Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Thế Hiển: Đã là nghệ sĩ thì phải cống hiến không ngừng nghỉ

Bảo Châu| 23/04/2022 17:54

(HNMCT) - Thật khó có thể đoán được tuổi của nhạc sĩ Thế Hiển, bởi ông lúc nào cũng tươi cười, cởi mở, tràn đầy năng lượng với âm nhạc và cuộc đời. Trên sân khấu, ông để lại ấn tượng với lối biểu diễn máu lửa, sôi động, còn các sáng tác của ông được đánh giá là mang phong cách nhạc nhẹ mang âm hưởng dân ca dễ đi vào lòng người.

1. Những lần nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thế Hiển ra Thủ đô biểu diễn, tôi vẫn thường gặp và cảm nhận được tình yêu lớn mà ông dành cho mảnh đất này. 

Với Thế Hiển, Hà Nội tuy không phải là quê hương nhưng là nơi gắn với những hoài niệm khó quên, nơi ông có những người đồng nghiệp thân thiết, nơi ông đã từng ở lại đón Tết để cảm nhận một cái Tết ngoài Bắc lành lạnh, không khí mùa xuân vui tươi, rộn ràng khiến người nhạc sĩ vốn quen với cái nắng nóng phương Nam xuyến xao, nhung nhớ. Hà Nội là thành phố mang lại nhiều cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ và là mảnh đất đi vào sáng tác nhiều nhất trong các tỉnh, thành phố ở nước ta. Nhạc sĩ Thế Hiển cũng đã đóng góp vào “kho tàng” ấy 2 ca khúc rất đáng chú ý “Hà Nội nhớ” (phổ thơ Trương Nam Hương) và “Hà Nội mùa đông” (phổ thơ Đỗ Nam Cao).

Nếu như “Hà Nội nhớ” là nỗi nhớ cồn cào, da diết của ông về mảnh đất ngàn năm văn hiến với những ký ức rất riêng thì “Hà Nội mùa đông” lại nói đến một mùa cụ thể của Hà Nội với những đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có: “Người im xe điếu tay cầm/ Nuốt vào khói nước trầm trầm trong mưa/ Tường rêu góc phố ai chờ/ Cành bàng khô những gió mùa lượn quanh/ Hồ Gươm ghế đá vắng tanh/ Chiều Cổ Ngư nắng tắt nhanh trên đường...”. Có thể nói, đó đều là những ca khúc gửi gắm biết bao ân tình của những người không sinh sống ở Hà Nội nhưng nhớ về Hà Nội bằng những rung cảm sâu thẳm từ con tim. Và, khi nghe nhạc sĩ Thế Hiển ôm cây đàn guitar nghêu ngao hát hai ca khúc này thì những người sinh sống ở Hà Nội sẽ càng trân trọng hơn những giây phút được sống, được gắn bó với từng con đường, góc phố Thủ đô.

2. Những ngày này, nhạc sĩ Thế Hiển đang đón niềm vui lớn khi có tên trong danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Với ông, đó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao. Ông quan niệm, đã là nghệ sĩ thì phải cống hiến, cống hiến không ngừng nghỉ, các sáng tác và công việc biểu diễn phải hướng đến cộng đồng nhiều hơn, và điều quan trọng là phải giữ được tình cảm của công chúng dành cho mình.

Trong chương trình đêm giao thừa Tết Nhâm Dần vừa qua, khán giả truyền hình vẫn thấy ông biểu diễn bài hát “Nguyện theo bước chân Người” do chính ông sáng tác. Ca từ giàu ý nghĩa cùng với giọng hát truyền cảm, hào hùng của ông đã khắc họa nên con đường mà Bác Hồ đã đi và thế hệ hôm nay nguyện theo con đường mà Người đã chỉ ra: “Là ánh sáng soi đường thoát qua bao lầm than/ Là chân lý rạng ngời dẫu muôn ngàn sóng gió/ Người dâng hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân/ Niềm mong ước của Người cho độc lập, cho tự do...”.

Thế Hiển là một trong số không nhiều nhạc sĩ vừa có khả năng biểu diễn vừa có khả năng sáng tác mà lĩnh vực nào cũng có được thành công. Trong lĩnh vực sáng tác, ông ghi dấu ấn với nhạc phong trào, tình ca, tác phẩm ca ngợi tình bạn, tình yêu trẻ thơ, tình mẫu tử, tình đồng đội... Nhiều lần tâm sự, ông bảo mình từng biểu diễn ở khắp nơi trên dải đất hình chữ S và có mặt ở khắp các chiến trường, các đơn vị bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong cùng những người thầy của mình như NSND Quốc Hương và các NSƯT Thanh Trì, Mỹ An, Quốc Trụ...

