(HNMCT) - Những năm tháng tươi đẹp nhất của nhạc sĩ Đức Trịnh gắn bó với quân ngũ. Năm 1974, khi mới 16 tuổi, ông khai tăng 2 tuổi để được vào chiến trường. Rồi sau đó, những trải nghiệm nơi chiến trường biên giới Tây Nam để lại cho ông nhiều kỷ niệm về những năm tháng gian khổ, hạnh phúc và cũng đầy bi thương. Ký ức ấy vẫn vẹn nguyên và đi vào âm nhạc một cách tự nhiên, mang đến cho người nghe những “Miền xa thẳm”, “Ước mong người lính”, “Tình yêu người lính”…
- 10 năm ở chiến trường Tây Nam Bộ đã cho ông nhiều trải nghiệm trong sáng tác âm nhạc?
- 16 tuổi tôi đi bộ đội, xuyên Việt, qua Campuchia, sang Lào, đi hầu khắp các tỉnh… Đi nhiều giúp tôi tích lũy vốn sống. Khi mới vào chiến trường, một đồng đội của tôi hy sinh, tôi được cấp trên cử ở lại trông coi đồng chí ấy, chờ đến gần sáng sẽ có xe đến để đưa cậu ấy đi, còn tất cả lại tiếp tục hành quân. Lúc bé mình vẫn nghĩ ở bên người đã mất một mình thì rất sợ. Nhưng lúc ấy, không hiểu sao khi nhìn đồng đội, tự nhiên cảm giác sợ không còn nữa. Khi người ta cảm thấy yêu thương, gần gũi thì sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi. Sau đó, tôi đã viết bài hát “Ước mong người lính”. Có những khi vuốt mắt đồng đội, mình không hề khóc nhưng sau này, khi trở về, nhìn những bà mẹ già đi lang thang ở ngoài đường, tự nhiên lại thấy khóe mắt cay cay.
- Những trải nghiệm trong quân ngũ, với những kỷ niệm bi thương nhưng cũng đầy tự hào có phải là điều làm nên thành công của nhạc sĩ Đức Trịnh?
- Tôi viết nhiều về đề tài người lính. Tôi cũng tự nhận thấy thế mạnh của mình là đề tài chiến tranh cách mạng bởi hầu hết tác phẩm đạt giải thưởng đều về lĩnh vực này. Tất nhiên trong cuộc đời một nhạc sĩ, để lại trong lòng công chúng một vài bài đã là hạnh phúc rồi. Trước đây tôi có “Miền xa thẳm”, “Tình yêu người lính”, “Ước mong người lính”. Trong bài “Mưa xuân” không có chữ “lính” nào nhưng người nghe vẫn có cảm giác đó là một người lính xa nhà, được trở về Hà Nội, cảm nhận những giọt mưa mùa xuân vương trên mái tóc. Đấy chính là cuộc đời lính của tôi sau 10 năm xa Hà Nội. Hoặc trong bài “Cảm ơn mẹ”, cũng không có chữ “lính” nào nhưng đầy chất lính, với những ca từ như “Con... cảm ơn mẹ, đã sinh con ra từ câu hát/ Ngọt ngào lời ru quê hương ta”.
- Ông từng chia sẻ rằng mình rất tâm đắc với ca khúc “Miền xa thẳm”, việc sáng tác ca khúc này có gì đặc biệt, thưa ông?
- “Miền xa thẳm” là tác phẩm đặt hàng, viết cho vở kịch “Miền xa thẳm”. Có lẽ đây là hiện tượng rất kỳ lạ và cũng là duy nhất trong cuộc đời viết nhạc của tôi. Sau khi đi thăm nghĩa trang Trường Sơn trở về, tôi đặt bút viết từ lúc 9h tối. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ, cả lời lẫn nhạc được hoàn thiện. Sau khi viết xong ca khúc này, tôi vào ngay phòng thu tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, cùng với một cậu kỹ thuật nữa tự làm nhạc, tự thu. Lúc ấy thể hiện bài hát là hai ca sĩ Hồ Quỳnh Hương (hát), Nguyệt Minh (vocal). Đến khoảng 2 - 3h sáng thì xong. Sáng hôm sau, tôi gọi nghệ sĩ saxophone Hồng Kiên chơi đoạn dạo giữa. Sau đó tôi giới thiệu ca khúc cho ê kíp đang dàn dựng vở “Miền xa thẳm” của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Mọi người bảo: “Cả vở kịch được gói trong ca khúc ấy”.
- Ông còn có tác phẩm khí nhạc “Tượng đài vô danh”. Sáng tác này cũng là quá trình trải nghiệm, đúc kết từ những năm tháng ông gắn bó với chiến trường?
- “Tượng đài vô danh” là một tác phẩm mà tôi tâm huyết, trong đó là tất cả những tình cảm, sự tri ân của tôi với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, quê hương, tình cảm với bạn bè, đối với người thân yêu nhất, đối với học trò. Đó là giao hưởng tôi viết cho dàn nhạc, đầy đủ 4 quãng, hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn.
Tôi ít viết khí nhạc nhưng mọi người thường nói sáng tác của tôi có chất nhạc khí, để người nghệ sĩ biểu diễn có thể phô diễn khả năng của họ. Tôi vẫn luôn cho rằng giọng người cũng là một khí nhạc, có sức thuyết phục lớn, nhưng nó lại bị hạn chế về mặt diễn tấu, các nốt nhạc không thể nhanh, chính xác tuyệt đối như các nhạc cụ. Chính vì thế khi viết, tôi cố gắng đưa chất nhạc khí vào trong giọng người. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm, một vị lãnh đạo của tôi trong quân đội sau khi nghe bài “Cảm ơn mẹ” đã nói: “Tại sao mày cứ viết khó thế, để cho người ta hát khó”. Nhưng nghĩ lại thì khi hát, thuyết phục người nghe bằng sự khổ công luyện tập, bằng sự trải nghiệm hết khả năng của mình cũng là một điều thú vị.
- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.