Văn nghệ

Nhà văn Phong Điệp: Người gieo mầm thiện trên cánh đồng văn chương

Mạnh Thắng 07/07/2024 - 12:54

Chiều ngày cuối tuần, trong cái nắng dìu dịu ở hồ Gươm, nữ nhà văn Phong Điệp tươi cười đón tôi ở cổng cơ quan Báo Nhân Dân. Trong căn phòng làm việc nho nhỏ, chị tiếp đón một độc giả lâu năm của chị một cách chân tình.

Giữa mùa hè nhưng tôi tưởng mình đang sống trong tiết trời thu dịu mát khi nhìn thấy nụ cười và đôi mắt long lanh như biết nói của chị.

638553558369651434-z5585525455663_e29b37f3b8561cd0fd768dd8fc2e9224.jpg

1. Nhà văn Phong Điệp hiện là Trưởng ban Tuyên truyền lý luận của Báo Nhân Dân. Tháng 8-2023, chị ra mắt cuốn sách “Đường băng cho sáng tạo nghệ thuật” (NXB Hội Nhà văn).

Với sự ra đời của cuốn sách thứ 29 này, tính đến nay chị đã viết tới 8 thể loại, gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tản mạn văn học, tản văn, truyện thiếu nhi, kỹ năng sống, đối thoại văn chương và phê bình - tiểu luận văn học. Đây được xem là tài sản sáng tạo đồ sộ mà rất nhiều người chọn nghiệp viết mơ ước.

Phong Điệp lớn lên ở thành phố Nam Định và đam mê văn chương từ nhỏ. Chị từng theo học chuyên văn tại Trường THPT Lê Hồng Phong, ngôi trường có bề dày truyền thống ở thành Nam. Chị tâm sự, ngày bé, khi biết chị mê đọc, mê viết, bố mẹ và người thân trong gia đình lo ngại chị theo nghiệp văn chương thì sẽ vất vả nên khuyên chị theo nghề khác, nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi những con chữ đến cùng.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, Phong Điệp xin làm phóng viên, biên tập viên của Báo Văn nghệ Trẻ, tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam.

z5590488371184_7144d910379490f6d88970f848b6ddee.jpg
Nhà văn Phong Điệp (người ngồi thứ 2 bên trái) trong chuyến trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Trước đó, chị đã viết và có nhiều truyện ngắn được độc giả biết đến. Tác phẩm đầu tay của chị được đăng báo khi Phong Điệp mới 12 tuổi. Năm 1996, khi đang là sinh viên, Phong Điệp cho ra đời tập truyện ngắn đầu tiên có tên “Khi ta hai mươi” (Nhà xuất bản Trẻ), đánh dấu con đường viết văn chuyên nghiệp với bút pháp nhẹ nhàng, nữ tính.

Liên tiếp những năm sau đó, nữ nhà văn cho ra đời nhiều truyện ngắn mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại, giàu cảm xúc và bút pháp mang phong cách riêng, độc đáo như “Ma mèo”, “Người phía bên kia đường”, (Nhà xuất bản Trẻ - 1997, 2000); “Phòng trọ” (Nhà xuất bản Thanh niên - 2001) và các cuốn “Kẻ dự phần” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2008, tái bản năm 2012); “Nhật kí nhân viên văn phòng” (Nhà xuất bản Trẻ - 2012); “Biên bản bão” (Nhà xuất bản Phụ nữ - 2016); “Những mối tình câm” (Nhà xuất bản Phụ nữ - 2018); “Giấc mơ bay qua cửa sổ” (Nhà xuất bản Kim Đồng - 2002)...

Trong bài viết “Tư duy tự sự của Phong Điệp qua Kẻ dự phần”, Tiến sĩ Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, khẳng định: “Truyện của Phong Điệp đầy âm thanh, đặc sắc trong cách sử dụng ngôn ngữ âm thanh. Âm thanh xuất hiện dồn dập. Âm thanh này gọi gối âm thanh kia. Các âm thanh nối nhau, va đập vào nhau, dội sang nhau, đối lập nhau. Âm thanh trở thành một sự kiện, một ký hiệu đặc sắc”.

638553558363254737-tacpham-16873011216211607928869.jpg
Một số tác phẩm của nhà Văn Phong Điệp.

2. Khi người đọc đang say sưa, chìm đắm với một Phong Điệp dịu dàng, êm đềm, bút pháp và mạch văn đầy chất nhân văn, Phong Điệp lại đưa thêm một “món ăn mới”, đó là tiểu thuyết tâm lý.

