(HNM) - Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vừa thực hiện chương trình lưu diễn tại Nhật Bản.
Sau khi chuyến lưu diễn kết thúc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhạc trưởng Honna Tetsuji, người đã chỉ huy dàn nhạc trong suốt hành trình lưu diễn tại một loạt thành phố lớn như Yokohama, Koriyama, Osaka, Nagoya, Tokyo, Nara.
- Ông có thể cho biết về mục đích của chuyến lưu diễn này?
- Thông qua giao hưởng, chúng tôi muốn người dân Nhật Bản có cơ hội lắng nghe và biết đến một Việt Nam đang đổi thay nhanh chóng. Ngược lại, các nhạc công Việt Nam cũng có điều kiện khám phá điều thú vị từ đất nước và con người Nhật Bản.
- Trong những ngày qua, thính giả Nhật Bản đã phản hồi như thế nào về chất lượng trình diễn của dàn nhạc?
- Họ đều rất cảm động khi các nhạc công Việt Nam trình diễn, điều đó khiến tôi thực sự xúc động. Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước là một dịp để các nhạc công hai nước giao lưu, gắn bó mật thiết hơn nữa. Tôi hy vọng là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ có thêm động lực để trình diễn tốt hơn, phục vụ đông đảo công chúng yêu nhạc giao hưởng.
- Ông có thể chia sẻ cảm nhận về đời sống âm nhạc ở Việt Nam, đặc biệt là nhạc giao hưởng?
- Tôi có 13 năm hoạt động âm nhạc ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội. 5-6 năm trở lại đây, có khá nhiều quốc gia tham gia vào quá trình phát triển dòng nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam. Trước đây, việc trình diễn nhạc giao hưởng ở Việt Nam chỉ giới hạn ở những bản nhạc nhất định, ví dụ như Tchaikovsky với Symphony No.5, Beethoven với “Bản giao hưởng định mệnh” và đôi khi là Symphony No.7. Sau này, số lượng đã tăng lên, điều đó thật tuyệt vời. Và rồi các bạn đã diễn tấu được những tác phẩm kinh điển như Symphony từ No.1 đến No.9 của Beethoven, Brahms No.1 đến No.4, Schubert từ No.1 đến No.8 và toàn bộ các bản nhạc của Mahler.
Về chuyên môn, các nhạc công Việt Nam đã nỗ lực bằng nhiều cách, nhưng tôi thấy số nhạc công giỏi hay những người có khả năng chuyên sâu về âm nhạc cổ điển tham gia công tác giảng dạy còn rất ít.
- Nhạc trưởng đánh giá thế nào về khả năng của các nhạc công Việt Nam?
- Như tôi đã đề cập, số bản nhạc cổ điển được trình diễn ở Việt Nam ngày càng nhiều và chất lượng chuyên môn ngày một nâng cao. Ngoài ra, các nhạc công Việt Nam cũng có điều kiện trình diễn các tác phẩm hiện đại của Việt Nam và Nhật Bản. Việc trình diễn nhiều loại hình giúp các nhạc công tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức, khả năng cảm thụ và trình diễn cũng được cải thiện đáng kể.
- Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian ở Việt Nam?
- Năm nào chúng tôi cũng đi lưu diễn, từ miền Bắc tới miền Nam. Một lần, đi bằng tàu hỏa, chúng tôi ở trong toa có 3 tầng giường, tính cả trẻ em đi cùng thì tất cả có 8 người. Khi tàu dừng ở một ga, chúng tôi cùng mua cơm. Đến giờ ăn, mọi người quây hành lý thành một cái bàn rồi cùng nhau ăn uống. Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi nghĩ mình thật hạnh phúc khi được đặt chân đến Việt Nam. Ở Nhật Bản, Châu Âu hay Mỹ, một dàn nhạc dù có khả năng trình diễn tập thể tốt đến đâu thì cũng không thể có được sự gắn kết theo kiểu gia đình như vậy. Suốt chuyến đi dài ngày ấy, hôm nào chúng tôi cũng ăn uống vui vẻ cùng nhau. Kỷ niệm thật tuyệt vời và tôi cứ ước ao là quãng thời gian ấy kéo dài mãi... Nhưng, kỷ niệm của tôi ở Việt Nam còn nhiều lắm!
- Điều gì đã giữ chân ông ở lại Việt Nam lâu đến vậy?
- Quả thật là có nhiều điều tôi thấy tâm đắc khi ở Việt Nam. Đầu tiên là phong cảnh, đến bất cứ đâu tôi đều cảm thấy dễ chịu. Ở Việt Nam chẳng có nơi nào lạnh lẽo và u ám. Qua từng địa phương, con người và cảnh vật có sự khác biệt rõ rệt nhưng luôn có điều gì đó rất đỗi thân thương, ấm áp. Tôi rất yêu mến người Việt Nam, năm tháng có qua đi thì thứ tình cảm ấy vẫn không hề thay đổi trong tôi. Người Việt Nam luôn mang trong mình một trái tim mến khách.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Chuyến lưu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam có sự hỗ trợ của Toyota Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài nhạc trưởng Honna Tetsuji, chương trình có sự tham gia của NSND Lê Khanh trong vai trò người kể chuyện và nghệ sĩ piano nổi tiếng người Nhật Kodama Momo. Trong số tác phẩm được giới thiệu với khán - thính giả Nhật Bản, đáng chú ý là bản chuyển soạn bài dân ca quan họ Bắc Ninh "Vào chùa" của NSƯT Ngô Hoàng Quân - tác phẩm được biểu diễn ngay trước tượng phật tại ban thờ chính của chùa Todaiji (Nara) trong đêm diễn cuối ngày 1-10. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.