Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với những giá trị còn mãi với thời gian

Hoàng Quyên| 17/07/2015 14:39

(HNMO) - Sáng nay (17-7), tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội diễn ra hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú – Đông Anh” nhân kỷ niệm 55 ngày mất của nhà văn.

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn nguyên giá trị ở mọi thời đại


Hội thảo không chỉ nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng nhân 55 năm ngày ông đi xa, mà còn khẳng định sâu sắc hơn giá trị cội nguồn, tầm ảnh hưởng của quê hương Dục Tú đã đúc kết một con con người, một nhà văn, nhà văn hóa lớn. Hội thảo do UBND huyện Đông Anh, UBND xã Dục Tú phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, NXB Kim Đồng tổ chức với sự tham dự của các nhà văn, nhà nghiên cứu, các học giả thuộc nhiều lĩnh vực.

* Giá trị từ những trang nhật ký

Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú – Đông Anh” có gần 30 tham luận hướng tới các mảng đề tài: “Quê hương Dục Tú, Đông Anh khởi đầu những thành công của nhà văn, nhà văn hóa, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng”, đề tài về Nhật ký của ông, và mảng đề tài về tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng trong nhà trường phổ thông…

Giáo sư Phong Lê với tham luận "Nguyễn Huy Tưởng qua nhật ký và tự truyện"


Cuộc hội thảo một lần nữa cho bạn đọc nhận diện những giá trị vượt thời gian trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Theo giáo sư Phong Lê, không chỉ những tác phẩm lớn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có giá trị vô giá và luôn là đề tài nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh mà ngay cả nhưng trang nhật ký tưởng là những câu chuyện rất đời, rất riêng tư của nhà văn lại khiến người đọc như tìm thấy bài học cho chính mình. Vì lẽ đó, GS Phong Lê đã viết tham luận về “Nguyễn Huy Tưởng qua nhật ký và tự truyện”. Ông viết: “Qua nhật ký và tự truyện của Nguyễn Huy Tưởng, điều bạn đọc có thể lưu tâm là một bối cảnh xã hội trong những chuyển động của buổi giao thời, với con đường nuôi thân lập nghiệp của một lớp người – một lớp tuổi trẻ rồi sẽ vào đời, trưởng thành và làm nên sự nghiệp vào năm 1930, đầu 1940. Một lớp tuổi trẻ rồi sẽ hướng vào con đường văn chương với mục đích kiếm sống nhưng cũng không phải hoàn toàn vì mục đích kiếm sống”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể lại những kỷ niệm ngày bé khi đọc các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng, ngày nhỏ ông và chị gái đã khóc khi đọc truyện "Tìm mẹ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng


Cũng nghiên cứu về những trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong tham luận “Từ làng Dục Tú có một nhà văn” cho rằng: “Ba mươi năm với gần 2000 trang nhật ký để lại của một con người, một nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng ghi nhật ký không phải để chơi mà với một ý thức rõ rệt là để nhìn mình, soi mình hằng ngày đặng tu dưỡng, phấn đấu mình thành một con người có ích cho xã hội”.

* Đến các tác phẩm còn mãi với thời gian

Cho đến thời điểm này, khi đã có rất nhiều cuộc Hội thảo của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học về những giá trị tư tưởng trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, trong buổi hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú – Đông Anh”, một lần nữa những giá trị ấy lại được lật lại với một cái nhìn mới mẻ, gần gũi với thời đại hơn. Như tham luận của PGS.TS Lê Nguyên Cẩn – “Bi kịch Vũ Như Tô và vấn đề bảo vệ di sản văn hóa hiện nay”, có nói về bi kịch trong tác phẩm “Vũ Như tô” với giấc mơ Cửu Trùng Đài gợi ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ mà một trong những vấn đề ấy gắn liền với các di tích lịch sử. PSG.TS Lê Nguyên Cẩn đặt ra vấn đề rằng, việc xây dựng các công trình văn hóa của các thời đại trước đây không phải là sự phí phạm về tiền của, sức lực, cũng không nên cho rằng những người đứng đầu các thời đại trước bóc lột và xây dựng các công trình nguy nga cho thỏa mãn cá nhân… mà đó là chính thức gửi tiền tiết kiệm và lịch sử để làm vốn cho con cháu muôn đời.

