(HNM) - Mặc dù có nhiều chỉ thị, quy định, văn bản yêu cầu tăng cường quản lý trật tự xây dựng, song nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn là
Nhà không phép, không đủ kích thước xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại (chụp tại nút giao thông Thanh Xuân). Ảnh: Nguyễn Tú |
Sống chung với nhà siêu mỏng
Nhiều năm nay, cứ sau mỗi lần đường được mở giữa khu dân cư, ngay lập tức nhà siêu mỏng, siêu méo lại xuất hiện. Nổi tiếng là đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, sau khi giải phóng mặt bằng có tới 70 thửa đất hình thù kỳ dị mà không ít trong số đó, chủ nhân đã nhanh tay xây thành kiốt án ngữ mặt đường. Được biết có trường hợp những kiốt nho nhỏ này đã được quát giá trên trời nếu có người hỏi mua. Nhà siêu mỏng đã trở nên quá quen thuộc trên nhiều tuyến đường Thủ đô, ở khắp các quận có dự án hạ tầng như Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân... Có công trình siêu mỏng tồn tại đã hơn chục năm, làm xấu bộ mặt đô thị mà không có cách nào giải quyết. Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) cũng từng có văn bản kiến nghị thu hồi các công trình siêu mỏng, siêu méo, song vì nhiều lý do khác nhau (trong đó có lý do thiếu kinh phí) nên chúng vẫn tồn tại. Lãnh đạo một quận nội thành cho biết, rất khó xử lý hết nhà siêu mỏng vì không có cơ chế, chính sách, nhất là giá bồi thường để thu hồi những thửa đất có hình thù kỳ dị. Mặt khác, chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý và thiếu kiên quyết với những công trình xây dựng này.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có hơn 250 công trình không phù hợp quy định kiến trúc, cảnh quan, hầu hết đều nằm trên những tuyến đường mới mở, trong đó có 232 công trình có trước năm 2005.
Có thể được tồn tại?
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc tồn tại chưa xử lý được nhà siêu mỏng, siêu méo có nhiều nguyên nhân, có thể do lịch sử để lại; do xây dựng, cải tạo công trình mặt phố không được thực hiện đồng bộ; do chính sách quản lý, đền bù GPMB... nên Sở Xây dựng đề xuất, trường hợp là công trình xây dựng trước năm 2005 (thời điểm Luật Xây dựng chính thức có hiệu lực) được tồn tại nguyên hiện trạng nếu toàn bộ công trình hoặc một phần công trình phù hợp với quy hoạch xây dựng (hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng chưa thực hiện quy hoạch xây dựng). Trường hợp quy hoạch xây dựng thực hiện ngay, nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng; nếu phần diện tích còn lại từ 15m2 đến nhỏ hơn 40m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng.
Những trường hợp khác như hiện là đất trống hoặc nhà tạm, nhà 1 tầng cũ, tuyệt đối không cấp giấy phép xây dựng (kể cả giấy phép xây dựng tạm). Chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm, kịp thời không để xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép. Tương tự, các trường hợp xây dựng từ năm 2005 đến nay, Sở Xây dựng khẳng định là công trình vi phạm trật tự xây dựng, cần được xử lý theo quy định pháp luật.
Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương
Kể từ quý II-2008 đến nay, sau khi lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã trên toàn địa bàn Hà Nội (cũ) được thành lập, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ thị, văn bản nhắc nhở chính quyền các quận, huyện có dự án mở đường nghiêm túc thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng công trình hai bên tuyến đường mới mở để ngăn chặn việc xuất hiện các công trình siêu mỏng, siêu méo mới, đồng thời xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép để răn đe. "Trên thực tế, công trình siêu mỏng, siêu méo không được cấp giấy phép xây dựng. Vì vậy, việc để tồn tại, không xử lý triệt để các công trình siêu mỏng, siêu méo, nhất là các công trình kiên cố, thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, phường, xã do thực hiện không nghiêm các quy định hiện hành về quản lý trật tự xây dựng cũng như các ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố" - đại diện Sở Xây dựng khẳng định.
Để chấm dứt tình trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị, trước hết, UBND các cấp cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; đồng thời có kế hoạch xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo theo đúng quy định. Bên cạnh đó cần sớm ban hành quy định quản lý kiến trúc công trình xây dựng, cải tạo hai bên tuyến đường mới mở; đồng thời nghiên cứu các dự án xây dựng đồng bộ đường và công trình mặt phố, không để phát sinh các khu đất, ngôi nhà có kích thước hình học không hợp lý. Tuy nhiên, đại diện nhiều quận, huyện cho rằng cách tốt nhất để hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo là vận động để người dân hợp khối. Muốn thu hồi đất phải có dự án, trong khi những thửa đất nhỏ đó chẳng thể làm được và quận cũng không đủ thẩm quyền thu hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.