Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Sơn Tùng và đề tài Bác Hồ

Trần Thị Ánh Nguyệt| 25/07/2021 21:02

(HNMO) - Nhà văn Sơn Tùng khẳng định bản lĩnh không chỉ trong một mà nhiều cuốn tiểu thuyết đều viết về một người đã trở thành huyền thoại của cả thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dành trọn cuộc đời viết về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng có hàng loạt tác phẩm như: "Búp sen xanh", “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất”, “Hoa dâm bụt”, “Tấm chân dung Bác Hồ”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh", "Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng"...

Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là một nhà văn mà còn là nhà văn hóa khảo cứu công phu, tỉ mỉ. Ông tự trang bị kiến thức từ triết học, lịch sử, địa lý đến âm nhạc, hội họa, văn học... Khi đặt bút, Sơn Tùng luôn làm cho câu văn mang sức nặng của sự thật, một sự thật phong phú và đáng tin cậy đến nỗi các nhà lịch sử phải giật mình. Ông đã dựng nên một bức tranh Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong các tiểu thuyết viết về Bác Hồ một cách khái lược nhưng sống động.

Tiểu thuyết của Sơn Tùng không hấp dẫn người đọc ngay lập tức bởi cách viết mang tính truyền thống. Ông là một người kể chuyện trung thành, am tường về văn hóa, thông thạo về lịch sử nước nhà, thấu suốt mọi việc trong kinh thành Huế, hiểu biết về các mối quan hệ gia đình, làng xóm, họ mạc... của Bác Hồ trong quá trình hình thành nhân cách của Người bằng một giọng văn nhẹ nhàng, thủ thỉ và giàu xúc cảm.

Nhà văn không muốn xây dựng Hồ Chí Minh như một người siêu phàm mà là một người gần gũi, giản dị, rất mực đời thường, một người ở giữa chúng ta. Tác giả lựa chọn cách kể chuyện theo dòng thời gian tuyến tính, lồng vào đó tình cảm, tấm lòng. Nhà văn sử dụng nhiều từ đánh dấu cảm xúc, kiểu câu cảm thán, đôi chỗ lời tác giả hòa lẫn vào lời nhân vật để chia sẻ, cảm thông, đau xót, phẫn nộ...

Có những câu văn như là tiếng khóc òa vỡ: “Nhưng dưới mái nhà nho nhỏ như hai cánh chim bị thương xòa ra ở một góc đường Đông Ba của thành nội Huế nhóe lên yếu ớt tiếng khóc trẻ thơ mất mẹ! Tiếng khóc lay lắt như ngọn đèn trước gió”... (“Bông sen vàng”).

Viết về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng phải đứng trước hai áp lực lớn. Một là áp lực thời đại vì Bác như một vị thánh trong lòng dân tộc. Một người thuộc thời đại chúng ta với những sự kiện được ghi chép rõ ràng. Nhưng áp lực thứ hai quan trọng hơn với tư cách một nhà văn, là yêu cầu của nghệ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết đòi hỏi hư cấu, xây dựng nhân vật ở phía cuộc đời hiện tại dang dở, ở phía bản chất của một nhân tính có lầm lỡ, có mọi cung bậc tình cảm, những mối quan hệ riêng...

Trong tác phẩm của Sơn Tùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không phải như một con người siêu phàm, mà là một người rất đỗi bình thường nhưng phát lộ khí chất phi thường. Những tính cách như tiết kiệm, chính trực, công bằng, vị tha, yêu thương mọi người, sống có trách nhiệm... không xa vời đến nỗi chúng ta không thể quan niệm nổi.

Côn là cậu bé thông minh, hiếu động. Cậu bày trò trêu chó nhà hàng xóm khiến người ta tức giận sang mắng bà ngoại. Ông Nguyễn Sinh Sắc biết, thay vì đánh mắng con thì ông mặc quần áo chỉnh tề khoanh tay xin lỗi mẹ vợ “con dại cái mang”, và cụ đồ cũng nhận cái lỗi “cháu hư tại bà” với con rể. Sau đó ông phạt Côn phải đi nhặt phân bò và viết năm mươi trang giấy hai từ “Nhân cách”.

Chính nền nếp gia giáo, chính việc người lớn không đổ lỗi cho nhau mà tự nhận trách nhiệm về mình trước sai trái của con trẻ đã là khởi thủy để hình thành nên tâm hồn sáng trong không chút vẩn của Hồ Chí Minh sau này. Hai chữ “nhân cách” mà ông Nguyễn Sinh Sắc dạy cậu bé Côn thuở ấy đã theo Người suốt cả cuộc đời.

Hay hành động rất đỗi trẻ con của cậu bé Côn ngủ quên làm cháy thuốc của mẹ là một chi tiết thật đắt giá, thể hiện được khía cạnh trẻ thơ của cậu. Một mình chăm sóc mẹ lâu nên đã thấm mệt. Nỗi băn khoăn, sự hối hận của cậu khi sợ rằng cháy thuốc là một điềm gở một mặt nói lên suy nghĩ ngây thơ nhưng mặt khác cũng thể hiện tình yêu thương hết mực đối với mẹ... Điểm hấp dẫn nằm ở chỗ nhà văn biết khai thác những chi tiết rất đời thường, gần gũi, thân thuộc mà chạm đến đáy sâu tâm hồn.

Đặc trưng của nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải. Tình cảnh khốn khổ của một gia đình nhà nho nghèo của cụ Nguyễn Sinh Sắc, người mẹ trẻ chết vào dịp Tết bỏ lại cậu bé mồ côi mười tuổi và đứa em còn đỏ hỏn, chồng công cán ở xa. Cậu bé Côn từ sớm đã phải chịu nhiều mất mát (mất mẹ, mất em, mất bà ngoại...). Nếm trải những niềm riêng ấy, đứa trẻ hiếu thảo, biết gánh vác trách nhiệm và giàu lòng thương khi lớn lên sẽ thấu cảm với số phận lầm than của dân tộc. Nguyễn Tất Thành rời xa quê hương từ tấm bé, sống cùng những phận người nghèo khổ ở gần chợ Đông Ba, những người dân cơ cực vùng biển Phan Thiết, những thợ thuyền ở góc bến cảng Sài Gòn... Trái tim giàu trắc ẩn ấy với trí tuệ mẫn tiệp, sự thông thái và tài quan sát tinh tường được nuôi dưỡng bởi lòng yêu nước xuất phát từ truyền thống gia đình, quê hương, bạn hữu... đã tự viết tiếp những trang khác cho cuộc đời, cho dân tộc.

Sơn Tùng đã gạt bỏ áp lực ngoài văn chương để đi theo con đường mà nghệ thuật đòi hỏi. Tiểu thuyết có quyền được hư cấu, nhân vật trong tiểu thuyết phải sống như một nhân tính chứ không phải như một hình ảnh minh họa. Có một thời gian dài ông đã phải trả giá cho quan niệm văn chương đích thực đó của mình. “Búp sen xanh” sau nhiều lần các nhà xuất bản từ chối cuối cùng đã được xuất bản vào năm 1982. Hiện nay đã có đến 30 lần tái bản. Cái nhìn ấy, văn đạo ấy đã vượt qua khung khổ một thời, mở rộng ra ở phía nhân loại, phía mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Sơn Tùng và đề tài Bác Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.