Xã hội

Nhận diện hành vi bạo lực trên cơ sở giới

Mai Hoa 16/08/2023 - 15:29

Không chia sẻ công việc gia đình, không chia sẻ trách nhiệm trong việc lao động kiếm tiền, ép phụ nữ phải sinh con trai, xâm phạm bí mật, thông tin cá nhân… đều là các biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới.

Ngày 16-8, tại huyện Đông Anh, 80 đại biểu đã tham dự hội nghị truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức.

Theo Trưởng phòng Tư vấn và Trợ giúp (Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội) Trịnh Thị Phương, thực tế những năm qua cho thấy, nạn nhân chủ yếu của bạo lực trên cơ sở giới là trẻ em và phụ nữ. Trong đó, có nhiều trường hợp nạn nhân bị bạo lực dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, thông qua chương trình này, Ban tổ chức mong muốn cung cấp kiến thức, kỹ năng để mọi người nhận biết và ứng phó tốt với bạo lực trên cơ sở giới.

giang-vien-tuong-tac-voi-hoc-vien.jpg
Giảng viên tương tác với đại biểu tham dự chương trình.

Tại chương trình, giảng viên Hoàng Hạnh Tâm đã thông tin các số liệu đáng báo động được nêu trong Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê, như: 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; mỗi năm có 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền…

Từ thực tiễn công việc tư vấn, trợ giúp, chuyên gia Hoàng Hạnh Tâm lưu ý: Có những hành vi lệch chuẩn, mang bản chất là bạo lực trên cơ sở giới, nhưng rất dễ bị coi nhẹ, như: Chồng ghen tuông vô cớ, đánh đập con cái để làm vợ đau, không cho tiếp xúc với con…

Đáng lưu ý, các hành vi, biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới dễ gặp như: Không chia sẻ công việc gia đình, không chia sẻ trong việc lao động kiếm tiền, ép phải sinh con trai; không sử dụng bao cao su theo yêu cầu của bạn tình; kiểm soát thời gian; xâm phạm bí mật, thông tin cá nhân…

Khi gặp sự cố, nạn nhân cần chia sẻ với người mình tin tưởng trong gia đình, hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ UBND, công an, hội phụ nữ, tổ hòa giải cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể, cá nhân như trưởng thôn, xóm…; hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng 0243.2233.111 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để được tư vấn, kết nối hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa, cần học tập, nâng cao kiến thức về giới, bạo lực trên cơ sở giới, nắm được các văn bản, quy định của pháp luật liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện hành vi bạo lực trên cơ sở giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.