cản đầu tư

Anh Minh| 28/05/2011 05:36

(HNM) - Ngày 27-5, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam với chủ đề


Năm tháng qua nền kinh tế Việt Nam liên tục đối mặt với một số thách thức, như tình trạng lạm phát, nhập siêu, vấn đề tỷ giá, thị trường tài chính tiền tệ... Những yếu tố này trực tiếp tác động xấu đến đời sống KT-XH, đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, DN đang chịu ảnh hưởng nặng nề của lạm phát, chịu sức ép của sự tăng giá nguyên liệu đầu vào dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả. Ông Alain A. Barbu, quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam lưu ý, Chính phủ Việt Nam cần xác định việc tiếp tục cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh - đầu tư là yêu cầu quan trọng, vì sự phát triển trung, dài hạn. Vấn đề là làm sao duy trì được sức hấp dẫn với DN trong nước và giới đầu tư quốc tế để phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Một trong những mối quan tâm của giới đầu tư nước ngoài là việc cấp phép đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, mặc dù thời gian cấp phép đã giảm đáng kể từ năm 2005 đến năm 2009, nhưng sự tiến bộ này không được duy trì trong năm 2010. DN vẫn phải chịu đựng những lần "thất hẹn" của cơ quan chức năng, thậm chí có trường hợp phải chờ đợi hơn 3 tháng để hoàn tất các thủ tục liên quan đến sự hình thành, triển khai dự án mới. Một số DN còn phàn nàn về tính minh bạch của cơ quan quản lý. Tại Báo cáo Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh vừa công bố cho thấy 70% DN hoạt động xuất nhập khẩu phải có phí "bôi trơn" để được giải quyết nhanh thủ tục hải quan và chi phí ngoài luồng cũng là một tác nhân xấu làm nản lòng nhà đầu tư. Hơn nữa DN còn bức xúc với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực chậm cải thiện, thiếu điện, thiếu cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay và thực hiện vay vốn, các vấn đề liên quan đến thuế, đất đai và giải phóng mặt bằng… Riêng các DN nhỏ và vừa đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất, chủ yếu là do sự hạn chế về vốn.

Các DN ngoài quốc doanh mong muốn đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng, nhất là lĩnh vực xây dựng hạ tầng và dịch vụ công cộng. Bên cạnh đó, DN đề xuất tăng tốc độ cổ phần hóa DN, dành nhiều dự án cho DN tư nhân tham gia theo hình thức BOT, BT cũng như đảm nhận vai trò nhà thầu một cách rộng rãi hơn. Một số chuyên gia cũng đề cập vấn đề "nóng" là, hiện nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng Việt Nam trong 10 năm tới đạt khoảng 160 tỷ USD và sẽ là cơ hội để khu vực tư nhân tham gia đầu tư, nhất là thông qua mô hình hợp tác công - tư. Hiện nay, một số tổ chức tài chính quốc tế bắt đầu hỗ trợ về kỹ thuật và kinh nghiệm cho cơ quan chức năng để từ đó có thể triển khai các dự án hỗ trợ tài chính với DN trong nước tham gia mô hình này. Nếu sớm thực hiện những dự án như vậy tức là gỡ được "nút thắt" thiếu đồng bộ của hệ thống hạ tầng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện rào cản đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.