Với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Blogger” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2009, Nhà xuất bản Văn học tái bản năm 2012) và “Ga ký ức” (Nhà xuất bản Trẻ - 2015), Phong Điệp thể hiện rõ nét lối viết hậu hiện đại với văn phong độc đáo và cấu trúc mới lạ.

Nhân vật trong hai tác phẩm trên của Phong Điệp là những con người nuôi trong mình nỗi ám ảnh, chán chường, luôn hồi tưởng và cả day dứt. Họ chìm đắm trong thế giới riêng của chính mình, trôi giữa hai bờ thực ảo không xác định.

Trong bài viết “Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Blogger và Ga ký ức của Phong Điệp” đăng trên Tạp chí Sông Hương vào năm 2016, tác giả Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên đã nhận định, không gian nghệ thuật trong hai tiểu thuyết trên là sự luân phiên giữa hai thế giới ấy, tạo cảm giác mơ hồ, không chân thực cho người đọc.

Gần đây, nữ nhà văn Phong Điệp tiếp tục ra mắt hai tiểu thuyết thể loại trinh thám khá ấn tượng, đó là “Vực gió” (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2016) và “Cuốn sổ máu” (Nhà xuất bản Phụ nữ - 2023).

Trong hai tiểu thuyết này, tác giả không đưa ra chi tiết rùng rợn, không cố đào sâu tội ác, mà tập trung miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật. Họ là những người trẻ, người tật nguyền phải đối mặt với sự mất mát không gì có thể bù đắp. Họ phải tự tìm cách vượt lên trên nỗi đau bằng bản lĩnh và nghị lực để khám phá nguyên nhân, những câu chuyện bí ẩn đằng sau mục đích danh lợi và những hành động tội ác.

Nếu đọc kỹ sẽ thấy nhà văn Phong Điệp không chú trọng khai thác các tình tiết của một vụ án mà tập trung khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật. Thế nên, nhân vật của Phong Điệp chân thật, sống động và gần gũi với độc giả.

3. Phong Điệp từng tâm sự với tôi rằng, nhà văn sáng tác ra tác phẩm là công việc đặc biệt không thể đo đếm bằng thời gian nhanh chậm cũng như công sức nhiều hay ít, bởi nó là sản phẩm của đam mê và sự kiên trì được chất chứa trong sâu thẳm tâm hồn. Để những đứa con tinh thần trở thành sản phẩm văn hóa, người viết phải trăn trở, thậm chí phải lăn lộn cùng cuộc sống, thấu hiểu hoàn cảnh, tâm lý của những con người, những uẩn khúc bên trong từng phận đời.

Với nhà văn Phong Điệp, mỗi khi có một cuốn sách mới ra đời chị không tổ chức ra mắt, công bố rầm rộ. Bởi chị nghĩ, tác phẩm ra đời sẽ có đời sống của mình. Người viết cần tiếp tục công việc của mình là tạo nên những tác phẩm mới.

Nhìn tôi, thoáng chút suy nghĩ, chị tâm tình, gần đây xuất hiện những vụ án rùng rợn, thể hiện rõ cái phi nhân tính, tước đoạt nhiều mạng người cùng lúc. Điều ấy khiến chị trăn trở và mong muốn rằng văn học cần phải phát huy vai trò của mình, hướng con người đến những giá trị nhân văn, để cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Muốn hoàn thành sứ mệnh của mình, nhà văn phải luôn bắt nhịp với đời sống, không ngừng học hỏi, đam mê và lao động nghiêm túc để cho ra đời những tác phẩm có giá trị.

Đọc tác phẩm của Phong Điệp, nhất là những tác phẩm xuất bản trong vài năm trở lại đây, tôi cảm nhận, với trí tưởng tượng phong phú, thông qua ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật đạt đến độ nhuần nhuyễn, nhà văn đã lột tả được chiếc mặt nạ ẩn chứa bên trong những gương mặt thánh thiện giả tạo; sự nhẫn tâm, tàn ác, phi nhân tính của một nhóm người.

Cũng thông qua các tình tiết được xây dựng, đan cài khéo léo, tinh tế, nhà văn đã xây dựng được những nhân vật điển hình dám đấu tranh, dám vượt qua khó khăn, dũng cảm đối đầu thực tế để tìm ra cái ác, từ đó để cộng đồng nhận biết, ngăn chặn và loại bỏ chúng khỏi đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Phong Điệp: Người gieo mầm thiện trên cánh đồng văn chương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.