Văn nghệ

Nhà văn, nhà báo Như Bình: Được viết, được vẽ là một cách để làm bạn với chính mình

Sông Lam 14/07/2024 - 15:55

Thượng tá, nhà văn Như Bình, Trưởng ban Chuyên đề, Báo Công an nhân dân quan niệm, viết hay vẽ đều là cách chị làm bạn với chính mình. Trong hành trình sống ấy, để làm bạn được với chính mình, chia sẻ, tha thứ và yêu thương mình là điều may mắn nhất.

Gặp chị trong những ngày tháng 7, được biết Như Bình đang ấp ủ cho một cuộc “Có hẹn với mùa thu” vào tháng 10 tới đây - một cuộc ra mắt thơ, họa và hình như có cả âm nhạc của chị.

z5616193654273_72f9c06e845d3d91470369e6a66946a2.jpg
Nhà văn, nhà báo Như Bình.

1. Tôi quen nhà văn Như Bình khoảng 10 năm trước, khi cộng tác với tờ Văn nghệ Công an (một ấn phẩm của Báo Công an nhân dân), nơi chị đảm nhiệm vị trí Thư ký tòa soạn. Sau này, công việc báo chí giúp chúng tôi gắn kết nhiều hơn, tôi cảm nhận ở chị một sự ân cần, chu đáo, luôn hết lòng vì người khác. Những tác phẩm truyện ngắn, thơ ca hay hội họa của chị được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá mang được nét riêng trong tâm hồn chị - một người phụ nữ miền Trung nghị lực, kiên cường vượt qua nghịch cảnh, luôn khát khao được yêu thương, được đắm mình trong sáng tạo.

Mơ ước trở thành cô giáo, thế nhưng số phận run rủi đã để Như Bình trở thành nhà báo, nhà văn. Nghĩ lại, chị luôn cho rằng đó là cơ duyên, là số phận và chị cảm thấy may mắn khi nghề đã chọn mình. Công việc làm báo mới mẻ, đi nhiều, được tác nghiệp khắp dải đất miền Trung nắng lửa, thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lũ. Chị viết cho mình, cho gia đình, bạn bè và cho những số phận mà chị gặp trên đường đời. Cũng từ đây, những bài báo như “Người tổng công trình sư đầu tiên tại Việt Nam”, “Câu chuyện bi thương về Anh hùng phá bom Vương Đình Nhỏ”, “O Nhị - người phụ nữ trong bài thơ của Phạm Tiến Duật”, “Trận bom định mệnh cầu Nhe và cái chết của 70 liệt sĩ”... đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Năm 2002 chị được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đồng thời về làm việc tại Báo An ninh thế giới.

2. Từ năm 2002, sau khi ra Hà Nội làm việc tại Báo An ninh thế giới, được tiếp cận, học nghề từ các nhà báo giàu kinh nghiệm lại gắn với văn chương, Như Bình có điều kiện nuôi dưỡng sáng tạo nghệ thuật, để đến khi năm 2004, chị được Tổng Biên tập giao tiếp quản chuyên mục “Những chuyện khó tin nhưng có thật” trên ấn phẩm An ninh thế giới Tháng cho đến năm 2021. Chị chia sẻ: “17 năm giữ chuyên mục “Những chuyện khó tin nhưng có thật”, một trong số ít chuyên mục ăn khách nhất từ trước đến nay của ấn phẩm, cũng là cách tôi duy trì tình yêu với văn chương. Bởi duy trì chuyên mục đó, nếu không có vốn sống, sự trải nghiệm văn chương thì chắc chắn không viết được, chứ chưa nói đến viết hay. Đời làm báo có được một cái tên, được mọi người nhớ là quý giá lắm rồi”.

