Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cuộc đua bán dẫn đã tăng tốc mạnh mẽ. “Hé lộ” về cuộc đua không khoan nhượng giữa các cường quốc nhằm kiểm soát thị trường bán dẫn toàn cầu, cuốn sách “Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21” đã được xuất bản.
Ngày 29-10, buổi tọa đàm “Chiến trường bán dẫn - Tương lai của các trung tâm bán dẫn toàn cầu" và ra mắt sách “Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21” đã được NXB Thông tin và Truyền thông cùng Công ty cổ phần Xuất bản khoa học và giáo dục Thời đại (TIMES) tổ chức tại Hà Nội.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc, một trong hai tác giả cuốn sách cho biết: “Nói về bán dẫn, nhiều người trong chúng ta hiện cảm thấy xa lạ, mặc dù chất bán dẫn vẫn tồn tại xung quanh chúng ta. Đã có một thống kê vào năm 2021 cho thấy, chúng ta có khoảng 1.400 tỷ các thiết bị bán dẫn, và không có gì liên quan đến thiết bị điện tử, liên quan đến điều khiển mà không có chất bán dẫn”.
Theo TS Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nước Mỹ, Nhật và Trung Quốc đều xem phát triển bán dẫn là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia. Với Mỹ, “tương lai của Mỹ đặt trên chất bán dẫn”. Liên minh châu Âu (EU) hướng tới mục tiêu tự chủ chiến lược, trong khi Trung Quốc đang tập trung xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và công nghệ. Trong bối cảnh đó, cuốn sách “Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21” của hai tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh xuất hiện rất đúng lúc.
Dày gần 500 trang, cuốn sách được chia thành 6 phần: “Bản đồ bán dẫn hiện nay: Tổng quan về ngành”, “Gác bỏ ảo tưởng và dựa vào chính mình: Chiến lược phát triển bán dẫn của Trung Quốc”, “Chuỗi giá trị bán dẫn tại Trung Quốc”, “Tương lai của nước Mỹ được xây dựng trên chất bán dẫn”, “Chính sách phát triển ngành bán dẫn của một số quốc gia và khu vực thời gian gần đây” và “Một bản đồ đang được vẽ lại”.
Không chỉ phân tích chi tiết cách thức mà các quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, cạnh tranh vị thế trong thị trường bán dẫn toàn cầu, mà cuốn sách còn hệ thống hóa những chiến lược và chính sách mà hai cường quốc này sử dụng để củng cố vị trí của mình trong ngành bán dẫn. Cuốn sách cũng nhấn mạnh cả những thất bại và bài học lớn giúp độc giả nhìn nhận rõ ràng về vai trò then chốt của “Nhà nước kiến tạo” và sự cần thiết của chiến lược dài hạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Đặc biệt, các tác giả cũng đưa ra những suy nghĩ về việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tự chủ đổi mới sáng tạo thích ứng được với một môi trường đang ngày càng thay đổi và nhận định rằng đây là thời điểm mà các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, cần nhanh chóng hành động để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Cuốn sách được xem là tài liệu tham khảo có giá trị cho các cơ quan hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu tại Việt Nam.
Tác giả Phạm Sỹ Thành nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Học viện Kinh tế, Đại học Nam Khai (Trung Quốc). Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề kinh tế vĩ mô và chiến lược của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tác giả Nguyễn Tuệ Anh tốt nghiệp Tiến sĩ với Giải thưởng Luận văn xuất sắc nhất, Sinh viên xuất sắc nhất, Giải nhất thuyết trình luận văn của Đại học Greenwich, London. Bà là chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chính sách công tại Vương quốc Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.