Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Khi ''Tổ quốc gọi tên mình''

Minh Khôi| 09/09/2021 15:39

(HNMCT) - Những ngày này, trên dải đất hình chữ S thân yêu, nhiều nơi vang vọng ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”. Đó như lời hiệu triệu các lực lượng bác sĩ, quân đội, công an... tiến vào tâm dịch với quyết tâm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Ở giữa tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, tác giả bài hát này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bâng khuâng nỗi niềm tự hào chung, riêng khi nghĩ về gia đình, về quê hương đất nước trong “cuộc chiến” chống lại “kẻ thù vô hình”.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.

1. Những ngày đầu tháng 9, khi trò chuyện với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, tôi lại miên man nhớ về câu hát: “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ”. Bởi hiện tại, đất nước đang “căng mình” trong “cuộc chiến” mới, khó khăn có, thử thách có, hiểm nguy có nhưng với tinh thần và ý chí của một dân tộc anh hùng, ai cũng tin vào một ngày chiến thắng không xa.

Còn với nhạc sĩ, dịp này, ngoài suy nghĩ về vận mệnh đất nước, ông lại bâng khuâng nghĩ về gia đình, người thân của mình. Cha mẹ của ông đã đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Mẹ của ông nhiều lần bị bắt, bị tra tấn dã man và ra đi khi ông mới 9 tuổi. Cha của ông bị giam cầm gần 7 năm ở “chuồng cọp” Côn Đảo; các cậu, chú của ông thì đã hy sinh cho Tổ quốc, đến giờ này vẫn chưa tìm được hài cốt.

Hiếm có bài hát nào mà mỗi khi đất nước có biến động lại được người dân hát nhiều như “Tổ quốc gọi tên mình”. Đây là bài hát mà nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn sáng tác dựa trên bài thơ của nữ sĩ Nguyễn Phan Quế Mai vào tháng 8-2011 khi tình hình biển Đông có nhiều phức tạp. “Với sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, tôi nghĩ sẽ viết cái gì đó về tình hình biển Đông. Đang suy nghĩ, lên mạng tìm ý tưởng thì rất may tôi thấy bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đang sống ở nước ngoài. Đêm hôm đó, ngồi bên cây đàn piano, cảm xúc tuôn trào và có thể nói, trong cuộc đời sáng tác của mình chưa bao giờ tôi sáng tác nhanh như vậy, chỉ khoảng 20 phút thì gần như ca khúc đã hoàn chỉnh” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn kể.

Bài hát ra đời thực sự đã tạo ra “cơn bão lòng” với nhiều người ở thời điểm đó. Suốt 10 năm qua, ông đã có nhiều kỷ niệm về ca khúc này. Đó là chuyến công tác tại Đà Nẵng, trong lúc giao lưu với chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không - Không quân đóng gần sân bay Đà Nẵng thì có một sĩ quan nói với ông: "Cứ mỗi chuyến bay ra hải đảo và quay về đất liền, tôi đều mở “Tổ quốc gọi tên mình” để nghe và sẵn sàng hy sinh trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc". Có người ở thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề muốn “mua đứt” bài hát này với giá 50.000 USD nhưng ông trả lời: “Xin lỗi và rất tiếc vì bài này bây giờ không còn của tôi nữa, nó thuộc về đất nước rồi...”.

2. Ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”, gần đây, cùng với 4 ca khúc khác của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn là “Mẹ và Tổ quốc”, “Tôi khát khao kéo sông Hàn dài mãi”, “Bà Rịa! Đất níu chân người”, “Biển nghiêng” đã được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2021. Khi biết tin này, Đinh Trung Cẩn cho rằng: “Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp và các bậc tiền bối trong lĩnh vực nghệ thuật khi sáng tác chắc cũng không nghĩ đến việc các tác phẩm của mình sẽ được ghi nhận giải thưởng này... mà chỉ mong sao tác phẩm của mình được công chúng đón nhận. Chính thời gian là thứ sàng lọc khắc nghiệt nhất đối với các tác phẩm mà mình sáng tạo. Tác phẩm nào tuổi thọ càng cao, ở lại trong lòng công chúng thì chắc chắn sẽ được nhiều người yêu thương và mến mộ”.

