(HNMCT) - Nhà văn Nguyễn Hiếu nổi tiếng trong giới với sức viết khỏe, khả năng viết nhanh và rộng khắp từ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch đến lý luận phê bình. Riêng với sân khấu, ông có một niềm đam mê mãnh liệt. Ông miệt mài sáng tác, luôn trăn trở với những vấn đề của sân khấu nước nhà...
- Thưa nhà văn Nguyễn Hiếu, được biết cuốn sách “Phác thảo chân dung nền sân khấu đương đại” của ông vừa được trao giải thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Ông có thể giới thiệu đôi nét về tác phẩm này?
- Đây là tác phẩm lý luận thứ hai của tôi được in. Cuốn thứ nhất có tiêu đề “Để cho dòng văn hóa Hà thành mãi chảy”, viết về những vấn đề văn hóa Hà Nội trong quá trình phát triển, được in vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cách nay hơn một thập niên. Cuốn “Phác thảo chân dung nền sân khấu đương đại” chỉ tập trung vào chủ đề sân khấu nước ta với những thành tựu và đặc biệt là những hạn chế, những khiếm khuyết của nó trên dưới ba thập niên gần đây. Trong các bài viết, tôi cố gắng cắt nghĩa hiện tượng suy thoái của nền sân khấu nước ta, trong đó nổi lên hiện tượng “sân khấu mất đi sức hấp dẫn đối với khán giả. Khán giả quay lưng với kịch. Sân khấu chết lâm sàng”.
- Nói một cách ngắn gọn, theo ông, “chân dung nền sân khấu đương đại” là như thế nào?
- Trên dưới ba thập niên qua, dù các nhà hát, các đoàn kịch từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực tìm đủ mọi cách để kéo khán giả trở lại với sân khấu nhưng đều vô vọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kịch suy thoái chưa được nhìn đúng và trúng. Mọi nỗ lực dường như chỉ giải quyết hình thức bề ngoài mà chưa điểm được huyệt cốt lõi bên trong của nguyên nhân khiến nền kịch nghệ suy thoái.
- Cuốn sách tập hợp nhiều bài báo, bài phê bình, tham luận của ông trong gần 20 năm qua, cho thấy ông luôn trăn trở với những vấn đề tồn tại của sân khấu. Theo ông, đâu là vấn đề lớn nhất của sân khấu hiện nay?
- Theo tôi, kịch là một loại hình nghệ thuật thánh đường. Người xem luôn muốn thấy kịch phản ánh thực trạng nóng bỏng của xã hội và hy vọng tìm ra thông điệp hướng dẫn từ đó. Đáng tiếc là đa số tác phẩm kịch trong trên dưới ba thập niên qua đều không đáp ứng được yêu cầu này. Trong bản tổng kết Liên hoan sân khấu Thủ đô hồi tháng 10, rồi hai Liên hoan Chèo, Cải lương toàn quốc diễn ra đầu và cuối tháng 11 vừa qua đều khẳng định “các vở diễn về đề tài hiện đại quá ít so với các vở diễn về đề tài lịch sử, dân gian”. Ở Liên hoan sân khấu Thủ đô có quá nhiều ông vua, bà chúa mà vắng bóng các vở diễn phản ánh cuộc sống, con người, sự kiện Hà Nội hôm nay.
- Ông là một trong những tác giả giành được nhiều giải thưởng sân khấu. Gần đây nhất, liền trong ba hội diễn Chèo, Cải lương và Liên hoan quốc tế thử nghiệm lần thứ V, ông giành hai Huy chương Vàng, một Huy chương Bạc. Liệu có phải Nguyễn Hiếu đã tìm ra “bí quyết” để chinh phục giới chuyên môn?
- Thú thật với nhà báo, tôi không có bí quyết nào hết. Tôi là nhà văn, sở trường viết tiểu thuyết và truyện ngắn nhưng rất yêu sân khấu. Tôi đến với sân khấu từ sớm, khi đọc Shakespeare từ năm tốt nghiệp lớp 10; được đạo diễn, nhà viết kịch cự phách Lộng Chương dựng kịch bản từ năm 1976 khi tôi 28 tuổi, lại làm nghề báo nên tôi luôn tâm niệm: Kịch là một thể loại khó nhất trong văn chương nhưng có điểm gần với báo chí khi phản ánh những vấn đề trung tâm của xã hội. Vì thế, tôi luôn tìm đến những đề tài sôi động của xã hội, đáng tiếc là các kịch bản này lại ít được sử dụng. Như nhà báo biết, khi kịch bản trở thành vở diễn trên sân khấu thì đó là kết quả của cả một tập thể, từ lãnh đạo nhà hát, đoàn kịch đến ê kíp sáng tạo bao gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên và đội ngũ kỹ thuật.
- Còn với khán giả đại chúng thì sao, thưa ông? Chúng ta đã nói đến rất nhiều vấn đề của sân khấu hiện nay, đặc biệt là cuộc “khủng hoảng thiếu khán giả” trầm trọng. Vậy theo ông, “bí quyết” để thu hút khán giả là gì?
- Gần đây, một số nhà hát, đoàn kịch đã tìm đến những kịch bản phản ánh hiện thực cuộc sống, như Nhà hát Kịch Việt Nam dựng kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng”, Nhà hát Kịch Hà Nội dựng kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, nhưng đó vẫn là mảng hiện thực của cuộc sống đã lùi xa ngót nghét nửa thế kỷ. Phải chăng, vì sân khấu còn ngập ngừng trong sự phản ánh cuộc sống sôi động như vậy nên khán giả vẫn chưa quay trở lại thói quen mua vé xem kịch như trên dưới ba chục năm trước? Vì sân khấu không đáp ứng được yêu cầu xem và được chỉ dẫn, dự báo ở kịch.
Theo tôi, bí quyết để kéo khán giả đơn giản chỉ là thay đổi cách nghĩ của những người làm kịch, bắt đầu từ các nhà quản lý, lãnh đạo nhà hát. Hãy khuyến khích các kịch tác gia bám sát thực tế cuộc sống đương thời để từ đó viết ra những kịch bản phản ánh sự sôi động của con người và hiện thực xã hội hôm nay. Bài học một thời náo nức đến với sân khấu của khán giả chẳng những ở Hà Nội mà cả nước đối với kịch Xuân Trình, Lưu Quang Vũ là minh chứng xác thực.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.