(HNMO) - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ mong muốn Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là hoạt động khoa học thực thụ, giúp nhận diện chuẩn xác đặc tính văn hóa Hà Nội và xác định văn hóa như một thuộc tính để phát triển Thủ đô.
Chiều 7-2, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì buổi làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và một số sở, ngành, đơn vị về các nội dung liên quan đến công tác tổ chức hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá nhằm xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện, dự kiến diễn ra ngày 28-2 tới, là một trong những hoạt động nhằm phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Hội thảo hướng tới các mục tiêu hàng đầu là xác định rõ các đặc tính văn hóa Hà Nội; vấn đề khoa học và thực tiễn về các nội dung văn hiến, văn minh, hiện đại, tính khoa học trong quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội; đề xuất các giải pháp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Hội thảo cũng nhằm chuẩn bị luận cứ khoa học về triết lý phát triển, định hướng phát triển phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa Hà Nội.
Với mục tiêu nêu trên, Hội thảo tập trung phân làm rõ là 2 nội dung chính: Tinh hoa văn hóa Hà Nội và triết lý phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; định hướng, giải pháp huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các giá trị, nguồn lực văn hóa trong xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Trong đó, một số vấn đề cụ thể được ưu tiên như Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, các vùng văn hóa quan trọng: Văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài…; khôi phục, cải tạo, thiết kế cảnh quan hệ thống sông hồ và các di tích văn hóa liên quan; bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị khu phố cổ, phố cũ, làng cổ.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự chuẩn bị của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho hội thảo nhằm gợi mở và định hướng cho nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí khẳng định đây phải là hoạt động khoa học thực thụ, đề cao tính khoa học và tính dân chủ. Do đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cùng các Sở: Văn hoá và Thể thao, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… cần rà soát, bổ sung, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng khâu nội dung cũng như công tác truyền thông, hậu cần… để hội thảo đạt được mục đích là bước định hướng cho công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và các sở, ngành cho thấy các đơn vị đã sẵn sàng tổ chức thành công hội thảo. Đến thời điểm này, số lượng bài tham luận đủ chất lượng để tổ chức một hội thảo tầm quốc gia. Nội dung hội thảo nêu bật được mục đích: Nhận diện đặc tính văn hoá Hà Nội một cách chuẩn xác, xác định văn hoá như một thuộc tính để phát triển Thủ đô, qua đó, rút ra chỉ đạo về mặt tư tưởng, lý luận để thống nhất với các đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, lấy quan điểm này làm kim chỉ nam trong quá trình lập quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.