Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh: “Luôn mang trong mình câu hò ví dặm”

Quỳnh Anh| 12/03/2023 10:15

(HNMCT) - Là người con Hà Tĩnh nên trong sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Thịnh, người nghe thường cảm nhận được thanh âm dân ca xứ Nghệ. Dù đã sống và làm việc ở Hà Nội nhưng những câu hò ví dặm, hình ảnh sông Lam, núi Hồng vẫn là chất liệu để ông viết lên những giai điệu đẹp.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh.

1. Trong chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” được phát trên kênh VTV1 ngay sau giao thừa xuân Quý Mão, có 2 ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Thịnh được biểu diễn, đó là “Tháng Giêng” (thơ Nguyễn Văn Hoan) qua tiếng hát của ca sĩ Thu An và “Cung đàn Thúy Kiều” qua tiếng hát của ca sĩ Thùy Dương. Đó đều là những ca khúc mang phong cách dân gian đương đại, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dân ca xứ Nghệ. “Cung đàn Thúy Kiều” mang đến cho ông giải B (không có giải A) giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012, còn “Tháng Giêng” được  trao giải A giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017.

Tôi đến thăm nhạc sĩ Ngọc Thịnh vào những ngày cuối tháng Giêng “rét đài lây phây mưa bụi” như những ca từ đầu tiên trong bài hát “Tháng Giêng”. Căn phòng trong ký túc xá Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - nơi ông và con trai út (hiện là sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) sinh sống thật giản dị, có lẽ đồ dùng có giá trị nhất trong nhà là chiếc đàn piano. Cũng vì quá thương con, mong muốn kèm cặp cậu con trai duy nhất học tập nên người mà sau khi nghỉ công tác với chức vụ Giám đốc Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh, ông đã ra Hà Nội công tác tại Phòng Công tác hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cuộc sống “ở trọ” với điều kiện thiếu thốn nhưng ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh bảo, có 2 người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến con đường sáng tác âm nhạc của ông, đó là mẹ và vợ ông. Ngay từ khi mới lọt lòng, ông đã được mẹ ru bằng những câu ca dao, dân ca xứ Nghệ và những câu thơ trong “Truyện Kiều”. Nếu như mẹ đã thắp lên ngọn lửa đam mê âm nhạc thì vợ ông  - ca sĩ Thái Bảo (từng công tác tại Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh) - chính là người giữ ngọn lửa ấy luôn cháy trong ông. Họ quen và cảm mến nhau ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, khi Ngọc Thịnh đệm đàn guitar để Thái Bảo hát bài “Giận mà thương” - một ca khúc đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh. Vậy là họ đã thương nhau suốt 40 năm qua, để rồi chính giọng hát dân ca ngọt ngào, da diết của Thái Bảo đã ảnh hưởng và dẫn dắt Ngọc Thịnh từ sáng tác nhạc nhẹ sang sáng tác âm nhạc dân gian.

2. Là tác giả của hơn 300 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc đã được trao những giải thưởng cao quý của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thế nhưng ít ai biết rằng trước khi đến với con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp, Ngọc Thịnh là công nhân ngành điện rồi là người lính lái xe. Chính những công việc nặng nhọc ấy đã giúp ông hiểu được đời sống của người dân lao động, để rồi ca khúc của ông đã nói lên được tâm tư, tình cảm của đại đa số người dân. Đi lên từ phong trào âm nhạc quần chúng nhưng những ca khúc của ông luôn hướng đến sự chuyên nghiệp. Ca từ trong những ca khúc của ông giản dị, mộc mạc, chân thành như tính cách và con người Hà Tĩnh. Có lẽ, xuất thân từ mảnh đất miền Trung nhiều thiên tai khắc nghiệt đã làm nên một Ngọc Thịnh kiên cường, không bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách để vươn lên sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh không sinh ra ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) - nơi dòng sông La (phụ lưu của sông Lam) chảy qua nhưng ông đã đóng quân tại đây trong 3 năm (1975 - 1978). Bởi thế, dòng sông La ân tình luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm hồn và cũng là nguồn cảm hứng bất tận trong ông, để rồi năm 1996 ông đã đưa con sông này vào ca khúc “Câu đợi câu chờ” nổi tiếng của mình. Nghe và cảm nhận “Câu đợi, câu chờ”, có thể thấy ông như đang viết về chính cuộc đời mình.

