Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Tô Hoài: “Chuyện ngày xưa: 100 cổ tích”

Mai Thi| 12/05/2010 06:37

(HNM) - Tô Hoài, cái tên gần gũi và thân thuộc biết bao với bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam và thậm chí là cả bạn đọc ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2010, ở tuổi 90, ông tiếp tục cho ra mắt độc giả tập sách dày dặn


“Chuyện cổ tích không biết có từ đời nào. Tưởng đoán không ngoa là những của báu khảo cổ trên mặt đất này đã ra đời cùng lúc với tiếng nói con người” - Tô Hoài viết vậy và ông chia sẻ “bấy lâu tôi vẫn ham thích viết cổ tích…”. Quả đúng như vậy, như các biên tập viên NXB Kim Đồng, nơi ấn hành cuốn sách này cho biết, thì Tô Hoài đã ấp ủ, đã cặm cụi, trăn trở với từng bản thảo của 100 truyện ngày xưa từ rất nhiều năm nay.

Giờ, cuốn sách đã ra mắt với bìa cứng, sắc vàng “nâu trầm cổ tích”, khổ 18x25cm, dày gần 500 trang, mặc dù mang tên 100 cổ tích nhưng kỳ thực là 101 truyện. Bạn đọc nhiều lứa tuổi sẽ tìm thấy điều gì ở đây? Trước hết là khối chuyện mang diện mạo và tâm hồn con người, trải ngàn vạn năm còn ở lại với hôm nay. 101 truyện ấy được chia thành 3 phần: phần 1 gồm 58 truyện về các sự tích, loài vật; phần 2 là 22 truyện về các nhân vật, truyền thuyết; phần 3 là 21 truyện đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Ai cũng đã một lần đọc, nghe cổ tích. Nhưng khi cả trăm truyện cổ đặt cạnh nhau ta mới thấy bề sâu và ý nghĩa của chúng. “Nghe cổ tích, ngẫm cổ tích, thấy được và cắt nghĩa được tất cả cơn cớ ta tồn tại, ta sinh sôi. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật hoang đường đến đâu đều thấm đượm ý nghĩa đời người, con người nỗi niềm than thở hay ngàn vạn ước mong đều vẫn nảy nở từ trong tấm lòng nhân nghĩa và đức tính lam làm cùng với nụ cười thật hóm, thật duyên và phóng khoáng mọi nhẽ. Cái cười, rừng cười trong cổ tích Việt Nam sâu xa lòng tin và nghị lực”.

Bên cạnh giá trị đã được khẳng định của cổ tích, bạn đọc có lẽ còn có cái thú “thưởng” văn Tô Hoài khi đọc cổ tích do ông kể. Do đó, ngay ở những câu chuyện quen thuộc vẫn thấy sự mới mẻ mang hơi hướng của một cây bút vừa thâm trầm vừa hóm hỉnh. Đọc Tô Hoài thì không thể nhanh được, chầm chậm rồi mới vỡ lẽ cổ tích từ ngàn vạn năm nay còn tồn tại cũng là bởi sự bồi đắp đời này qua đời khác, trong đó cốt lõi là sự bồi đắp giá trị nhân văn.

Qua cuốn sách, bạn đọc cũng có thể hiểu thêm về các tác phẩm của Tô Hoài từng được khơi nguồn cảm hứng từ cổ tích, như tiểu thuyết Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử… Nó hẳn có giá trị cho những người cầm bút: đi, tìm kiếm cái mới thì cũng đừng quên nền tảng văn học dân gian - nguồn cội của sự sáng tạo văn học nghệ thuật hôm nay.

“Chuyện ngày xưa: 100 cổ tích” ra đời tiếp tục khẳng định sức viết của cây bút lão làng Tô Hoài. Còn với riêng nhà văn, đó là “một tâm tình của tôi với ơn huệ ông bà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Tô Hoài: “Chuyện ngày xưa: 100 cổ tích”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.