Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Dân Huyền: “Tôi còn duyên nợ với Hà Nội”

Hoàng Thu Phố| 28/02/2010 08:22

(HNM) - Nhạc sĩ Dân Huyền - tác giả của ca khúc


Tôi lại nhớ năm trước có ghé thăm ông. Khi đó ông mới viết xong bài thơ “Tự trào”. Hôm ấy ông đã đọc cho tôi bằng chất giọng ấm và vang: “Lương thì thấp nhà thì cao/ Nhưng được khách quý ra vào thường xuyên/… Xế chiều nhưng vẫn còn duyên/ Được làm, làm được nên quên tuổi già”.

Bây giờ, nhạc sĩ tuổi Dần có bút danh Dân Huyền vẫn bền bỉ làm việc: viết nhạc, làm thơ, viết báo, sưu tầm câu đố, chỉnh biên và soạn lời mới cho dân ca. Ông vừa hoàn thành tập sách Bài ca Vọng cổ dày gần 300 trang gửi gắm rất nhiều tâm huyết và bắt tay viết gần chục ca khúc “trả nợ” một “đơn đặt hàng” của bạn bè. Dân Huyền còn tranh thủ gửi thơ, câu đố vui cộng tác với gần chục tờ báo Tết. Ngồi bên chiếc máy tính cũ kỹ đặt ở góc phòng khách đơn sơ, nhạc sĩ Dân Huyền trực tiếp viết bài trên máy và tự mình đăng nhập vào email để gửi bài cho tòa soạn. Ông vui với niềm vui của một người già, tự tin khi mình có thể hòa nhập được với những phương tiện mà giới trẻ ngày nay đang dùng. Những thao tác ông thực hiện rất thuần thục, nhưng với nhiều người cùng thế hệ với ông, thậm chí nhiều người trẻ hơn ông, đến giờ đăng nhập email, viết blog hay vào mạng internet vẫn còn là một thứ xa lạ, một sự thách đố khó khăn.

Tôi hỏi ông, sao đã qua tuổi “cổ lai hy” ông không chọn cho mình một cách nghỉ ngơi thực sự, hay tại người sinh năm Dần nó thường vất vả? Nhạc sĩ Dân Huyền tâm sự: “Tôi không nghĩ rằng khi về hưu lại có ít thời gian đến vậy. Nhưng tôi vẫn thấy mình chưa quá già để không trả nổi những ân tình mà mọi người dành cho tôi. Tôi là con hổ giấy, nhưng lại cứ muốn chia sẻ những tâm tư, những suy nghĩ của mình với mọi người. Tôi rất vui khi nhiều người vẫn nhận ra tôi giữa đám đông. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất của đời tôi… Tôi làm việc như vậy cũng là một cách để thư giãn tuổi già đấy chứ. Nhưng nếu ai đó cho rằng tuổi Dần là tuổi rất vất vả và thiệt thòi hay mang tiếng “thị phi” thì với tôi cũng có phần đúng. Tất nhiên mỗi người một số phận, bên cạnh những “điểm cộng”, có “điểm trừ”; bên cạnh những lo âu có mỉm cười. Nghĩa là ai cũng có cái hay cái dở, có nỗi sướng khổ riêng. Nhìn chung những ai tuổi Dần ít được cái sung sướng, nhàn hạ vẹn toàn. Đã vượt ngưỡng “cổ lai hy” nhưng tôi rất thích tin học, thú học tin. Sự say mê ấy đã giúp tôi thực hành trên máy vi tính những bài thơ, những bài báo và nhất là tiếp cận với các phần mềm xử lý và sáng tác âm nhạc. Từ “Encore 4.0”, “4.2” rồi “4.5” và bây giờ là “5.0”, tôi đã làm một cuộc “đi tắt, đón đầu” để khỏi lạc hậu với thời cuộc”. Những ngày cuối năm, nhạc sĩ Dân Huyền còn có niềm vui khác: Ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải ba lý luận phê bình cho “Những bài báo trên mạng internet”.