Vào những năm 1980, thời gian ông ở rừng nhiều hơn là ở thành phố. Mỗi chuyến đi đều cho ông cảm xúc về quê hương đất nước, sự gian khổ của bộ đội, thanh niên xung phong và những nỗ lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ hiến dâng cho Tổ quốc. Chính bởi vậy mà ca khúc của ông đều mang cảm xúc của những chuyến đi. Chẳng thế mà giới truyền thông gọi ông là "người viết nhật ký bằng âm nhạc”.

Sáng tác hàng trăm ca khúc nhưng khi nhắc đến nhạc sĩ Thế Hiển, sẽ là thiếu sót nếu không điểm tên “Hát về anh” và “Nhánh lan rừng” - hai ca khúc về đề tài người lính được nhiều thế hệ khán, thính giả yêu thích, đặc biệt là những ai từng có mặt ở chiến trường. “Hát về anh” được ông sáng tác năm 1983, trong chuyến công tác phục vụ bộ đội ở Quảng Ninh. Đó là cảm xúc rung lên của chàng ca sĩ trẻ chứng kiến sự hy sinh quá đỗi lớn lao của các chiến sĩ chỉ ngang tuổi mình: “Một ba lô, cây súng trên vai/ Người chiến sĩ quen với gian lao/ Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ/ Nặng tình quê hương canh giữ trên miền đất mẹ...”.

Còn “Nhánh lan rừng” ra đời sau đó 3 năm, tại Mặt trận 479 (Campuchia), là biểu tượng của tinh thần bền bỉ, thuần khiết của người lính luôn lạc quan và ước vọng về một cuộc sống hòa bình, sum họp. Sự yên bình, lãng mạn của người lính khi ngắm nhánh lan rừng nở rộ đối lập hoàn toàn với hiểm nguy cận kề nơi chiến trường đã làm Thế Hiển xúc động.

Nhánh lan rừng được các anh nâng niu bởi đó là món quà mà các anh dành tặng cho người thân khi trở về, mang theo biết bao tâm tình. Nốt nhạc tuôn trào như hương thơm tỏa ngát của loài lan rừng: “Về thăm thành phố/ Náo nức mùa xuân/ Ba lô trên lưng mang theo nhánh lan rừng/ Có người chiến sĩ/ Áo vương bụi đường xa/ Đi giữa dòng người qua phố phường...”.

3. Bên cạnh vai trò nhạc sĩ, Thế Hiển còn biết đến là nhà hoạt động xã hội khi có tới 5 nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Bởi thế, ông còn có một số ca khúc sáng tác về đề tài xã hội, về những nạn nhân chất độc da cam, những đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ, người dân bị thiên tai bão lũ... với sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc. Rắn rỏi, can trường trong chiến tranh nhưng ông cũng là người dễ rơi nước mắt trước những phận đời kém may mắn. Phải nói, ông là người có trái tim nhân hậu, đa cảm và giàu cảm xúc. Ông hy vọng ca khúc của mình sẽ giúp họ vượt qua mặc cảm, sự tự ti, luôn lạc quan và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp phía trước.

Tự nhận là người nghệ sĩ “ba không” (không ra album, không in tập nhạc và không có scandal), ông chọn cách sống không bon chen, không xô bồ. Ông quan niệm, ca khúc hay thì sẽ đến và sống được trong lòng khán giả theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”, không cần tác giả phải “thổi” lên nữa. Với ông, một nghệ sĩ chân chính thì không nên dùng scandal để đánh bóng tên tuổi, hãy để khán giả nhớ đến mình qua sáng tạo nghệ thuật. Vô tư, lạc quan nên khi gặp nỗi buồn nào đó ông đều cố gắng suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Ông không giận hờn ai và cũng không làm ai giận hờn mình. Đó dường như là “bí quyết” để tác giả “Hát về anh” giữ được sự trẻ trung, để ông luôn ngân nga câu hát làm đẹp cho cuộc sống này.

Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển (tên đầy đủ là Lại Thế Hiển) sinh năm 1955 tại thành phố Hồ Chí Minh, quê gốc ở Nam Định. Ông từng công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Ông được phong danh hiệu NSƯT năm 2012. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, như "Hát về anh”, “Nhánh lan rừng”, “Tóc em đuôi gà”...

Gần đây nhất, vào năm 2020, ông giành Giải C trong cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu mang tên “Mãi mãi một tình yêu” năm 2020, do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với ca khúc “Nguyện theo bước chân Người”... Với những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật, ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Thế Hiển: Đã là nghệ sĩ thì phải cống hiến không ngừng nghỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.