Israel đã phản đối mạnh mẽ việc Tây Ban Nha chủ trì tổ chức một hội nghị cấp cao giữa các nước châu Âu và các nước Arab, Hồi giáo về Palestine.
Thành phần tham dự bao gồm đại diện Liên minh châu Âu (EU), Tây Ban Nha, Ireland, Na Uy, Slovenia, Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Palestine, Tổng Thư ký Các tổ chức Liên đoàn Arab và Tổ chức hợp tác Hồi giáo. Bốn nước châu Âu nói trên đều vừa mới chính thức công nhận Nhà nước Palestine.
Những quốc gia Hồi giáo và Arab trên đều là thành viên của Nhóm tiếp xúc Arab - Hồi giáo về Dải Gaza. Israel không được mời tham dự.
Cuộc gặp gỡ này diễn ra khi cuộc chiến ở Dải Gaza giữa nhóm Hamas và Israel tiếp tục diễn ra quyết liệt. Trong khi đó, triển vọng ngừng bắn để kiếm tìm một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc chiến này vẫn rất xa vời. Hai vấn đề nội dung chính trên chương trình nghị sự của cuộc gặp này là chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza và giải quyết dứt điểm cuộc xung khắc giữa Palestine và Israel.
Các bên tham gia đều ý thức được rằng khu vực Trung Đông và vùng Vịnh chỉ có thể có được hòa bình, an ninh và ổn định lâu bền khi giải quyết được dứt điểm và ổn thỏa cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine. Tiến trình giải quyết vấn đề này và tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine vốn đã khó khăn, phức tạp và nhạy cảm giờ còn khó khăn, phức tạp và nhạy cảm hơn trước nhiều, bởi tác động của cuộc chiến tranh ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel.
Hiện có 3 cách tiếp cận cho việc giải quyết những vấn đề này. Thứ nhất là chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza trước và sau đó tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine. Thứ hai là đặt việc chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza vào trong tiến trình giải quyết cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine, tức là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề này. Thứ ba là giải quyết cuộc xung khắc giữa Palestine và Israel trước, từ đó giải quyết dứt điểm cả cuộc chiến tranh hiện tại.
Tác động đáng chú ý ở cách tiếp cận thứ ba này là dùng việc giải quyết tổng thể cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine để gia tăng áp lực hối thúc Hamas và Israel chấm dứt cuộc chiến tranh hiện tại; đồng thời tăng cường mạnh mẽ nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhằm thực hiện ý tưởng giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine với nội dung mấu chốt là hình thành Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại trong hòa bình với Nhà nước Israel.
Cuộc gặp vừa qua ở Tây Ban Nha giữa các nước châu Âu và các nước Arab, Hồi giáo sử dụng cách tiếp cận thứ ba này. Nội dung trọng tâm được ưu tiên hàng đầu ở sự kiện không phải là ngừng chiến và kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza mà thực hiện cái gọi là "Giải pháp hai nhà nước" nói trên.
Tất cả các bên tham gia cuộc gặp hiện đều không có được tiếng nói quyết định đối với cả việc ngừng chiến lẫn chấm dứt chiến tranh giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza. Nhưng họ đều theo đuổi chủ định gây dựng vai trò ngoại giao đáng kể như có thể được trong việc kiến tạo ngừng chiến và chấm dứt cuộc chiến tranh này. Và họ lại đều có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy để có được và triển khai thực hiện cụ thể giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine.
Đích xa hơn và bao trùm hơn để giải quyết cả chuyện gần và riêng rẽ là cuộc chiến giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.