Trong cụm tác phẩm này, “Mẹ và Tổ quốc” chính là ca khúc ông dành tặng người mẹ của mình nói riêng và cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng nói chung, đặc biệt trong đó có Mẹ Thứ ở Quảng Nam. Vì vậy, sau khi ca khúc này được viết xong, ông đã bay ra Quảng Nam để đến Tượng đài Mẹ Thứ thắp 3 nén nhang xin dâng tặng Mẹ ca khúc; sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã cho phát ca khúc hằng ngày ở nơi linh thiêng này.

Còn ca khúc “Tôi khát khao kéo sông Hàn dài mãi” chính là cảm xúc khi ông thấy ánh trăng in bóng xuống mặt nước và trôi đi trên dòng sông Hàn rất đẹp, nên thơ. Ca khúc “Bà Rịa! Đất níu chân người” là món quà ông dành tặng mảnh đất có những con người nặng tình, nặng nghĩa với anh em, bạn bè. Ca khúc “Biển nghiêng” lại là cảm xúc ngân lên lúc 1h sáng trong cơn chếnh choáng men say, khi ông thấy biển... nghiêng, trăng và sao cũng nghiêng về trời và điều đó khiến ông liên tưởng về một cuộc tình đẹp có lúc đã xa tầm tay...

3. Là người kế nhiệm nhạc sĩ Phó Đức Phương trong vai trò Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là khó khăn, thử thách.

“Gần 20 năm gắn bó với nhạc sĩ Phó Đức Phương trong công tác bản quyền âm nhạc, buồn có, vui có... Sau khi anh Phương ra đi, tôi tiếp tục cuộc hành trình này, mong muốn Luật Sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện để việc thực thi bản quyền âm nhạc được tốt hơn, giúp các tác giả ngày càng sống tốt hơn bằng chính tác phẩm của mình. Đó cũng là trả lại sự công bằng đối với người sáng tạo nghệ thuật, để họ có nhiều tác phẩm hay phục vụ công chúng. Đó cũng là tâm nguyện của anh Phương khi còn sống” - ông cho biết.

Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, biểu đồ tăng trưởng của VCPMC hằng năm đều tăng. Đây là tín hiệu vui, vì như thế thì sẽ có nhiều nhạc sĩ bớt đi nỗi lo cơm áo, gạo tiền để tập trung vào việc sáng tác. Tuy vậy, hiện còn nhiều tác giả vô cùng khó khăn, bị bệnh tật..., nhạc sĩ mong sao tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giảm để tác giả được hưởng sự công bằng mà luật pháp đã quy định.

4. Với vị trí công tác quản lý văn hóa nghệ thuật tại Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, ai cũng nghĩ rằng những bộn bề công việc sẽ làm tâm hồn người sáng tác chai sạn. Nhưng không, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bảo rằng, chính công việc quản lý tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc sáng tác của ông. Ông luôn có điều kiện đi khắp các vùng miền của Tổ quốc và nhiều nước trên thế giới, có dịp tiếp xúc với giới văn hóa nghệ thuật, qua đó tích lũy thêm vốn sống, kiến thức, màu sắc, thanh âm, điệu thức dân gian của các vùng miền để nuôi nấng tâm hồn, giai điệu, lời ca.

Gần 30 năm gắn bó với âm nhạc, trên 10 năm ngồi trên ghế giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành Lý luận và sáng tác, có thể nói, sáng tác là một nghề đã đi vào máu thịt tâm hồn của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và chắc chắn sẽ theo ông suốt cuộc rong chơi giữa trần thế này. Như ông đã từng bộc bạch, sáng tác âm nhạc đã cứu rỗi tâm hồn ông, để ông luôn hướng về chân - thiện - mỹ, tìm cái đẹp của cuộc đời này, để sống có ý nghĩa hơn với gia đình, bạn bè và quê hương đất nước.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (bút danh Trung Cẩn) sinh năm 1965, quê Bình Thuận. Ông từng học Trường Văn hóa nghiệp vụ Ninh Thuận, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng là Trưởng đài Đài Truyền thanh Phan Rí Cửa, Giám đốc Nhà Văn hóa Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Hiện nay, ông đang công tác tại Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, là Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Khi ''Tổ quốc gọi tên mình''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.