(HNMCT) - Nhà văn Sơn Tùng viết: “Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời”.
Quan niệm này thể hiện rõ nét trong tác phẩm viết về Bác Hồ. Hơn ba mươi năm cầm súng và cầm bút, nhà văn Sơn Tùng dành tâm huyết ghi chép về thời niên thiếu của Bác. Nhiều tác phẩm ra đời, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh - ngay khi ra đời vào năm 1981 lập tức trở thành hiện tượng xuất bản.
Hơn 300 trang viết của Búp sen xanh dựng lại chân thực quãng đời của Bác, từ thuở ấu thơ đến khi rời bến Nhà Rồng với quyết tâm “Nước mất phải đi tìm nước”. Ngòi bút Sơn Tùng mang đến những trang văn xúc động để bạn đọc thiếu nhi biết rằng Bác Hồ của các em đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy khó khăn nhưng Người luôn nuôi chí, rèn đức, luyện tài.
Búp sen xanh được ấp ủ trong một quãng thời gian rất dài, gần 40 năm. Từ khi chưa đầy 20 tuổi, nhà văn Sơn Tùng đã thu thập tài liệu, tìm hiểu về Bác, cho đến khi là phóng viên chiến trường, ông vẫn không ngừng tích lũy vốn hiểu biết về Bác từ những điều nhỏ nhất. Ông chăm chỉ đọc tài liệu, tìm đến gia đình người thân của Bác để hỏi thông tin, lần theo dấu chân Bác tìm đến những nơi Người đã sống và làm việc, gặp gỡ nhân chứng... Những thông tin, câu chuyện về Bác trở thành “môn học”, thành đề tài, thành vốn quý mà chàng thanh niên Sơn Tùng say mê sưu tầm và nghiên cứu để rồi sau này khi là thương binh xuất ngũ, Sơn Tùng mới thực sự trở thành nhà văn kể những câu chuyện chưa nhiều người biết về Bác.
Năm 1971, ông bị thương rất nặng ở chiến trường Tây Ninh. Xuất ngũ với hàng chục vết thương trên người và 3 mảnh đạn găm trong sọ não, sức khỏe và trí nhớ sụt giảm nhưng nhà văn vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật, tiếp tục cầm bút. Hàng loạt tác phẩm “chào đời” như tập truyện ngắn Bên khung cửa sổ, Nhớ nguồn, Vườn nắng… và Búp sen xanh, cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Bác Hồ.
Ngay khi mới ra mắt, Búp sen xanh đã tạo nên nhiều tranh cãi xung quanh nhân vật Út Huệ. Song, sự quan tâm của công chúng với Búp sen xanh và Lời tựa của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho lần xuất bản thứ hai đã là sự khẳng định có ý nghĩa nhất cho tác phẩm: “Cuốn Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”. Thực tế đã chứng minh, từ khi ra đời cho đến nay, Búp sen xanh liên tục được tái bản, được dịch song ngữ Việt - Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Búp sen xanh còn “lên” sân khấu tuồng với tên gọi Cậu bé làng Sen, được dựng thành phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.
Nhiều năm thu thập tài liệu và tìm hiểu về Bác, nhà văn càng thêm say mê và cảm phục vị Cha già dân tộc, càng mong muốn chia sẻ với bạn đọc mọi thông tin mà mình biết về Bác bằng những hình thức dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Ông tâm sự rằng “sẽ viết về Bác đến khi nào đổ bóng...”. Cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách Hồ Chí Minh đã được nhà văn Sơn Tùng phục dựng qua nhiều tác phẩm như Bông sen vàng, Bác về, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, Bác Hồ cầu hiền tài, Hoa râm bụt, Tấm chân dung Bác Hồ, Từ làng Sen, Cuộc gặp gỡ định mệnh... và gần đây nhất là truyện dài Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh. Bản thảo của cuốn sách này thực ra đã xong từ năm 1989, song, vì nhiều nguyên nhân nên mãi đến năm 2016 cuốn sách mới đến tay độc giả -do con trai nhà văn sưu tầm từ những trang viết tay của cha.
Mỗi cuốn sách viết về Bác, nhà văn Sơn Tùng luôn chọn một giai đoạn, một góc nhìn riêng, song tác phẩm nào cũng giàu xúc cảm, lay động tâm hồn người đọc.
Nhà văn Sơn Tùng còn viết về một số nhân vật cách mạng như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến, nữ chiến sĩ cách mạng Đặng Quỳnh Anh, chưa kể một số sáng tác khác như tiểu thuyết Trái tim quả đất, Lõm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.