Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà thờ Bác giữa vùng quê lúa

Quỳnh Nguyên| 19/05/2014 06:15

(HNM) - Có một người cựu thanh niên xung phong, bằng niềm kính yêu tuyệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thầm lặng lập bàn thờ Bác suốt 40 năm qua.


Những lá thư giấu trong lòng đất

Sinh năm 1944 trong một gia đình bần nông có 5 anh chị em, cha mẹ đều đi ở đợ, làm thuê, tuổi thơ của bà Đỗ Thị Mến trải dài theo những tháng ngày cơ cực. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 1945, hai người anh của bà bị chết đói. Một người anh khác tham gia du kích, sau đó lên đường nhập ngũ chống Pháp rồi hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình chỉ còn hai chị em gái. Người chị gái Đỗ Thị Mượt của bà từng

Phòng trưng bày tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của bà Mến hiện có khoảng 500 đầu sách, hiện vật.


nổi tiếng vì góp phần làm ra chiếc xe cút kít giúp người nông dân Thái Bình giải phóng đôi vai trong việc vận chuyển thóc lúa, phân gio. Với thành tích này, bà Mượt đã được Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ thi đua dịp Người về thăm Thái Bình năm 1962.

Phát huy truyền thống gia đình, năm 1967, bà Mến được kết nạp vào Đảng. Bà hăng hái tham gia công tác thông tin tuyên truyền, công tác đoàn tại địa phương. Năm 1966, bà tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), công tác tại Đội TNXP 766, Tỉnh đoàn Thái Bình, đến năm 1975 thì xuất ngũ, trở về địa phương. Chồng bà là ông Nguyễn Quang Dòng, đi bộ đội từ năm 1957, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị sau đó chuyển vào chiến trường Tây Nam làm công việc tuyển và huấn luyện quân. Bà Mến ngậm ngùi kể: "Ngày ấy, tôi và chồng tôi lấy nhau qua mai mối, chứ đã kịp biết mặt nhau đâu. Gặp gỡ rồi đến đám cưới chỉ vẻn vẹn trong mấy ngày nghỉ phép, sau cưới hai ngày, ông ấy phải quay lại chiến trường".

Ngọn lửa hạnh phúc vừa nhen nhóm, bà đã bịn rịn tiễn ông vào chiến trường, gửi thương nhớ qua từng cánh thư. Hai người xa lạ vừa kịp quen nhau, họ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn khi cả hai đều có niềm tin yêu tuyệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi thế, dù cả gia tài chỉ là mái nhà tranh vách đất, họ vẫn bàn nhau dành nơi trang trọng nhất để lập bàn thờ Bác. Hằng ngày, người vợ trẻ vừa hương khói, chăm nom vừa ngóng tin chờ đợi chồng.

Hòa bình lập lại, với quân hàm đại úy, ông Dòng nghỉ hưu trở về quê hương làm cán bộ nông nghiệp rồi cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã. Sau hơn chục năm xa cách, ngày sum họp tưởng rằng sẽ là những ngày hạnh phúc nhất nhưng lại là lúc bà Mến phải gánh chịu những nỗi đau tột cùng của chiến tranh để lại. Chất độc da cam trong người ông Dòng đã khiến những đứa con của bà Mến không thể thành hình hài. Bảy lần bà mang thai thì cả bảy lần những đứa con không thể chào đời. Nhiều đêm bà chỉ biết nằm khóc, âm thầm chịu đựng nỗi đau… Song nỗi đau chưa dừng, chất độc da cam vẫn không buông tha, cứ ngày ngày hủy hoại cơ thể của người lính trở về sau cuộc chiến. Ông Dòng liên tục bị sốt rét và rụng hết tóc. Đến năm 1999, ông đã mất khi không thể chịu đựng được nỗi đau thể xác. "Những giây phút ông quằn quại với cơn đau là những giây phút đến hết đời tôi cũng không thể nào quên" - bà Mến nghẹn ngào. Cái chết của chồng và sự vô vọng về bản năng làm mẹ đã làm cho bà sống như điên dại trong suốt 2 năm.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng những vết thương mà nó để lại vẫn còn dai dẳng. Nhìn người đàn bà nhỏ bé ngồi đối diện, nghe bà ngậm ngùi kể lại một thời đã qua, chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của thời hậu chiến. Sự đau đớn, mất mát hằn lên ở khóe mắt đã mờ đục của người đàn bà trải qua bao giông tố cuộc đời. Bà không khóc được nữa, có lẽ vì đã khóc quá nhiều rồi… Bà bảo: "Những ngày tháng đó, cuộc sống với tôi chấm hết rồi. Mỗi ngày tôi đều nâng niu những lá thư chồng tôi viết ngày còn trẻ, trong đó có bức thư về việc lập nhà thờ Bác Hồ. Lần nào đọc thư tôi cũng khóc. Tôi nghĩ mình cần phải sống để hoàn thiện tốt hơn nữa tâm nguyện của ông ấy. Tôi đem chôn những lá thư vào lòng đất, như một lời hứa với người đã khuất".

