Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Khát vọng trở về luôn có trong tôi

Thúy Đinh| 02/09/2022 07:45

(HNMCT) - Đã hơn 10 năm qua, chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi”, diễn ra vào dịp Quốc khánh 2-9, gắn liền với sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Như lời hẹn với mùa thu Hà Nội, những ngày này vị nhạc trưởng nổi tiếng lại từ Macedonia trở về quê nhà, chuẩn bị mang đến cho công chúng yêu nhạc những tác phẩm thuần Việt, những giá trị được khẳng định qua thời gian.

Năm nay, chủ đề chương trình “Điều còn mãi” là “Khát vọng Việt Nam”. Với nhạc trưởng Lê Phi Phi, sau những thời khắc sinh tử bởi dịch bệnh Covid-19, đó còn là khát vọng được trở về.

- Thưa nhạc trưởng Lê Phi Phi, với chủ đề “Khát vọng Việt Nam” chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” năm nay có gì mới mẻ?

- Các tác phẩm đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng về một Việt Nam vươn lên. Mặc dù những tác phẩm ấy được viết cách đây mấy chục năm nhưng nó luôn mang dấu ấn về tình yêu với Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước... Có những tác phẩm mới như “Con cò” do nhạc sĩ Quốc Trung phối khí với âm thanh mới, hình thức mới. Một tác phẩm khác "tương đối trẻ": “Sống như những đóa hoa”, của Tạ Quang Thắng. Khi được nghe và tìm hiểu về bài hát này, tôi nhận thấy ở đó sự yêu đời, tính tích cực của một người trẻ. Mặc dù anh không tham gia chương trình được nhưng tôi đã mời ca sĩ trẻ Mỹ Anh thể hiện tác phẩm này, cô ấy có phong cách trẻ trung, từ cách nhả lời, rung giọng, nhấn nhá câu từ hoàn toàn khác với những thế hệ trước. Tôi nghĩ rằng đó là những điểm mới mà chúng ta nên đón nhận, thưởng thức theo một tư duy mới.

- Trong các chương trình “Điều còn mãi” trước đây, phần khí nhạc khá dày dặn. Tuy vậy, năm nay, phần thanh nhạc lại nhiều hơn?

- Năm nay, tác phẩm khí nhạc có thời lượng gần 1/3 chương trình. Với khí nhạc, ngoài yếu tố nội dung thì chúng tôi cũng cân nhắc về thời lượng. 3 tác phẩm khí nhạc mà chúng tôi chọn cho chương trình năm nay cũng là có ý đồ. “Người về đem tới niềm vui” là tác phẩm phối khí cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Trọng Bằng, được chọn để mở đầu cho chương trình. Kết thúc chương trình là tác phẩm khí nhạc “Người là niềm tin tất thắng”. Tác phẩm “Xe chỉ luồn kim” mang âm hưởng dân gian do dàn nhạc giao hưởng chơi sẽ mang một tinh thần mới. Tôi nghĩ, 3 tác phẩm khí nhạc là vừa đủ và phù hợp với chủ đề chương trình năm nay.

- Chương trình sẽ dành một phần để tôn vinh đội ngũ y, bác sĩ. Đó là 2 bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Hoa huệ trắng” và “Bài ca người chiến sĩ áo trắng”?

- Tôi muốn dựng lại 2 tác phẩm của bố mình nhằm tôn vinh những cống hiến của các y, bác sĩ cho đất nước, đặc biệt là trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Hai ca khúc được ông sáng tác từ những năm 1960, 1970, qua cảm xúc của mẹ tôi - cũng là một bác sĩ. Tôi nghĩ rằng hai tác phẩm ấy xứng đáng được giới thiệu trong chương trình này.

- Chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” dù đã đồng hành cùng công chúng yêu nhạc hơn 10 năm nhưng theo nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet, thì dường như các anh vẫn phải “ăn đong” theo từng năm. Theo anh, làm thế nào để duy trì và xây dựng thương hiệu cho một chương trình với tầm quốc gia?

- Tôi quan niệm rằng một chương trình ở tầm quốc gia thì nên xây dựng quỹ hằng năm, để cho những người thực hiện có được sự chủ động tối thiểu. Để tổ chức một chương trình nghệ thuật thì không chỉ cần kinh phí cho dàn nhạc, nhà hát, mà còn có rất nhiều khoản chi cho phần âm thanh, ánh sáng... Điều chúng tôi mong muốn là có quỹ thường xuyên cho chương trình và thực hiện xã hội hóa để có tài trợ. Đó là điều vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng chương trình. Chất lượng không chỉ đơn giản là âm nhạc mà còn có cả yếu tố thị giác, thính giác. Chúng ta có kinh phí dồi dào thì sẽ làm được những điều hay hơn, tốt hơn.

Khi xây dựng chương trình “Điều còn mãi”, tôi luôn nói với mọi người rằng cần phải đổi mới. Tôi rất hy vọng đó sẽ là tiêu chí của chương trình trong tương lai. Tôi rất muốn đưa nhạc rap, rock và phối hợp với bolero trong chương trình này. Đó là sự đa dạng của âm nhạc, văn hóa, xã hội...

- Trở về làm chương trình lần này có gì khác với những lần trở về trước đây của anh?

- Khát vọng trở về luôn có trong tôi. Sau dịch Covid-19 thì khát vọng đó càng mạnh mẽ hơn. Đầu tiên là khát vọng trở về với mẹ, mẹ tôi năm nay đã gần 90 tuổi. Sau dịch Covid, tôi nhận ra rằng không có gì quan trọng hơn sức khỏe, gia đình là trên hết chứ không phải là tiền bạc hay sự nghiệp. Hồi trẻ, tôi có thể cùng lúc làm cho ba nơi, rồi đi dạy, biểu diễn, luôn luôn phấn đấu để có vị trí xã hội, sự nghiệp tốt... Nhưng bây giờ, tôi cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, sau đó là gặp gỡ anh em, bạn bè mỗi khi về Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn nhạc trưởng Lê Phi Phi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Khát vọng trở về luôn có trong tôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.