Điều thú vị là bài hát “Câu đợi câu chờ” được ra đời trong khoảng thời gian chưa đến 1 giờ đồng hồ từ sự tự ái trỗi dậy mạnh mẽ trong con người nhạc sĩ xứ Nghệ. Chuyện là năm 1996, UBND tỉnh Hà Tĩnh có mời nhiều nhạc sĩ tên tuổi về dự trại sáng tác như Hồng Đăng, Trọng Bằng, An Thuyên, Đức Trịnh, Hồ Hữu Thới… May mắn là chàng nhạc sĩ trẻ Ngọc Thịnh ở Trung tâm Văn hóa thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) cũng được tham dự trại sáng tác, dù chưa là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đợt đó ông đã viết bài “Đồng chiều”, và Ban tổ chức đánh giá là “mặc dù đã phát triển được dân ca xứ Nghệ nhưng không có từ nào nhắc đến địa danh Hà Tĩnh” nên bài hát bị loại khỏi danh mục tác phẩm được chọn cho album ca nhạc của Ban tổ chức trại sáng tác. Khi nghe được thông tin đó, ông hụt hẫng, cảm thấy xấu hổ, và đó chính là “chất xúc tác” để ông viết ra rất nhanh “Câu đợi, câu chờ”, và ngay sau đó bài hát này đã được đưa vào album ca nhạc của Ban tổ chức trại sáng tác. Ca sĩ Thục Hiền là người thể hiện đầu tiên, sau đó là Thanh Thanh Hiền, rồi Anh Thơ, Viết Danh, Bùi Lê Mận…

3. Từ sau khi mẹ mất, nhạc sĩ Ngọc Thịnh trở thành người ăn chay trường, ông không ăn bữa tối mà thường ngồi thiền. Mang trong mình tư tưởng Phật giáo nên trong sáng tác cũng như trong cuộc sống ông luôn hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp. Ông sống hiền lành, tốt bụng và khi làm việc thì luôn tâm huyết, trách nhiệm. Ông cũng không ngại khi viết theo đơn đặt hàng bởi công việc ấy giúp người sáng tác có thêm động lực, cố gắng và quyết tâm hoàn thành tác phẩm trong thời gian sớm nhất. Đôi khi ông cũng “đặt hàng” với chính mình vì “mối nợ” với quê hương, với dân ca ví dặm xứ Nghệ. Ông cho rằng, để âm nhạc phát triển thì nhất quyết phải dựa trên nền móng dân ca truyền thống, bởi đó là sự chắt lọc tinh tế trong đời sống của ông cha hàng nghìn năm nay, và đó cũng là bản sắc của quê hương, dân tộc.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh và ca sĩ Thái Bảo có với nhau 3 người con thì cả 3 đều theo nghệ thuật. Ngoài con trai út đang theo học piano thì con gái lớn đang dạy nhạc tại một trường phổ thông tại thành phố Hà Tĩnh, con gái thứ hai là diễn viên múa Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau không chỉ bằng sự yêu thương, đùm bọc mà còn bằng tình yêu nghệ thuật bỏng cháy. Ông luôn tâm niệm, hoạt động nghệ thuật là con đường đầy chông gai, thử thách và không phải lúc nào cũng trải hoa hồng, bởi vậy ông phải luôn là người “giữ nhịp, cầm canh” để dẫn dắt, trao truyền, tạo nguồn cảm hứng cho các thành viên viết tiếp giấc mơ nghệ thuật của mỗi người.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh sinh năm 1958 tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh và hiện nay đang công tác tại Phòng Công tác hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hơn 40 năm sáng tác, ông đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị, như Giải C Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994 với ca khúc “Tình quê”, giải B Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1998 với ca khúc “Mẹ”, giải B Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018 với ca khúc “Tình mẹ bao la”, Giải A Cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (tháng 7-2018) với ca khúc “Cổ tích quê mình”…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Ngọc Thịnh: “Luôn mang trong mình câu hò ví dặm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.