22 năm công tác tại Thủ đô là thời kỳ nở rộ trong sự nghiệp báo chí của Như Bình. Chị đã ra mắt hơn chục tập sách, gặt hái được giải thưởng uy tín nhưng quan trọng hơn chị đã ghi dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc. Rồi không chỉ viết văn, viết báo, chị còn “lấn sân” sang làm thơ và mang đến cho người đọc một giọng thơ cá tính, sắc sảo. Nhà thơ Đặng Huy Giang khẳng định: Những tác phẩm của chị đã kết nối thành một vệt thơ Như Bình với những chi tiết, những đơn vị thơ đắt, với nhiều hứa hẹn về một cá tính mạnh. Thơ ấy cũng là thơ của một người không chỉ hay ở cách nói, mà còn hay ở cách cảm, cách nghĩ. Chú ý tới thơ Như Bình, đọc của chị rồi, tôi càng tin: “Thơ chính là những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng”. Còn Tiến sĩ văn học Đỗ Anh Vũ lại nhận xét: “Các bài thơ của Như Bình hầu hết viết theo thể tự do. Những câu thơ ngắn dài ùa ra như những cung bậc cảm xúc lúc xa lúc gần, lúc cồn cào lúc âm ỉ, lúc man mác u buồn, lúc man cuồng sôi sục. Có cảm giác, Như Bình luôn cháy đến cùng kiệt trong cảm xúc tình yêu, yêu đến mức quên mình đi, yêu đến nỗi như bài thơ nào viết ra cũng là bài thơ sau cuối”.

Như Bình chia sẻ, chị làm thơ như một cách trò chuyện với chính mình. Một cách để mình lắng lại, nhìn sâu vào bản thể của mình để có thể tìm được những câu trả lời cho muôn vàn suy tư không dứt trong hành trình sống và chiêm nghiệm. “Thơ tôi cũng là tiếng nói thật thà, có thể là bản năng phần nhiều. Nhưng tôi không nghĩ có gì đó phải e ngại. Thơ trước nhất viết cho mình, rồi mới có thể viết cho người. Khi viết ra được những câu thơ là tôi đã dũng cảm hơn với chính mình. Sống, được viết, được vẽ là một cách tôi làm bạn được với chính mình. Suốt quá trình sống, sáng tạo, tôi luôn cố gắng để gần hơn với linh hồn mình, hiểu, thương, tha thứ, chia sẻ và hơn thế nữa là mong ước đến tri kỷ” - chị bày tỏ.

3. Dịp tháng 10 tới, công chúng sẽ biết về dự án mà chị đã ấp ủ, thai nghén trong suốt nhiều năm qua, có tên “Có hẹn với mùa thu”. Ở đó, người ta sẽ thấy một Như Bình với một “gương mặt” khác, một “diện mạo” khác. Như trong tập tản văn “Thương những xa xôi”, chị ghi lại những cảm xúc, ý niệm của mình bằng những câu văn mà người đọc dễ soi chiếu thấy mình ở trong đó. Hay tập thơ “Sự im lặng biếc xanh”, từ chữ đến hình họa, tranh bìa, tranh minh họa đều là những sáng tạo của riêng chị.

Đặc biệt, điều ấn tượng nhất trong “Có hẹn với mùa thu” là các bức tranh thể hiện suy tư, thế giới quan, quan niệm và thông điệp về cuộc sống của chị. Nếu như văn chương mang lại cho chị trí tưởng tượng, cảm xúc dồi dào, những sáng tạo mới mẻ thì hội họa mang lại cho chị một sự thư thái. Chị không thể ngồi 4 - 5 tiếng liền tù tì để viết, xem, hay đọc, nhưng vẽ thì chị hoàn toàn có thể. Có những ngày vẽ liên tục 4 - 5 tiếng không nghỉ mà thấy thời gian nhanh như chớp. Chị vẽ trong sự thôi thúc của con tim về những điều mình nghe thấy, nhìn thấy và đôi khi là trong trí tưởng tượng của mình. Và, dù viết văn hay vẽ tranh thì chị luôn giữ được tâm thế của người nghệ sĩ để các tác phẩm hướng đến giá trị nhân văn và làm cho cuộc sống ngày càng trở nên tươi đẹp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn, nhà báo Như Bình: Được viết, được vẽ là một cách để làm bạn với chính mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.