(HNMCT) - Có thể nói, trong địa hạt vô cùng rộng lớn và sâu sắc của ký ức lịch sử, văn hóa Hà Nội, Nguyễn Trương Quý như một người “mang tấm lòng hiếu cổ”, ngưỡng vọng về mảnh đất kinh kỳ thời còn đan xen chất đồng quê với thị thành. Đối với anh, “mỗi ngày viết là một hành trình tìm kiếm một tôi khác”. Từ tản văn “Còn ai hát về Hà Nội” (2013) đến hai cuốn du khảo gần đây “Một thời Hà Nội hát: Tim không ngờ làm nên lời ca” (2018), “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” (2022) cho thấy một hành trình dụng công tìm hiểu lịch sử âm nhạc nước nhà.
- Thưa nhà văn Nguyễn Trương Quý, sau cuốn khảo cứu “Một thời Hà Nội hát: Tim không ngờ làm nên lời ca” và mới đây là “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc”, anh đã làm cho độc giả khá bất ngờ khi tiếp tục hành trình ngược về quá khứ?
- Cách đây vài năm tôi đã làm khảo cứu về chủ nghĩa lãng mạn Hà Nội, những con người Hà Nội trong giai đoạn rất đặc biệt là những năm 50 của thế kỷ trước - giai đoạn giao thời chuyển từ thành phố thuộc địa sang thành phố thủ đô của một chính thể độc lập. Tôi nhận thấy, bên cạnh chất lãng mạn, sự quyến rũ từ những bài hát huê tình của thanh niên thì còn có một chất liệu nữa rất đặc trưng của con người thời những năm 1940 là tinh thần yêu nước, mong muốn tìm về âm hưởng tráng ca của chủ nghĩa dân tộc. Vai trò của những bản tân nhạc ái quốc có sức mạnh tinh thần to lớn, khiến cho thế hệ thanh niên tìm đến sức mạnh cộng đồng, nắm lấy vận mệnh dân tộc. Điều đó đã hun đúc nên con người mới trong giai đoạn kiến tạo nước Việt Nam hiện đại.
- Âm nhạc cũng là một khía cạnh để nhận diện hình ảnh con người Việt Nam hiện đại?
- Tôi phải lội “ngược dòng” tìm về dấu vết kiến tạo hình ảnh con người Việt Nam hiện đại đang suy nghĩ gì, tâm tư ra sao, có gốc rễ từ những thập niên trước như thế nào. Tân nhạc là phương tiện để chuyển tải những ý niệm về con người tự do, con người đi tìm kiếm những giá trị của “tự do, bình đẳng, bác ái”. Tôi thấy rằng mình phải nghiên cứu bối cảnh đất nước những năm 1940, 1950, những năm bản lề chuyển từ đất nước thuộc địa sang đất nước có chủ quyền ra sao. Những bài hát ấy ra đời không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của sự học hỏi những giá trị từ khi còn học trên ghế nhà trường, đồng thời cũng là sự kế thừa truyền thống cha ông.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi tìm thấy câu chuyện của nhóm bạn Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng ở miền Nam ra Bắc học đại học và rất say mê lịch sử. Cuối tuần họ lại đạp xe về các di tích lịch sử khắp miền Bắc như sông Bạch Đằng, đền Kiếp Bạc, đền Hùng, đền Hai Bà Trưng…, thề rằng sẽ một lòng với đất nước, từ đó sáng tác nên những bài hát yêu nước. Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cũng tìm được ở đó khả năng tập hợp lực lượng thông qua những bài hát này. Đối với tôi, tìm kiếm nguồn tư liệu không quá khó, nhưng để hệ thống thành nghiên cứu thì phải xem rất nhiều nguồn. Có một điều may mắn là mặc dù phải sửa đi sửa lại nhiều lần, có lúc thấy bế tắc bởi câu chuyện phức tạp, mênh mông quá thì lại có thêm tư liệu giúp tôi có thể lấp được khoảng trống ấy.
- Liệu một cuốn sách đã chuyển tải được hết những điều mà anh muốn gửi gắm đến độc giả về tân nhạc hay những điều anh còn ấp ủ khi nói về lịch sử âm nhạc nước nhà?
- Tôi đã bỏ đi hai phần của bản thảo này. Tôi đang quan tâm đến giai đoạn âm nhạc mà mọi người ít quan tâm hơn - mảng âm nhạc thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa mà người ta hay gọi là nhạc đỏ (sau năm 1954). Đó là những câu chuyện liên quan đến cha mẹ mình, liên quan đến mình thời bao cấp và còn có những dư âm. Nó giải mã câu hỏi làm thế nào để sáng tạo được trong bối cảnh khó khăn. Từ đó mới thấy rằng chúng ta có nhiều nhạc sĩ tài năng, sáng tác nên những bài hát với thông điệp tuyên truyền, những bài hát cổ động nhưng mềm mại. Chẳng hạn như tác phẩm của Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Phạm Tuyên… đều là những bài hát tuyên truyền, cổ động nhưng đầy tính sử liệu văn hóa, phản ánh tâm tình của con người trong một giai đoạn rất đáng kể, góp phần lan tỏa tinh thần cộng đồng.
- Trong cuộc sống bộn bề, gấp gáp, anh lại dành thời gian để miên man với ký ức, khoảng lặng của lịch sử. Có bao giờ cái tôi trong anh cảm thấy lạc nhịp với hiện tại?
- Mọi người hay đặt câu hỏi rằng tôi có hoài cổ quá không? Nhưng tôi nghĩ câu hỏi ấy cũng mới chỉ là một phần mà thôi. Tôi thấy rằng trong vài thập niên qua, mối bận tâm của đại chúng trong lĩnh vực xuất bản về lịch sử, về sự kiến tạo chân dung người Việt một thời, những di sản của quá khứ… cực kỳ đậm nét. Hơn nữa, câu chuyện của ngày hôm nay luôn có sự kết nối với quá khứ. Cái dở của ngày hôm nay xuất phát từ những gì quá khứ chưa làm được. Cái hay của hiện tại cũng là bởi sự đúc rút kinh nghiệm từ quá khứ. Dường như chúng ta đang mất đường dây kết nối quá khứ. Bây giờ về các vùng quê mới thấy sự đổi thay quá nhanh. Có biết bao di tích trăm tuổi bỗng trở thành “một tuổi”? Tôi được đến một số nước có nền văn hóa, nghệ thuật lâu đời, thấy họ bảo tồn rất nghiêm ngặt, những điều nhỏ bé, đơn sơ nhưng lại nguyên bản và có tính kết nối cao. Điều đó giúp cho việc nhận diện đất nước, con người nơi đó rất đậm nét.
- Trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Trương Quý!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.