(HNMCT) - Nhiều người còn biết đến nhà thơ Huy Cận (tên đầy đủ là Cù Huy Cận) với vai trò một chính khách từng nắm giữ nhiều vị trí, vai trò quan trọng như Bộ trưởng Bộ Canh Nông, Bộ trưởng phụ trách công tác văn hóa nghệ thuật, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, là thành viên của Chính phủ lâm thời mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng ký “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 ("Hồ Chí Minh toàn tập", Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ ba, năm 2011)...
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, tác giả của những vần thơ nổi tiếng "Lửa thiêng", “Vũ trụ ca”, “Bài thơ cuộc đời”, “Cha ông nghìn thuở”... chính là một trong những người gây dựng thế hệ thẩm phán đầu tiên của đất nước.
Ngày 23-11-1945, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL về thành lập Tòa án Đặc biệt, thành lập và giao nhiệm vụ cho Ban Thanh tra Đặc biệt thực hiện một số hoạt động tố tụng bao gồm cả truy tố, buộc tội tại Tòa án Đặc biệt. Đây là văn kiện mang tính pháp lý đặc biệt về công tác xét xử của Tòa án. Điều thứ 3 Sắc lệnh quy định: “Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một Tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các Ủy ban Nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố”. Điều thứ tư của Sắc lệnh quy định Chủ tịch Chính phủ lâm thời (lúc đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh) làm Chánh án. Sắc lệnh cũng quy định: “Một ủy viên trong Ban thanh tra đứng buộc tội”, “Tòa án đặc biệt có toàn quyền định án, có thể tuyên án tử hình. Những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ”...
Tiếp đó, ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL trong đó cử ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Theo pháp luật thời kỳ này, thẩm phán chia thành “thẩm phán buộc tội” và “thẩm phán xử án”. Với nhiệm vụ được giao “đứng buộc tội” theo Sắc lệnh số 64-SL, Huy Cận thực hiện vai trò thẩm phán buộc tội cao cấp nhất mà người thực hiện vai trò thẩm phán xét xử cao cấp nhất giữ vai trò Chánh án Tòa án đặc biệt chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không chỉ giữ vai trò thẩm phán buộc tội, Huy Cận còn thực hiện tuyển chọn, công nhận và bổ nhiệm lớp thẩm phán đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiếu theo điều 62 Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 “Tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán” và sau khi hỏi ý kiến Hội đồng Chính phủ, Nghị định số 70-TP/NĐ ngày 31-1-1946 về việc lập một hội đồng có nhiệm vụ xét các đơn xin vào các ngạch thẩm phán và lập danh sách người xứng đáng được bổ dụng được ban hành. Hội đồng gồm 5 người là Vũ Trọng Khánh, Bùi Bằng Đoàn, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận và Hoàng Hữu Nam. Tiếp đó, Nghị định số 76-TP/NĐ ngày 22-2-1946 đã lập hội đồng có nhiệm vụ ấn định phẩm trật và nơi làm việc của các thẩm phán được bổ dụng, Cù Huy Cận cũng là 1 trong 5 hội viên của Hội đồng này (gồm Vũ Trọng Khánh, Bùi Bằng Đoàn, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Vũ Văn Hiền).
Theo 2 nghị định này, các thành viên hội đồng, trong đó có Huy Cận, có nhiệm vụ xem xét các đơn xin vào ngạch thẩm phán và đề cử bổ nhiệm những người có đủ điều kiện phẩm chất và năng lực vào các vị trí cấp bậc của thẩm phán cũng như phân công nơi làm việc cho những thẩm phán đầu tiên của đất nước. Trong cuốn “Hồi ký” (NXB Hội Nhà văn, 2004), ông Vũ Đình Hòe viết: “Ngày 30-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đến dự buổi lễ tuyên thệ của những thẩm phán đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân. Tại buổi lễ, đã có 38 thẩm phán được Hội đồng tuyển lựa đề nghị. Bộ Tư pháp duyệt y, hai ông Chánh nhất (Nguyễn Huy Mẫn) và Chưởng lý (Vũ Trọng Khánh) của Tòa Thượng thẩm được Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm, tuyên thệ”.
Huy Cận cũng là người đóng góp xây dựng thể chế mang tính nền tảng cho ngành Tòa án, cho thẩm phán. Huy Cận là đại diện duy nhất của những người làm công tác tố tụng - tư pháp, buộc tội - xử án nhiệm vụ của ngành Tòa án lúc đó, được Quốc hội khóa I kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946 bầu vào Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 thành viên chịu trách nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua ngày 9-11-1946 đã dành chương VI quy định về cơ quan tư pháp (Tòa án). Lần đầu tiên quy định về Tòa án tối cao tại Điều thứ 63 mà trong các văn bản pháp luật trước đây chưa có. Điều thứ 69 của Hiến pháp cũng đã quy định: “Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Hiến pháp được ban hành đã khẳng định vị trí của ngành Tòa án cũng như vai trò của người thẩm phán.
Ngoài ra, Cù Huy Cận là người duy nhất đã đại diện cho cơ quan nhà nước trả lời về các hoạt động tố tụng trong phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội trong vụ án Ôn Như Hầu. Đây cũng là những tháng ngày mà vận mệnh quốc gia, dân tộc đang đứng trước những thử thách sống còn, các thế lực phản cách mạng, “Việt Cách”, “Việt Quốc” tìm mọi cách chống phá bằng nhiều thủ đoạn thâm độc.
Nhà thơ Huy Cận thật là có duyên với ngành Tòa án và tham dự vào những dấu mốc đặc biệt của ngành, với 4 sự kiện đầu tiên của ngành. Ông là người đầu tiên thực hiện chức năng của một “thẩm phán buộc tội” cao cấp nhất, ông là người đã thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn lớp thẩm phán đầu tiên của đất nước, tham dự vào việc bổ nhiệm cấp bậc, bố trí công tác của lớp thẩm phán đầu tiên này và ông cũng là người đầu tiên, duy nhất đại diện cho những người làm công tác tư pháp, buộc tội, xử án - nhiệm vụ của ngành Tòa án lúc đó, tham gia xây dựng bản hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946). Đặc biệt hơn nữa, sau này ông còn tiếp tục tham gia Ban soạn thảo Hiến pháp 1992 - Hiến pháp thời kỳ Đổi mới.
Con trai nhà thơ Huy Cận - anh Cù Thu Anh, hiện là Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, Ủy viên Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng Trung ương, cho biết: Cha anh khi còn sống thường hay kể về giai đoạn lịch sử đó với những đóng góp cho ngành Tòa án mà ông vẫn tự hào. Ông cũng có những gắn bó với thế hệ thẩm phán đầu tiên của đất nước như ông Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chưởng lý Tòa Thượng thẩm; ông Trần Công Tường - quyền Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đầu tiên... cũng như với những thẩm phán sau này như ông Phạm Hưng - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (từ năm 1981 đến 1997), ông Trịnh Hồng Dương - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (từ năm 1997 đến 2002)...
Cũng như cha mình, anh Cù Thu Anh luôn trân trọng nghề thẩm phán rất cao quý, đòi hỏi phẩm chất, bản lĩnh rất cao và tin tưởng rằng thế hệ thẩm phán hôm nay, tiếp tục truyền thống với những nhiệm vụ mới mang hơi thở của cuộc sống, tiếp tục xứng đáng với thế hệ đi trước hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Nhà thơ Huy Cận là nhà thơ đầu tiên của Việt Nam được bầu làm Viện sĩ hàn lâm thơ thế giới. Với những đóng góp của mình vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.