(HNMCT) - Là một trong những nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu hiện nay, nhạc sĩ Quốc Trung - người sáng lập Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Festival), luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các ban nhạc, nghệ sĩ trẻ. Trao đổi với Hànộimới Cuối tuần, anh giải thích rằng sở dĩ vậy là bởi anh muốn dành cho người trẻ cơ hội tỏa sáng, cũng chính là tạo thêm những màu sắc mới lạ cho âm nhạc Việt.
- Thưa nhạc sĩ Quốc Trung, là người thường xuyên làm việc với các ban nhạc trẻ, anh đánh giá thế nào về các nghệ sĩ trẻ hiện nay?
- Âm nhạc Việt Nam chưa có sự giao thoa mạnh mẽ với bên ngoài nên các nghệ sĩ trẻ bị hạn chế nhiều về kiến thức, cơ hội. Các nghệ sĩ trẻ gần như không có cơ hội biểu diễn dù họ có luyện tập hay có những sản phẩm âm nhạc chỉn chu đi chăng nữa. Rất ít nhà sản xuất dám giới thiệu nghệ sĩ trẻ trong những buổi biểu diễn, nhất là những buổi biểu diễn quy mô lớn hay những chương trình biểu diễn có bán vé. Những gương mặt mà chúng ta vẫn thấy trong đời sống âm nhạc hầu hết bước ra từ các show truyền hình thực tế. Điều đó tạo nên thị trường âm nhạc một màu, không có sự phong phú, đa dạng về thể loại âm nhạc, không có những cá tính mới. Tôi cảm giác rằng âm nhạc của chúng ta trong 30 - 50 năm qua không thay đổi nhiều, chủ yếu là ca sĩ lên sân khấu hát, sản phẩm âm nhạc là MV. Các ban nhạc trẻ nhen nhóm rồi lụi tàn vì không có điều kiện phát triển. Tất nhiên, muốn phát triển thì phải có thị trường, môi trường tốt, nhưng chính bản thân nghệ sĩ cũng cần có định hướng chuyên nghiệp và sáng tạo trong cách giới thiệu âm nhạc của mình đến với khán giả.
- Tuy không có nhiều cơ hội nhưng ưu điểm của các bạn trẻ chính là năng lượng, đam mê?
- Các bạn trẻ thường có một câu trả lời chung khi được hỏi mục đích đến với âm nhạc, đó là đam mê. Các bạn theo đuổi đam mê, nhưng khi đam mê mà chưa gặt hái được thành quả thì các bạn hay bị nản. Do vậy, chúng ta phải định hướng cho các bạn ấy hình dung về con đường sự nghiệp, không có gì là nhanh chóng cả. Còn nếu người nào đạt thành công dễ dàng, nhanh chóng thì dễ mất đi sự kiên trì. Điều quan trọng nhất là biết chấp nhận mặt trái trong sự lựa chọn của mình, để sẵn sàng đón nhận. Đó là việc khó với người trẻ.
- Là người sáng lập Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Festival) - một thương hiệu âm nhạc có sự tham gia của rất nhiều ban nhạc trẻ trên thế giới, anh thấy đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa các nghệ sĩ trẻ thế giới và Việt Nam?
- Tôi từng tham gia làm việc với các nghệ sĩ nước ngoài, nhận thấy rằng ngoài trình độ, sự chuyên nghiệp, tính bài bản, cường độ làm việc của họ cũng hơn nghệ sĩ Việt Nam rất nhiều. Thời gian của họ dành cho âm nhạc thường gấp 2 - 3 lần so với nghệ sĩ Việt Nam. Bản thân tôi cũng phải làm việc mười mấy tiếng một ngày mới đạt được hiệu quả mà mình muốn. Nếu các bạn chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, tuần 1 - 2 buổi tập thì không thể đạt đến cái gọi là tài năng âm nhạc.
Thế mạnh duy nhất của các nghệ sĩ Việt Nam hiện nay là yếu tố lạ. Chúng ta ít được biết tới, ít có sự giao lưu nên nếu giới thiệu bạn từ Việt Nam đến thì có thể họ sẽ chú ý vì mới lạ. Nhưng cơ hội duy nhất ấy cũng chỉ thành công nếu bạn thực sự tài năng, bắt kịp xu hướng âm nhạc thế giới. Các ban nhạc trên thế giới phát triển rất nhanh. Ví dụ như tại Great Escape Festival - liên hoan âm nhạc dành cho các ban nhạc trẻ ở Anh mà Monsoon hợp tác trong 5 năm qua, các ban nhạc tham gia cũng trẻ như các ban nhạc Việt Nam nhưng bạn sẽ thấy họ rất trưởng thành về âm nhạc, về tư duy biểu diễn. Có những ban nhạc tham gia Festival và chỉ 2 - 3 năm sau đã nổi tiếng ở châu Âu.
