Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và những ca khúc không thể nào quên

Hải Dương| 25/07/2021 05:25

(HNMCT) - Với phong cách âm nhạc có tiết tấu đơn giản, không quá mang tính học thuật nhưng hội đủ tinh hoa, chắt lọc từ cảm xúc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ghi dấu ấn trong lòng người nghe bằng nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Đặc biệt, trong những ngày tháng 7 này, nghe lại một số ca khúc quen thuộc của ông, như “Bài ca không quên”, “Đất nước”, “Tiếng gọi từ lòng đất”..., mỗi người lại cảm thấy thấm thía về sự hy sinh mất mát lớn lao của thế hệ cha anh để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (bìa trái) trong chương trình “Bài ca không quên” của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam dịp 22-12-2020.

1. Dịp 22-12 năm ngoái, tôi được gặp nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong chương trình nghệ thuật mang tên “Bài ca không quên” - chương trình hòa nhạc thường niên suốt 5 năm qua của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Cùng với một số ca khúc "đi cùng năm tháng" khác như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên ngàn”, “Du kích sông Thao”..., ca khúc “Bài ca không quên” của ông được vang lên sang trọng, hào sảng trong ngôn ngữ giao hưởng. Người nhạc sĩ với mái tóc bạc trắng chăm chú lắng nghe từng tiết mục và đến cuối chương trình, khi “Bài ca không quên” vang lên, ông đã không cầm được nước mắt. Hôm ấy, ông xúc động chia sẻ: “Cùng là bản nhạc ấy nhưng các nhạc sĩ hôm nay có thể phối khí lại để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của giới trẻ”.

Với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, “Bài ca không quên” như một cuốn nhật ký bằng âm nhạc ghi lại những năm tháng hào hùng của ông và đồng đội. Ca từ và giai điệu như một lời tự sự, tự vấn, tự trách mình, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người về một thời kỳ gian khó mà chúng ta không được phép lãng quên. Có một điều khá thú vị là “Bài ca không quên” được ông sáng tác theo “đơn đặt hàng” cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông - phát sóng năm 1982. Bộ phim nói về cảm giác của một người lính trở về từ cuộc chiến, được sống trong sung sướng, đủ đầy lại bâng khuâng nhớ về những năm tháng cùng đồng đội "vào sinh ra tử". Số phận đã lựa chọn Cẩm Vân là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này, và nó đã gắn liền với tên tuổi của chị trong suốt gần 40 năm qua. Việc thể hiện thành công ca khúc, như chị từng chia sẻ, đã khiến chị “không bỏ nghề hát để đi bán tôm và hiểu ra rằng, mình có một thứ “trời cho” mà có tiền cũng không thể mua được...”.

2. Nếu như với “Bài ca không quên” nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành thì ca khúc “Đất nước” đã "ngốn" mất một năm trời của ông. Mặc dù đồng cảm với lời thơ tình cảm, hùng tráng, ngôn ngữ dịu dàng, đằm thắm rất Việt Nam từ bài thơ “Đất nước tôi” của nhà thơ Tạ Hữu Yên, thế nhưng khi bắt tay phổ nhạc, Phạm Minh Tuấn không thể chuyển tải điều đó vào trong khuông nhạc. Phải mất một năm “nâng lên đặt xuống” ông mới cảm thấy ưng ý với bản nhạc của mình. Ngọc Tân là người đầu tiên thể hiện ca khúc và với giọng hát giàu cảm xúc của mình, anh đã lan tỏa nó khắp các tỉnh phía Nam. Đến năm 1988, ca sĩ Thế Hiển "mang" ca khúc ra Hà Nội biểu diễn đã thực sự tạo nên cơn bão lòng trong khán giả phía Bắc.

Hình ảnh người mẹ Việt Nam lồng trong dáng hình đất nước được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đưa vào khuông nhạc một cách uyển chuyển, qua các chi tiết: “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”, “câu hò”, “tiếng sáo”... Đặc biệt với lời ca: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về mình mẹ lặng im...”, ông đã khắc họa sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam từ trong ca dao đến ngoài đời thực. Đó là trách nhiệm của những người đang sống đối với các bà mẹ có con ra đi mãi mãi không về. “Nhà thơ Tạ Hữu Yên viết “Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về nhà mẹ ba gian”. Hình ảnh “nhà ba gian” gợi nhớ đến việc người mẹ lủi thủi ra vào lặng lẽ không có ai tâm sự khi mà ba đứa con lên đường thì có đến hai con đã không trở về. Khi viết nhạc, tôi đã sửa thành: “Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về mình mẹ lặng im” cho ca sĩ dễ hát mà ý nghĩa vẫn tương tự như vậy”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ.