PGS.TS Nguyễn Bích Thu với tham luận "Dấu ấn văn hóa trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng"


Trong bài viết “Dấu ấn văn hóa trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”, PGS.TS Nguyễn Bích Thu của Viện Văn học cho rằng, có thể thấy khá nhiều giá trị văn hóa việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy tưởng, điều này thể hiện rất rõ trong tác phẩm cụ thể là “Sống mãi với Thủ đô”. Theo PGS.TS Nguyễn Bích Thu, trong “Sống mãi với thủ đô”, nhà văn đã khắc họa một Hà Nội với nhiều mảng màu sáng – tối, bên cạnh sự lạnh giá của mùa đông là hơi ấm của tình người, con người Hà Nội. Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh, Nguyễn Huy Tưởng đã vẽ nên một bức tranh ấm áp đậm tình người như xuất hiện của anh nặn tò he giản dị nhưng cũng rất nhân văn.

TS Đỗ Thị Thanh Nga (Viện Văn học), người từng 10 năm nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng một lần nữa khẳng định giá trị thời đại của vở kịch Vũ Như Tô mà nhà văn muốn gửi gắm. Trong tham luận “Những bài học lịch sử từ Vũ Như Tô”, TS Đỗ Thanh Nga cho rằng, bảy thập kỷ sau khi ra đời, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng giờ đây trở thành đối tượng của những nghiên cứu chuyên sâu và hứa hẹn những sự nhận chân mới. Sức hấp dẫn của vở kịch chính là từ những bài học nhân sinh, những kinh nghiệm lịch sử hàm chứa trong những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

* Và ý nghĩa giáo dục cho giới trẻ

Không chỉ nhấn mạnh hơn nữa những giá trị quý báu mang đậm tư tưởng và tinh thần thời đại trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, các nhà phê bình văn học còn đặt ra nhiều vấn đề về các sáng tác của nhà văn đối với giáo dục trong nhà trường. Trong nhà trường phổ thông, tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng được giảng dạy ở cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT với các văn bản “Bóp nát quả cam” (trích từ truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”) được dạy ở môn Tiếng Việt lớp 2, văn bản “Bắc Sơn” (trích hồi 4 kịch Bắc Sơn) dạy ở môn Ngữ văn lớp 9, văn bản “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích kịch Vũ Như Tô) được giảng dạy ở môn Ngữ văn lớp 11.

Ngôi nhà, nơi sinh ra và lớn lên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội

Ngôi nhà được gắn biển "Di tích cách mạng và kháng chiến" vào năm 2008


Trong bài viết “Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng trong nhà trường phổ thông, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) nhận định, mỗi trang sách của Nguyễn Huy Tưởng trong nhà trường phổ thông đã đánh thức trái tim, suy nghĩ của học sinh về truyền thống lịch sử của cha ông, sức sống của dân tộc. Không những thế, những trang sách còn mang tới cho học sinh phổ thông bài học nhận thức và ứng xử trong nhiều mối quan hệ của con người như tình cảm gia đình, tình anh em, tình bạn bè, tình đồng chí, cộng đồng… TS Nguyễn Thị Tuyết Minh cũng cho rằng, nếu giáo viên biết khai thác hết tiềm năng giáo dục trong mỗi văn bản tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng đồng nghĩa với việc bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu tiếng Việt.

Các con, cháu của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại buổi hội thảo


Cuộc hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú – Đông Anh” tiếp tục đưa ra nhiều vấn đề mới mà các nhà nghiên cứu văn học khai thác, tìm tòi từ cuộc đời, trang nhật ký và các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Trong hội thảo cũng có nhiều để xuất, tham mưu để những giá trị trong tác phẩm của nhà văn tiếp tục được phát huy trong nhà trường, lan tỏa mạnh mẽ tới giới trẻ hiện nay. 

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6-5-1912 tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội. Tuy chỉ sống cuộc đời ngắn ngủi (ông mất ngày 25-7-1960), hưởng dương 48 tuổi) ông đã để lại một gia tài văn chương phong phú và một sự nghiệp hoạt động văn hóa, cách mạng đa dạng.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là Đại biểu Quốc hội khóa 1, đại diện cho tỉnh Bắc Ninh. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Huy Tưởng cùng các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu thành lập đoàn văn nghệ kháng chiến. Sau kháng chiến chống Pháp, ông là một trong những nhà văn tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Sau này ông là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn hóa lớn của làng văn học Việt Nam. Ông viết nhiều thể loại: truyện ký, kịch với nhiều để tài: từ đề tài lịch sử, Thăng Long Hà Nội, chiến tranh vệ quốc, cho đến đề tài dành cho thiếu nhi. Thể loại nào, đề tài nào, tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng mang giá trị vượt thời gian, vì trong đó chứa đựng và đặt ra những tư tưởng lớn rất sâu sắc mà đỉnh cao là kịch “Vũ Như Tô” và tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”. Ông cũng được ghi nhận là một cây bút đặc sắc cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm như “Tìm mẹ”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là một trong những người đặt nền móng cho nền văn học thiếu nhi dưới chế độ mới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với những giá trị còn mãi với thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.