- Vậy, theo anh, cái cần nhất trước mắt để hỗ trợ các nghệ sĩ, đặc biệt là các ban nhạc trẻ, là gì?
- Đó chính là cơ hội. Chúng tôi muốn mang đến cho các bạn trẻ cơ hội biết chúng ta là ai, chúng ta đang ở đâu, chúng ta có gì, để từ đó có sự tự tin và quan trọng nhất là biết phải làm việc như thế nào để đạt được những tiêu chuẩn mà các thị trường phát triển đòi hỏi, công chúng đòi hỏi.
- Đó cũng là lý do mà anh và Monsoon tham gia vào dự án LiveSpace Vietnam - dự án tìm kiếm tài năng âm nhạc do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace vừa khởi xướng?
- Gần đây, trong đời sống âm nhạc Việt, một số nghệ sĩ, nhóm nhạc như Chillies, Ngọt, Lộn xộn band, Da LAB... bắt đầu có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc và dần được biết tới. Chính vì thế, Monsoon rất vui được tham gia vào dự án của Viện Pháp để tạo ra cảm hứng cũng như sự tự tin cho các nhóm nhạc trẻ, để các bạn tìm thấy nhiều cơ hội hơn trong đời sống. Hy vọng rằng những chương trình như vậy sẽ giúp ích cho đời sống âm nhạc Việt nhiều hơn, tạo ra nhiều cơ hội giao lưu với âm nhạc thế giới.
- So với các sân chơi âm nhạc trên truyền hình dành cho giới trẻ, dự án này có gì đặc biệt? Anh có kỳ vọng gì vào sân chơi này?
- Truyền hình có những show được dàn dựng để tạo nên sự hấp dẫn với khán giả, còn ở đây, sự hấp dẫn đến một cách tự nhiên từ âm nhạc, nghệ sĩ, không có chiêu trò. Chúng tôi muốn tạo ra một đường dẫn từ ban nhạc trẻ tới khán giả, tạo cơ hội cho họ giới thiệu âm nhạc và thông qua các workshop để họ có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng, hoàn thiện sản phẩm âm nhạc của mình.
Mình không thể kỳ vọng một dự án có thể thay đổi cả một nền công nghiệp âm nhạc, vì công nghiệp âm nhạc đòi hỏi sự tương hỗ gắn kết của những ngành nghề khác nhau. Chúng tôi mong muốn tạo ra nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ, tạo một sân chơi để các bạn ấy có thể bộc lộ hết khả năng của mình. Nếu chỉ trông chờ vào sân chơi trên truyền hình thì chúng ta sẽ chỉ có các ca sĩ theo một khuôn mẫu hạn chế, có thể gây nhàm chán. Cần có những sân chơi cho các thể loại âm nhạc khác, cho các nghệ sĩ phong cách khác... Qua những sân chơi mới mẻ, chúng tôi muốn tạo cảm hứng cho các bạn trẻ, giúp họ tìm được cơ hội và phương thức để có thể giới thiệu âm nhạc của mình rộng rãi hơn, tạo nên thói quen mới cho công chúng thưởng thức âm nhạc.
- Đến nay Monsoon đã trở thành một thương hiệu âm nhạc uy tín. Anh có sẵn lòng dành cho các ban nhạc trẻ trong nước một sân khấu riêng trong festival âm nhạc này?
- Có thể từ mùa Monsoon tới, chúng tôi sẽ tạo ra sân khấu mới cho các nghệ sĩ trẻ. Đối với các bạn trẻ hiện nay, việc có một sân khấu được chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp chỉ là ước mơ, nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra là thúc đẩy sự phát triển để xóa bỏ hạn chế đó. Chúng tôi muốn tạo cảm hứng cũng như điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ tự tìm cho mình nhiều cơ hội giới thiệu những sản phẩm mới. Tham gia Monsoon, các bạn sẽ được làm việc với ê kíp chuyên nghiệp, giao lưu với các ban nhạc khác, và quan trọng là có thêm cảm hứng khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
- Ngoài sự hỗ trợ từ phía Monsoon, theo anh, lực lượng nghệ sĩ trẻ cần thêm điều gì nữa?
- Có một lượng lớn các bạn trẻ cần được hỗ trợ về nhiều mặt, nên thật sự cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành quản lý. Chúng ta muốn hỗ trợ nghệ sĩ trẻ thì trước tiên cần có một chiến lược phát triển ngành, việc cần nhất là tạo cho các bạn ấy cảm hứng và sự sáng tạo để tìm các cơ hội. Nhưng điểm mấu chốt vẫn phải là tự thân các bạn cố gắng. Cơ hội không tự tìm đến mà chúng ta phải tự tạo ra hoặc chủ động tìm kiếm cơ hội. Những người đi trước có thể tạo cơ hội cho các bạn, có thể là những địa điểm, mô hình biểu diễn khác nhau, nhưng chính các bạn trẻ cũng phải tự tìm kiếm động lực phát triển âm nhạc của mình.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.