"Nhà 19-5"

Câu chuyện lập bàn thờ Bác Hồ của bà Mến như tiếng lành đồn xa. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp ấy, bà Trần Thị Hiền - Giám đốc Xí nghiệp In II, Viện Khoa học - Công nghệ và các nhà hảo tâm cũng như bà con xóm giềng đã giúp bà Mến xây khu nhà sàn thờ Bác Hồ rộng hơn 500m2. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu dáng ngôi nhà sàn trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Phía trước, chính giữa ngôi nhà là ảnh Bác được treo trang trọng. Hai bên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Phía dưới là khẩu hiệu: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ khang trang được người dân trìu mến gọi với cái tên "Nhà 19-5".

Từ đó đến nay, suốt 40 năm qua, hằng ngày bà Mến vẫn cần mẫn lau dọn và thắp hương cho Bác. Cảm động trước tấm lòng thành kính của bà đối với Bác Hồ, bà con chòm xóm thường qua lại nhà bà Mến thăm nom và dâng hương lên bàn thờ Người. Căn nhà nghèo khó của bà Mến trở thành nhà thờ Bác Hồ của xóm làng. Bà Mến nói: "Trong lòng chúng tôi, Bác vẫn còn sống mãi. Tôi thờ Bác là thờ những ân tình của Người dành cho đất nước, cho đồng bào".

Ngoài ra, một tủ sách bao gồm 500 quyển sách viết về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được bà Mến sưu tầm, xếp gọn trang trọng trên một tủ sách. Không những thế, bà còn sưu tầm nhiều bức ảnh của Bác Hồ lúc còn sống với nhiều khoảnh khắc bình dị, đời thường của Người. Quyển album với những bức hình đen trắng, có ảnh Bác đang tập thể dục, đang thăm hỏi bà con, đang cho cá ăn… như một cuốn phim quay chậm lại cả quãng đời hy sinh vì nước của Người. Để có được quyển album này, bà đã đi và gặp nhiều người đã từng gặp và chụp ảnh chung với Bác Hồ để xin ảnh.

Cuộc sống vất vả khó khăn nhưng bà Mến vẫn dành dụm tiết kiệm tiền mua một chiếc xe đạp Thống Nhất. Ban đầu, mọi người đều không biết vì sao bà lại gấp rút mua xe đến vậy, đến sau này mọi người mới hiểu hết tấm lòng cao cả của bà. Trên những chặng đường đi qua, bà Mến còn chữa bệnh miễn phí cho người dân. Bằng phương pháp chữa bệnh đặc biệt, bà đã chữa bệnh cho nhiều người, trong đó không ít người đã bị bệnh viện trả về.

Công việc thầm lặng cứ thế diễn ra suốt 40 năm qua. Mỗi nơi đi qua, bà lại xin các loại hạt giống: Thóc, đỗ, ngô, đậu… Bà lấy hạt giống nếp từ Móng Cái (Quảng Ninh), lấy hạt ngô ở Tuyên Quang, lấy hạt thóc, lúa ở Đồng Tháp... Đi đến vùng nào, bà đều mua một nắm hạt giống về đặt trên bàn thờ Bác Hồ với mong muốn Người sẽ phù trợ cho mùa màng khắp nơi tươi tốt, bội thu. Mầm hạt giống chính là lòng biết ơn của nhân dân khắp nơi với sự ấm no mà Bác đã mang lại. Bà Mến cười bảo: "Ân tình của Bác lớn lắm, những việc tôi làm thấm vào đâu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thờ Bác giữa vùng quê lúa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.