3. Một ca khúc nữa về chủ đề thương binh, liệt sĩ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác năm 2016 cũng gây được sự xúc động mạnh với người nghe, đó là “Tiếng gọi từ lòng đất”. Ca khúc này ra đời sau chuyến thăm Mỹ Lai (tỉnh Quảng Ngãi) - địa danh gắn với cuộc thảm sát kinh hoàng của quân đội Mỹ cách đây hơn nửa thế kỷ, làm thức dậy cảm giác gần gũi, thân thương của con người nơi này. Những ca từ dữ dội: “Ðây những mồ hoang lạnh buốt/ Ðây những hài nhi đòi khóc” được chưng cất từ câu chuyện có thật của gia đình ông. Ông kể, năm 1964, vợ và con gái đầu lòng mới được 6 tháng tuổi của ông lọt vào ổ phục kích của địch. Sợ con khóc, vợ ông đã nằm rạp xuống và áp bầu ngực vào cho con bú, để che mắt địch. Nhưng khi địch đi qua thì cũng là lúc con gái ông bị ngạt thở và qua đời. Đau xót hơn là cho đến giờ gia đình ông vẫn chưa thể tìm được hài cốt của cô con gái xấu số này.

“Tôi muốn kết hợp sự kiện của ngày hôm qua với tấm lòng của người hôm nay, mong mỏi chúng ta hãy bỏ qua hận thù và chung sức xây dựng Mỹ Lai ngày càng phát triển, là một biểu tượng của hòa bình”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh về tác phẩm.

4. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sinh ra ở Campuchia và sống ở đó đến năm 18 tuổi trước khi về nước và gia nhập Đoàn văn công Giải phóng. Ông sống chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng quê nội ở Xuân Trường (Nam Định), quê ngoại ở Kim Động (Hưng Yên). Chính vì thế nên ông thường tự bạch, tính cách của mình gần với dân Nam Bộ hơn nhưng chất Bắc lại ngấm vào máu. “Cái sâu lắng, cái khúc chiết, cái cẩn thận thì chất Bắc ở tôi nhiều, kể cả vốn văn hóa, văn học tích lũy được. Những làn điệu dân ca miền Bắc cùng những áng thơ văn, ngôn ngữ, tư duy thấm đẫm khiến tôi có phần gần với chất sĩ phu Bắc Hà hơn”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ.

Ngoài ca khúc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn viết khí nhạc, nhạc phim, nhạc cho kịch nói và cải lương. Nhưng dù sáng tác ở thể loại nào, ông cũng quan niệm phải làm sao có được phong cách mới mẻ, nói được tâm thế của con người hôm nay nhưng cũng phải giữ được cốt cách và nền tảng văn hóa của dân tộc. Vì lẽ đó, ông luôn lấy dân ca làm nền tảng cơ bản rồi từ đó khám phá, vận dụng và tiếp tục sáng tạo, chắt lọc từ cuộc sống đương đại để tạo nên những tác phẩm mang chất Phạm Minh Tuấn, không lẫn với bất cứ nhạc sĩ nào.

Trong những ngày tháng 7 này, một tin vui đã đến khi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là một trong 5 nhạc sĩ vừa được Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm concerto cho piano và dàn nhạc giao hưởng “Bất khuất”, “Nữ tự vệ Sài Gòn” (thơ Lê Anh Xuân - Phạm Minh Tuấn), romance “Khoảng lặng”, ballade “Đất trắng”, "Mùa xuân" (phỏng thơ Elena Superman). Nhưng với người nhạc sĩ tuổi xấp xỉ 80 này thì giải thưởng lớn hơn cả là những ca khúc của mình được khán giả biết đến và vang vọng trong những ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước. Đó chính là giải thưởng mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (tên khai sinh là Phạm Văn Thành) sinh năm 1942 tại Phnôm Pênh, Campuchia. Ông từng trải qua các chức vụ như Phó Giám đốc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (đợt I - 2001).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và những ca khúc không thể nào quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.