Trong nhiều năm nay, cứ khi bước vào năm mới, nhạc sĩ Dân Huyền lại tặng tôi tờ lịch treo tường của Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca - nơi ông làm Chủ nhiệm suốt 12 năm trời. Năm nay, tờ lịch chào Xuân Canh Dần - 2010 có in hình ảnh Tháp Rùa - Hồ Hoàn Kiếm như một cách để chào 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dân Huyền bảo, Câu lạc bộ còn nghèo, chỉ đủ kinh phí in lịch 1 tờ, cũng không được đẹp lắm, nhưng mang về quê treo thì vẫn được. Ông nói rồi cười. Nụ cười của người già với hàm răng đã vơi đi nhiều chiếc. Thi thoảng trong năm, tôi lại được ông mời tới tham dự hoạt động của Câu lạc bộ. Những khi ấy, tôi thường nghĩ về cái Câu lạc bộ do ông làm Chủ nhiệm. Vì sao mà sau khi nghỉ hưu ông lại gắn bó được bền lâu với nó đến thế? Và rằng ở cái thời buổi mà các loại nhạc nở rộ như bây giờ, liệu có mấy ai còn thời gian mà tham gia đàn và hát dân ca nữa hay không? Bây giờ ngồi trước mặt tôi, Dân Huyền cứ khẽ khàng nói mà như tâm tình. Rằng 12 năm trước, Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca đã được Đài Tiếng nói Việt Nam ký quyết định thành lập và mọi người bầu ông làm Chủ nhiệm. Hai năm đầu, mỗi tháng Đài chi cho Câu lạc bộ 2 triệu đồng để sinh hoạt, rồi sau đó cơ chế có nhiều thay đổi nên khoản tiền ấy đã bị cắt đi. Và cũng kể từ đó, Câu lạc bộ phải tự lo liệu mọi chi phí. Những khi ấy, một người đã hưởng lương hưu như Dân Huyền cũng không khỏi đắn đo. Nhưng rồi cùng với những người tâm huyết, Câu lạc bộ dần thu nạp được nhiều hội viên, đến nay đã hơn 100 người, trong đó có cả người từ các vùng khác đến sinh hoạt.

Không hiểu sao, khi có dịp ngồi chuyện trò cùng ông như hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên cái nhận xét rằng, trong cuộc đời của mình, hình như Dân Huyền không thuộc dạng người quyết đạt được mục đích bằng mọi cách. Dường như Dân Huyền đã xác lập cho mình một cách sống: lùi xa những ồn ào đàm tiếu, tránh đi tranh luận thị phi. Ông lặng lẽ sống, như có ý niệm nhận sự thua thiệt về mình. Nói như vậy có nghĩa là ông đã tìm một chốn lui về ở ẩn? Không phải vậy. Vì nếu muốn ở ẩn, hẳn rằng sau khi chia tay cuộc đời công chức, Dân Huyền đã quay về nơi chôn nhau cắt rốn của ông: xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Nhưng ông đã không làm thế. Ông vẫn ở lại Hà Nội, với căn hộ tập thể trên tầng 4 mùa hè thì gió lộng mùa đông thì ấm áp này.

Tiễn tôi ra cửa, nhạc sĩ Dân Huyền tặng tôi tập thơ đầu tay Chút tình Hà Nội và bảo: “Tôi còn duyên nợ với Hà Nội lắm”. Ông quyết định làm tập sách như một cách cảm ơn cuộc đời, cảm ơn Hà Nội - mảnh đất đã trở thành quê hương thứ hai, rất đỗi thân thiết. Và ông cũng muốn tập thơ như một lời chào ngàn năm Thăng Long - cái dấu mốc ai may mắn lắm mới được gặp một lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Dân Huyền: “Tôi còn duyên nợ với Hà Nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.